Ông Tập kêu gọi cựu Tổng thống Philippines thắt chặt quan hệ với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (17/7), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương, sau khi quan hệ Trung Quốc và Philippines dần nguội lạnh vì người kế nhiệm ông Duterte đang xích lại gần Washington.

Ông Tập hy vọng hâm nóng quan hệ Trung Quốc - Philippines

“Tôi hy vọng các ông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự hợp tác hữu nghị (giữa Trung Quốc và Philippines)”, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Tập nói trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Philippines tại nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (17/7).

Theo hãng tin Reuters, dưới thời ông Marcos, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên căng thẳng khi Manila xích lại gần hơn với đồng minh truyền thống của mình là Mỹ.

Philippines và Mỹ đã tái khẳng định liên minh an ninh vốn đã tồn tại hàng thập kỷ trong chuyến công du của ông Marcos tới Mỹ vào tháng 5/2023. Tại đây, ông đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, người tuyên bố rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh của mình là “rất kiên định”.

Hoa Kỳ từng cam kết bảo vệ Philippines, quốc gia cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự trong năm nay. Điều này đương nhiên khiến Bắc Kinh tức giận.

Đầu tháng 5, Mỹ và Philippines đã công bố 4 căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Philippines, trong đó có một căn cứ trên đảo Palawan, giáp Biển Đông và 2 căn cứ ở phía bắc Philippines, gần Đài Loan. Hai căn cứ phía bắc sẽ hỗ trợ hải quân và không quân cho các lực lượng luân phiên của Hoa Kỳ, giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Ông Marcos cũng cho biết việc cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ là một bước phòng thủ và nó sẽ “hữu ích” nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Trung Quốc luôn khẳng định thân thiện với các nước láng giềng, những nước mà họ coi là đối tác của mình, ông Tập nói, nhưng không bình luận về tình trạng quan hệ song phương hiện tại.

“Trong nhiệm kỳ Tổng thống Philippines, ông đã kiên quyết đưa ra lựa chọn chiến lược để cải thiện quan hệ với Trung Quốc với thái độ có trách nhiệm với người dân và lịch sử,” ông Tập nói với ông Duterte.

Tháng trước, ông Duterte nói với truyền thông trong nước rằng Philippines có thể trở thành “nghĩa địa” nếu vướng vào căng thẳng Mỹ - Trung.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong lễ kỷ niệm 126 năm ngày thành lập Quân đội Philippines tại Pháo đài Bonifacio gần Manila, Philippines, hôm 22/3/2023. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Tổng thống Marcos: Mong ông Duterte và ông Tập bàn về Biển Đông

Phản ứng trước cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và người tiền nhiệm của mình tại Bắc Kinh, hôm thứ Ba (18/7), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho biết ông hy hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm cả việc các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc theo dõi các tàu của Manila.

Theo hãng tin Reuters, ông Marcos cho hay ông đã biết về chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng ông hoan nghênh mọi hình thức liên lạc giữa hai nước.

Phát biểu trước báo giới hôm 18/7, ông Marcos cho biết: "Tôi hy vọng họ đã thảo luận về những vấn đề mà chúng ta đang thấy, đang bị che giấu, để chúng ta có thể đạt được tiến bộ".

Ông Marcos đắc cử Tổng thống với nhiệm kỳ 6 năm vào năm 2022, thay thế ông Duterte, người có lập trường thân Trung Quốc hơn.

Hồi tháng 5, ông Marcos đã có chuyến công du tới Mỹ, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines trong gần một thập kỷ.

Hôm 1/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr., tại Nhà Trắng và đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Philippines.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết về “tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” cũng như “duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”, nơi Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự.

Theo tuyên bố chung, cả hai đối tác "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan như một thành phần không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đi bộ dọc theo hành lang Cánh Tây trên đường đến Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Hoa Kỳ, hôm 1/5/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP/Getty Images)

Mỹ & Philippines hợp lực chống Trung Quốc

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Philippines diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm vùng lãnh thổ của Philippines ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, mà Bắc Kinh hầu như chỉ tuyên bố chủ quyền dựa trên đường chín đoạn của mình. Từ ngày 18/4 đến ngày 24/4, hơn 100 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nổi tiếng với việc cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ để xoay trục sang Trung Quốc nhằm kêu gọi khoản vay hỗ trợ phát triển trị giá 180 tỷ USD. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ phê duyệt 422 triệu USD. Điều này đã khiến cho các nhà ủng hộ Trung Quốc của nước này thất vọng và có lẽ khiến cho cử tri Philippines vỡ mộng về tình hữu nghị của Trung Quốc đối với Philippines.

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược lãnh thổ đối với hầu hết các nước láng giềng và tuyên bố quyền bá chủ khu vực ở châu Á đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn giữa các nước láng giềng của Trung Quốc.

Đây là những nước đang cố gắng ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược lãnh thổ nào của Trung Quốc thông qua hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ với Nhật Bản, Ấn Độ, Bhutan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập kêu gọi cựu Tổng thống Philippines thắt chặt quan hệ với Trung Quốc