Thảm họa tồi tệ hơn đang chờ đợi Pakistan: Bệnh tả và kiết lỵ lây lan nhanh chóng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh tả đã được báo cáo tại 110 trại tị nạn ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa phía bắc Pakistan. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc báo cáo rằng 650.000 phụ nữ mang thai đang sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó 73.000 phụ nữ sẽ sinh con vào tháng tới. Nhiều bà mẹ sẽ bị buộc phải sinh con trong những ngôi nhà ngập nước thiếu vệ sinh, trong các trại tị nạn chật chội hoặc những căn lều tạm bợ, theo tờ Daily Telegraph.

Hôm 04/9, số người thiệt mạng tại Pakistan tăng lên 1.282 người. Thủ tướng Sharif gọi thảm họa này là "trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan". Theo hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, hơn một phần ba diện tích lãnh thổ đang bị nhấn chìm dưới nước. Chính phủ và các nhóm viện trợ cho biết 33 triệu người đã bị ảnh hưởng.

Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia của Pakistan báo cáo rằng tổng số người thiệt mạng đã tăng lên 1.282 người từ ngày 14/6 đến 03/9, trong đó gần một phần ba là trẻ em. Riêng hôm 03/9, có 57 người chết, trong đó có 25 trẻ em.

Bệnh tả và kiết lỵ lây lan nhanh chóng

Nơi trú ẩn quá chật chội, vệ sinh lộ thiên hòa trộn với các dòng nước thải đều là nguyên nhân góp phần làm cho các bệnh như tả và kiết lỵ lây lan nhanh chóng trong môi trường nước lũ.

Hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh tả đã được báo cáo tại 110 trại tị nạn ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa phía bắc Pakistan, tờ Daily Telegraph đưa tin.

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo rằng nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường nước chết người này như tiêu chảy, dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét, làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ em.

Các bé gái sử dụng một chiếc bè tạm bợ băng qua một con phố ngập lụt trong khu dân cư sau trận mưa gió mùa lớn ở Karachi, Pakistan hôm 26/7/2022. (Ảnh: Rizwan Tabassum/AFP/Getty Images)

Theo báo cáo ngày 28/8 của Tổ chức Y tế Thế giới, lũ lụt đã làm hư hại 888 cơ sở y tế trên khắp đất nước - mặc dù những cơ sở này nằm trong số những hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng tồi tệ nhất trên thế giới.

Cậu bé 10 tuổi Jameel Shah nằm trong số đó, đang chiến đấu giành giật mạng sống của mình tại một trại tạm bợ bên trong một trường học ở Kalam sau khi mắc bệnh dịch tả, tờ Daily Telegraph đưa tin.

Những người tị nạn địa phương cũng cho phóng viên Daily Telegraph xem nước máy của họ - đầy bùn và cặn bẩn.

Những người tị nạn cũng lo sợ bị cắn bởi những con chó hoang Pakistan hoặc rắn độc, những loài có nhiều khả năng tiếp xúc với con người do nước lũ dâng cao.

Tờ Daily Telegraph phân tích rằng về lâu dài, khả năng bùng phát bệnh sốt xuất huyết hoặc sốt rét ở nước này sẽ tăng cao bởi vì nước lũ là môi trường sinh sản hoàn hảo của loài muỗi.

Trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ lây nhiễm cao hơn

UNICEF ước tính có khoảng 400 trẻ em thiệt mạng vì lũ lụt, 16 triệu người bị ảnh hưởng và 3,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo.

Tổ chức này cho biết, nhiều trẻ em có nguy cơ tử vong cao hơn và "tình hình sẽ chỉ tiếp tục tồi tệ hơn khi mùa đông tới".

Người dân đang lội qua một con đường bị hư hại sau trận mưa gió mùa lớn ở khu vực Madian ở Thung lũng Swat phía bắc Pakistan, hôm 27/8/2022. (Ảnh: Abdul Majeed/Getty Images)

UNICEF cũng cho biết lũ lụt cũng đã làm hư hại và phá hủy 17.566 trường học trên khắp cả nước, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em hai năm sau khi đại dịch đã đóng cửa các trường học. Ngay cả khi lũ lụt rút đi, đất nước này vẫn phải đối mặt với một chặng đường dài để phục hồi - và trẻ em sẽ là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc báo cáo rằng 650.000 phụ nữ mang thai sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó 73.000 phụ nữ sẽ sinh con vào tháng tới.

Nhiều bà mẹ sẽ bị buộc phải sinh con trong những ngôi nhà ngập nước thiếu vệ sinh, trong các trại tị nạn chật chội hoặc những căn lều tạm bợ mà không có sự giúp đỡ của nữ hộ sinh hoặc bác sĩ, hay tiếp cận với các thiết bị y tế cơ bản.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng

Bộ trưởng Khí hậu Pakistan, Sherry Rehman, cho biết nước này dự kiến ​​sẽ có lượng mưa lớn trong suốt tháng 9 và chứng kiến ​​lượng mưa nhiều hơn gần 190% so với mức trung bình trong 30 năm qua.

Hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Balochistan và Sindh ở miền nam Pakistan, nơi cơ sở hạ tầng và hệ thống nước đã bị hư hại. Tình trạng ngập lụt ở một số khu vực có thể mất nhiều tháng để giải tỏa hoàn toàn và vẫn chưa rõ nguồn tiền của đất nước để xây dựng lại các trung tâm y tế, thiết bị và thuốc men sẽ lấy từ đâu.

Ảnh chụp từ trên không này cho thấy một khu dân cư bị ngập lụt ở thị trấn Dera Allah Yar sau trận mưa gió mùa lớn ở huyện Jaffarabad, tỉnh Balochistan, Pakistan, hôm 30/8/2022. Mưa lũ đã nhấn chìm một phần ba đất nước và cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người. (Ảnh: Fida Hussain/Getty Images)

Trước lũ lụt, đất nước này đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và phải tìm kiếm viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chính phủ Pakistan hiện ước tính rằng thảm họa đã gây ra thiệt hại hơn 10 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, nhà cửa và trang trại.

Ông Aurelie Godet, phát ngôn viên của một nhóm viện trợ Pakistan cho biết: “Những người sống sót phải bắt đầu xây dựng lại nhà cửa từ đầu".

Viện trợ hiện đang dần chảy vào Pakistan. Liên Hợp Quốc đã cam kết viện trợ 140 triệu bảng Anh cho đất nước này, xếp đây là tình trạng khẩn cấp cấp cao nhất và một số quốc gia đã viện trợ tới 15 triệu bảng Anh.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thảm họa tồi tệ hơn đang chờ đợi Pakistan: Bệnh tả và kiết lỵ lây lan nhanh chóng