Phân tích: Khủng hoảng ở Biển Đỏ và sự hỗn loạn địa chính trị tác động thế nào đến toàn cầu hóa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, vào ngày 9/1 đầu năm nay, cuộc khủng hoảng Biển Đỏ bất ngờ leo thang, 50 tàu thương mại bị lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen tấn công. Đây là cuộc tấn công lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng vào tháng 11/ 2023. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến thương mại hàng hải toàn cầu, mà thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc sản xuất và phân phối toàn cầu hóa trong tương lai.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến chi phí đi đường vòng để tránh nạn quá cao

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ bắt đầu vào cuối tháng 11/2023. Lực lượng vũ trang Houthi cố thủ ở Yemen đã chọn tấn công các tàu của Israel để hỗ trợ Hamas. Sau đó, họ không chỉ tấn công tàu Israel mà còn mở rộng tấn công tàu thuyền của khoảng 40 quốc gia và khu vực.

Ông Lý Quân, nhà sản xuất độc lập, khách mời trong chương trình “ Diễn đàn tinh anh” của NTDTV, cho rằng cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi vào ngày 9/1 có thể là sự trả thù cho việc quân đội Mỹ đã đánh chìm 3 tàu của Houthi vào cuối năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ gây ra mối đe dọa lớn đối với hoạt động vận tải hàng hải trên toàn khu vực Biển Đỏ, bao gồm cả Kênh đào Suez. Lưu lượng tàu thuyền trong khu vực này đã giảm khoảng 80%.

Tiến sĩ Tôn Dịch Thao cựu phó thuyền trưởng tàu Zheng He của Hải quân Đài Loan, cho biết, tuyến đường hàng hải Biển Đỏ là trục giao thông biển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á, hàng năm có hơn 17.000 tàu hàng đi qua kênh đào Suez, chiếm 12% khối lượng vận tải đường thủy toàn cầu. Lượng hàng hóa vận chuyển còn chiếm tới 30% lượng hàng hóa toàn cầu. Nếu các công ty vận tải rút khỏi tuyến Biển Đỏ và chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để kết nối châu Âu và châu Á, thời gian hành trình sẽ tăng thêm khoảng 4 ngày, vận chuyển toàn cầu có thể bị kéo dài từ hai đến bốn tuần, và toàn bộ chi phí vận chuyển sẽ tăng lên rất nhiều.

Ngoài ra, chi phí gia tăng do phí vận chuyển và bảo hiểm tăng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Nếu khủng hoảng tiếp tục, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn, năng lực vận chuyển của tàu sẽ bị tiêu hao khoảng 20% ​​do phải định tuyến lại, đồng thời cũng cần thời gian để sắp xếp lại đội tàu hoặc container, điều này sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tiến sĩ Tôn Dịch Thao cho biết, Mỹ đã tổ chức liên minh 10 quốc gia vào ngày 19/12/2023 với hy vọng sẽ cùng nhau hộ tống tàu thương mại trên Biển Đỏ, nhưng nhiều quốc gia do nhiều lo ngại không tích cực tham gia, quá trình thực hiện không suôn sẻ.

Biển Ả Rập là trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về các hoạt động chỉ huy quân sự ở Trung Đông và Trung Á. Trong số đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Trung ương nằm dưới quyền quản lý của Hạm đội 5 Hoa Kỳ, có thẩm quyền trải dài từ Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, Biển Ả Rập, đến vùng biển Ấn Độ Dương của Kenya ở Đông Phi. Ngoài lực lượng thường trực, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ điều chỉnh việc triển khai bất cứ lúc nào. Vào tháng 10 năm ngoái, 2 tàu sân bay USS Ford và USS Eisenhower hoạt động đồng thời ở vùng biển Trung Đông, nên không thể đánh giá thấp năng lực chiến đấu của nhóm tàu này.

Tàu của Trung Quốc và lực lượng vũ trang Houthi bí mật liên lạc

Có đoạn video do Trung Quốc đăng tải trên Internet cho thấy một tàu thương mại của Trung Quốc đi qua tuyến đường Biển Đỏ, sau khi treo cờ đỏ năm sao, tàu vũ trang Houthi gần đó rời đi, sau đó tàu Trung Quốc thổi còi thể hiện sự cảm ơn.

Tiến sĩ Tôn Dịch Thao đề cập trong “Diễn đàn tinh anh”, rằng lực lượng vũ trang Houthi nhấn mạnh việc tấn công các tàu liên quan đến Israel. Bị tấn công đầu tiên là Israel và các nước phương Tây ủng hộ Israel, tàu Trung Quốc nhìn chung không nằm trong phạm vi tấn công và có thể đi qua bình thường.

Nhà sản xuất độc lập, ông Lý Quân cho rằng nguồn cung cấp vũ khí chính cho lực lượng vũ trang Houthi là Iran và Triều Tiên. Iran và Triều Tiên được ĐCSTQ hỗ trợ, nên theo một nghĩa nào đó, ĐCSTQ và Houthi là người cùng phe.

Về Houthi, rốt cuộc là ai? Bà Quách Quân, tổng biên tập của The Epoch Times, cho biết Houthi là một nhóm vũ trang Hồi giáo Shia ở Yemen bị chia rẽ bởi các lãnh chúa. Houthi được lấy tên của người lãnh đạo phong trào đức tin của giới trẻ Shiite ở Yemen sau vụ 11/9 và sau đó chết trong cuộc xung đột quân sự. Chống Mỹ, chống phương Tây và chống Israel là những khát vọng chính trị của người Houthi. Mối quan hệ giữa nhóm vũ trang này với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh của các nước Ả Rập khác cũng rất căng thẳng.

Hầu hết các quốc gia ở Bán đảo Ả Rập, bao gồm cả Arab Saudi, là người Hồi giáo dòng Sunni. Lực lượng vũ trang Houthi đã chiếm một khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Yemen thông qua chiến thắng quân sự, và tiếp tục chiến đấu với lực lượng chính phủ Yemen cũ được Arab Saudi hậu thuẫn, và điều đó chưa bao giờ dừng lại.

Iran, cũng là người Shiite, là nước ủng hộ nhất quán cho lực lượng vũ trang Houthi. Iran cung cấp cho lực lượng Houthi vũ khí, đạn dược, công nghệ quân sự, bao gồm cả máy bay không người lái và huấn luyện quân nhân. Các cuộc tấn công gần đây của lực lượng vũ trang Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua khu vực Biển Đỏ thực chất là một hình thức hỗ trợ cho tổ chức Hamas trong cuộc chiến với Israel.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ thực chất là một phần của cuộc chiến Hamas - Israel. Xung đột ở Trung Đông rất phức tạp, ngoài xung đột giữa Israel và các nước Arab còn có vấn đề xung đột nội bộ Hồi giáo, vấn đề về dầu mỏ và hệ thống vận tải hàng hóa toàn cầu.

Ông Thạch Sơn, người chủ trì chương trình "Diễn đàn tinh anh", cho rằng lực lượng vũ trang Houthi mạnh hơn nhiều so với cướp biển Somalia, họ là những lãnh chúa nhỏ có tổ chức, chiếm đóng phần lớn Yemen. Bin Laden, kẻ sáng lập Al Qaeda, đến từ Yemen, nhưng hắn là người theo đạo Sunni. Vấn đề Trung Đông đã kéo dài hàng chục năm, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các xung đột tôn giáo, xung đột địa chính trị, không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ phụ thuộc vào cuộc chiến Hamas - Israel

Bà Quách Quân cho biết, bán đảo Arab sản xuất một nửa lượng dầu của thế giới và dầu là huyết mạch của họ. Tuy nhiên, các tàu buôn bị Houthi tấn công không bao gồm tàu vận chuyển dầu.

Các khu vực sản xuất và tiêu thụ chính của thế giới tập trung ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á. Các tàu thuyền đi vào Ấn Độ Dương cần qua eo biển Malacca, sau đó đi vào Biển Địa Trung Hải qua Kênh đào Suez và qua Biển Đỏ, đây là kênh chính nối châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Hơn 15% hàng hóa toàn cầu được sản xuất ở châu Á và vào thị trường châu Âu và châu Mỹ thông qua kênh này. Nếu tuyến đường thủy chiến lược này bị tắc nghẽn trong thời gian dài, dòng hàng hóa và chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ thay đổi.

Ông Lý Quân cho biết vào thời kỳ đỉnh cao, nước Anh được mệnh danh là Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn. Lý do quan trọng nhất khiến nước Anh mạnh vào thời điểm đó là do nước này có Hải quân Hoàng gia hùng mạnh, kiểm soát nhiều pháo đài, cảng và đường thủy trên khắp thế giới giúp Anh thống trị các vùng biển.

Ông Thạch Sơn cho rằng, trong lịch sử Biển Đỏ của Arab từng là trung tâm thương mại thế giới. Kênh đào Suez bị gián đoạn trong 8 năm vì chiến tranh giữa Israel và người Arab, ảnh hưởng lớn đến thương mại hàng hóa toàn cầu.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ và sự hỗn loạn địa chính trị tác động thế nào đến toàn cầu hóa?
Biểu đồ thể hiện 'con đường tơ lụa". (Ảnh: Miền công cộng)

Nền văn minh nhân loại trong vài trăm năm qua về cơ bản có liên quan đến tuyến đường vận tải và thương mại hàng hải này. Từ xa xưa đến nay, đã có ba làn sóng toàn cầu hóa lớn. Lần đầu tiên người Mông Cổ thực hiện bằng vũ lực, mở ra các đồng cỏ và đồng bằng Á - Âu. Người Mông Cổ nghiêm cấm các cuộc tấn công vào đoàn lữ hành, và bất cứ ai tấn công đoàn lữ hành sẽ bị tiêu diệt. Lần thứ hai do người Tây Ban Nha bắt đầu và sau đó được người Anh hoàn thành thông qua các tàu chiến đi vòng quanh thế giới. Những gì chúng ta đang trải qua hiện nay là toàn cầu hóa lần thứ 3. Đó là một quá trình toàn cầu hóa được người châu Âu và người Mỹ cùng thực hiện.

Lần này, khủng hoảng Biển Đỏ do lực lượng Houthi gây ra, đã cuốn vào một cuộc chơi địa chính trị ngày càng phức tạp, Nếu tình hình này kéo dài mà không giải quyết được, rất có thể sẽ tạo ra trở ngại đáng kể cho tiến trình toàn cầu hóa. Có người nói rằng trừ khi cuộc chiến giữa Hamas và Israel kết thúc, nếu không khủng hoảng tại Biển Đỏ này không thể kết thúc.

Bà Quách Quân cũng cho biết, trong lịch sử có hai tuyến thương mại Đông Tây, một là vận tải đường bộ và hai là vận tải đường biển, mà hiện nay ĐCSTQ gọi là “Một vành đai, Một con đường”.

Cái gọi là Con đường tơ lụa trên biển là tuyến hàng hải do người Arab hoặc người Ấn Độ thiết lập từ đông nam Trung Quốc đến Biển Ả Rập, sau khi đến Bán đảo Ả Rập, tiếp tục vào Biển Đỏ, rồi từ Biển Đỏ đến Ai Cập, sau đó hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đến bờ biển Địa Trung Hải và bán cho các thương gia Ý.

Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu thương mại, được hưởng lợi từ sự toàn cầu hóa trong gần hai mươi năm qua, trải qua chính sách 'zero Covid' và bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Biển Đỏ lần này, chuỗi sản xuất toàn cầu của Trung Quốc liên tục bị xói mòn và thay đổi, cấu trúc kinh tế và chuỗi công nghiệp trong tương lai sẽ phải đối mặt với sự điều chỉnh lớn.

Ông Thạch Sơn, cuối cùng cho biết có những dấu hiệu cho thấy nhiều cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đang di chuyển khỏi Trung Quốc. Một số được chuyển sang Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, một số được chuyển sang Mexico để sản xuất được gần hơn. Một yếu tố rất quan trọng khác nữa là lo ngại về tác động của xung đột địa chính trị.

Nếu xung đột ở Biển Đỏ hay Trung Đông kéo dài, một phần chuỗi công nghiệp có thể được chuyển ngược trở lại các nước Đông Âu có mức lương tương đối thấp như Bulgaria hay Romania, đây sẽ là sự đảo ngược của toàn cầu hóa. Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ cũng có thể là một tin rất xấu đối với sáng kiến ​​“Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.

Theo Diễn đàn tinh anh
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Khủng hoảng ở Biển Đỏ và sự hỗn loạn địa chính trị tác động thế nào đến toàn cầu hóa?