Ba Lan - Bức tường thành mới của NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi Nga đem quân xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Ba Lan đã nổi lên như một bức tường thành phòng thủ then chốt bậc nhất của NATO ở sườn phía đông nhờ vào quy mô cũng như nỗ lực tăng cường quân sự của nước này.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã dựa vào một số đồng minh chủ chốt ở châu Âu để hỗ trợ liên minh NATO. Tây Đức là tiền tuyến của Liên minh Đại Tây Dương, nơi tập hợp hàng trăm nghìn quân từ một số quốc gia NATO. Vương Quốc Anh là hàng không mẫu hạm không thể chìm của Mỹ cho máy bay ném bom tầm trung. Ý và Tây Ban Nha cung cấp cơ sở hạ tầng trọng yếu cho Hải quân Hoa Kỳ.

Còn Pháp thì sao? Đương nhiên không thể thiếu vai trò của nước này.

Biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã dịch chuyển hàng trăm km về phía đông kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sau khi một số quốc gia cộng sản cũ (và các cựu thành viên của Hiệp ước Warsaw do Liên Xô lãnh đạo) gia nhập liên minh phương Tây.

Moscow từng đưa ra lời cảnh báo đen tối rằng họ có thể "đẩy lùi các đường biên giới đang đe dọa" nước Nga. Với cuộc xâm lược Ukraine của Nga và thái độ thù địch ngày càng tăng của Moscow đối với phương Tây, ý nghĩa chiến lược của nhóm "Bucharest Nine" (B9) đã vươn lên một tầm cao mới.

Được thành lập vào năm 2015 theo sáng kiến của Romania và Ba Lan, Nhóm Bucharest Nine gồm 9 quốc gia là Romania, Ba Lan, Hungary, Bungaria, Cộng hòa Séc, Slovania, Estonia, Latvia và Lithunia. Tất cả những nước này từng nằm dưới sự ảnh hưởng của Nga trong Chiến tranh Lạnh, song hiện nay đều là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO.

Ba Lan là quốc gia lớn thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU) về dân số và lớn thứ 7 về quy mô quân sự. Nước này cũng lớn thứ 6 trong EU về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ba Lan đã bắt tay vào một quá trình tái cơ cấu kinh tế lớn - một nỗ lực cải cách khó nhằn được gọi là "vụ nổ lớn" ngay sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Quá trình này đã để lại hậu quả không nhỏ trước mắt cho Warsaw như: tình trạng mất việc làm, lạm phát và sự mất giá của đồng tiền Ba Lan, đồng zloty. Tuy nhiên, đất nước này đã nhanh chóng hồi phục và chuyển mình sang một nền kinh tế thị trường sôi động.

Ba Lan là quốc gia lớn thứ 9 ở Châu Âu. Ba Lan không phải là một quốc gia nhỏ, nước này còn lớn hơn cả Ý và Vương quốc Anh.

Ba Lan là một "quốc gia lớn" ở châu Âu dưới bất kỳ thước đo nào, và nước này đang khao khát có được ảnh hưởng đi kèm với quy mô đó. Quốc gia này đặc biệt quan tâm đến việc trở thành đồng minh quân sự của Mỹ ở hành lang phía đông của NATO.

Trước hết, Warsaw đang cung cấp sự hỗ trợ “vô giá” cho Ukraine. Đây là nhà cung cấp viện trợ lớn thứ ba của Kyiv, chiếm gần 0,9% GDP của Ba Lan. Nước này đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn từ Ukraine và gần như “dốc cạn” kho vũ khí của mình để giúp quân đội Ukraine tái vũ trang.

Quan trọng hơn cả, Ba Lan nung nấu quyết tâm đưa quân đội của mình trở thành một trong những lực lượng hùng mạnh nhất NATO. Ngay cả trước khi nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine, Warsaw thường xuyên chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, khiến nước này trở thành một trong số ít thành viên NATO dám chi mạnh tay cho quân sự như vậy. Vào năm 2021, 2% GDP của Ba Lan tương đương với 13,7 tỷ USD.

Quân đội Ba Lan là một trong những lực lượng mạnh nhất trong số các thành viên của NATO. Nước này hiện sở hữu khoảng 164.000 binh sĩ và bổ sung thêm 30.000 quân trong lực lượng bảo vệ lãnh thổ mới được thành lập gần đây. Ngoài ra, hiện có 11.000 lính Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Ba Lan.

Ba Lan đã vượt Đức về chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP và chi tiêu bình quân đầu người cho quốc phòng. Nước này cũng vận hành nhiều xe tăng và pháo hơn Đức.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Ba Lan tăng chi tiêu quân sự. Warsaw đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 22 tỷ USD vào năm 2023. Ngoài ra, chính phủ Ba Lan dự định bổ sung 7 tỷ USD vào quỹ hỗ trợ đặc biệt cho quân đội. Điều đó sẽ nâng tổng chi tiêu quốc phòng của Warsaw lên ít nhất 3% GDP.

Warsaw dự trù mở rộng quy mô quân đội lên 300.000 quân vào năm 2035 và tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP.

Sự bùng nổ chi tiêu quốc phòng kể trên cũng đang tài trợ cho việc tái cấp vốn lớn cho các lực lượng vũ trang Ba Lan.

Ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, Warsaw đã ký một thỏa thuận trị giá 4,75 tỷ USD để mua 250 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams. Theo sau kế hoạch này là một thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD để mua 116 chiếc xe tăng M1A1 Abrams cũ hơn của Mỹ. Ba Lan cũng dự tính trang bị thêm Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) với giá trị lên đến 10 tỷ USD.

Các thành viên Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1, Trung đoàn 9 của Lục quân Mỹ dỡ bỏ các thiết bị chiến đấu hạng nặng, bao gồm xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley, tại ga xe lửa gần căn cứ quân sự Pabrade ở Litva, ngày 21/10/2019. (Ảnh: AFP/Getty Images/Petras Malukas) )

Trong bối cảnh phương Tây đang cạn kiệt vũ khí, Ba Lan đã nhanh chóng chuyển hướng sang Hàn Quốc để mua sắm khí tài nhằm “lấp đầy khoảng trống” sau khi nước này chuyển một lượng lớn vũ khí tới Ukraine.

Năm ngoái, Warsaw đã ký nhiều hợp đồng với Seoul để mua 180 xe tăng K2 Black Panther, 212 pháo tự hành K9, 300 bệ phóng tên lửa K239 Chunmoo và 48 máy bay phản lực tấn công mặt đất FA-50. Tổng cộng, số vũ khí này trị giá ít nhất 9 tỷ USD.

Ngoài ra, Warsaw dự tính nhập khẩu thêm 96 máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache và 32 chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35, khiến Ba Lan trở thành quốc gia đầu tiên thuộc khối Xô Viết cũ mua máy bay chiến đấu tiên tiến này.

Ba Lan cũng có ý định hồi sinh ngành công nghiệp vũ khí trong nước bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng. Bắt tay với Phần Lan, hai nước này dự tính sản xuất theo giấy phép hơn 800 xe tăng K2 của Hàn Quốc và một loạt xe chiến đấu bọc thép mới. Ba Lan cũng tự sản xuất máy bay trực thăng và tên lửa điều khiển chống tăng.

"Ba Lan sẽ phấn đấu để xây dựng lực lượng lục quân mạnh nhất trong các quốc gia ở châu Âu”, Warsaw nói.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Warsaw có đủ khả năng chi trả cho tất cả các khoản chi tiêu quốc phòng bổ sung này, đặc biệt là khi việc nhập khẩu vũ khí trị giá hàng tỷ USD.

Để trả lời câu hỏi này, Hoa Kỳ đang cung cấp một vài khoản kinh phí để bồi hoàn cho Ba Lan vì Warsaw đã cung cấp hàng tồn kho quân sự cho Kyiv. Tuy nhiên, số tiền này chỉ rơi vào khoảng 289 triệu USD, còn cách quá xa so với hàng tỷ USD mà Warsaw cần để theo đuổi tham vọng xây dựng quốc phòng hùng mạnh nhất châu Âu nêu trên.

Hơn nữa, chính phủ cánh hữu của Ba Lan (vốn bị cáo buộc là đi ngược lại nền dân chủ, chẳng hạn như làm xói mòn tính độc lập của cơ quan tư pháp và hạn chế quyền tự do báo chí) đã khiến EU phải giữ lại 37 tỷ USD tài trợ và các khoản vay gắn liền với quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chưa dừng lại ở đó, những đấu đá nội bộ trong hệ thống chính trị gây tranh cãi của Ba Lan cũng khiến Warsaw khó đạt được sự đồng thuận về nhiều khía cạnh trong các chính sách quốc gia. Điều này cũng dẫn đến việc Ba Lan tiếp tục “mất đi sức nặng” cả trong NATO và EU.

Tuy nhiên, may mắn là Ba Lan chủ yếu đoàn kết xung quanh mục tiêu củng cố lực lượng vũ trang của nước này. Bằng cách biến mình trở thành công cụ hữu ích của NATO, đặc biệt là Mỹ, Ba Lan đang trở thành “người lính xung kích” ở sườn đông của liên minh này.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Tác giả Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông đã từng đảm nhận các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan - Bức tường thành mới của NATO