Căng thẳng eo biển Đài Loan có thể giống với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trước đây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi Mỹ đang phải căng mình về mặt kinh tế và quân sự, Bắc Kinh có thể sẽ thử thách chính quyền Biden trong vấn đề Đài Loan bằng một cuộc phong tỏa hải quân. Tình hình tương tự như ở Cuba trước đây, và Mỹ sẽ phải lựa chọn liệu có nên tiến hành chiến tranh với Trung Quốc hay chịu mất Đài Loan.

Người ta nói rằng lịch sử không chỉ lặp lại mà còn có vần điệu. Đối với Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, cả hai câu trên đều có thể áp dụng.

Các yếu tố địa chính trị tương tự

Hãy xem xét những điểm tương đồng về địa lý giữa Cuba và Đài Loan.

Cuba nằm cách 90 dặm so với bờ biển nước Mỹ, một siêu cường toàn cầu. Cuba là một đồng minh của Liên Xô cũ, một chế độ đã cạnh tranh với Mỹ để giành quyền lực và ảnh hưởng toàn cầu từ năm 1945 cho đến khi nó sụp đổ vào năm 1991.

Tương tự như vậy, từ năm 1949 cho đến nay, Đài Loan là một đồng minh của Mỹ nằm cách Trung Quốc đại lục khoảng 100 dặm. Siêu cường toàn cầu này [Trung Quốc] cũng đang cạnh tranh với Mỹ để giành quyền kiểm soát và ảnh hưởng trên thế giới.

Căng thẳng eo biển Đài Loan có thể giống với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trước đây
Tàu nạo vét cát của Trung Quốc nhìn từ một đài quan sát ở Kim Môn, Đài Loan, vào ngày 24/09/2022. Kim Môn, một hòn đảo ở eo biển Đài Loan thuộc lãnh thổ của Đài Loan, gần Trung Quốc đến nỗi cảng nước sâu Hạ Môn, một trong số những cảng nước sâu lớn nhất Trung Quốc, nằm cách đó chỉ ít hơn ba dặm trên mặt nước. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Năm 1962, liên minh của Havana [thủ đô Cuba] với Moscow là một tài sản quan trọng đối với Liên Xô theo nhiều khía cạnh. Cuba là một cái gai về ý thức hệ đối với Mỹ, vì nó khiến thế giới, và đặc biệt là khu vực, thấy rằng sức mạnh của Mỹ có giới hạn của nó, ngay cả ở sân trước của chính nó.

Cuộc cách mạng của Cuba cũng cho thế giới thấy rằng sức mạnh của Nga đã mở rộng đến tận châu Mỹ. Kết quả là, ảnh hưởng và hỗ trợ quân sự của Nga đã tạo ra các phong trào và các chính phủ có thiện cảm với Liên Xô trên khắp châu Mỹ Latinh. Đáng chú ý nhất là Chile, Peru, Argentina, Nicaragua, Brazil, và tất nhiên, viên ngọc quý một thời của khu vực, Venezuela.

Điều tương tự cũng có thể nói về Đài Loan, tất nhiên là với một vài điểm khác biệt quan trọng. Ví dụ, giống như Cuba là nguồn cảm hứng và thậm chí có thể là chất xúc tác cho các cuộc cách mạng cộng sản trong khu vực, một Đài Loan an toàn, tự do và độc lập là yếu tố then chốt đối với nền độc lập, tự do và an ninh do Mỹ lãnh đạo cho toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương .

Một cái gai đối với Trung Quốc

Hơn nữa, Đài Loan là một cái gai về ý thức hệ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Quốc đảo nhỏ bé, tự do và theo tư bản chủ nghĩa với khoảng 23 triệu dân này cho 1,4 tỷ người Trung Quốc đang sống dưới sự quản thúc của ĐCSTQ thấy rằng họ không cần ĐCSTQ cai trị để Trung Quốc có thể thành công. Quốc đảo nhỏ bé nhưng giàu có là bằng chứng không thể phủ nhận của thực tế đó.

Đó là lý do tại sao ông Tập Cận Bình, khi lên nắm quyền tuyệt đối, đã cam kết sẽ đưa Đài Loan vào dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh vào năm 2027, nếu không muốn nói là trước đó.

Ý nghĩa chiến lược toàn cầu của Đài Loan

Nhưng trong so sánh Cuba-Đài Loan, điểm khác biệt lớn là giá trị kinh tế và công nghệ chiến lược độc đáo của Đài Loan đối với thế giới. Không giống như Cuba, nơi không sản xuất thứ gì mà thế giới thực sự cần, ngoại trừ xì gà hảo hạng, một chút đường và rượu rum, cũng như nhạc jazz Latin và lính đánh thuê, Đài Loan sản xuất các vi mạch rất quan trọng đối với hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Tầm quan trọng chiến lược của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và một số nhà sản xuất khác là rất to lớn. Người ta ước tính rằng nhà sản xuất chip cung cấp tới 92% lượng chip quan trọng nhất trên thế giới cho truyền thông vệ tinh, trí tuệ nhân tạo, người máy và nhiều ngành công nghệ cao khác. Không có nền kinh tế tiên tiến nào trên thế giới có thể hoạt động mà không có chúng.

Căng thẳng eo biển Đài Loan có thể giống với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trước đây
Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, Limited (TSMC), công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới tại Khu Khoa học Tân Trúc vào ngày 16/09/2022 ở Tân Trúc, Đài Loan. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Trụ cột cho quyền bá chủ của Mỹ

Bởi vì Đài Loan là trụ cột trong quyền lực của Mỹ trong khu vực và, có thể nói là trên thế giới, về cơ bản trật tự thế giới sẽ thay đổi nếu nó rơi vào vòng kiểm soát của Bắc Kinh. Uy tín kinh tế và quân sự của Mỹ sẽ bị phá vỡ.

Các quốc gia khác trong khu vực sẽ phải suy nghĩ lại về liên minh của họ với Mỹ, cũng như tất cả các quốc gia khác liên minh với Mỹ. Chúng ta có thể thấy hàng loạt các quốc gia châu Á từ bỏ Mỹ để đạt được hòa bình riêng với Bắc Kinh.

Tính toán trong phong tỏa ở Cuba

Có ít nhất một điểm tương tự khác có thể xuất hiện trong mối tương quan Cuba-Đài Loan. Việc giải quyết cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba vào mùa thu năm 1962 không được thực hiện bằng sức mạnh quân sự mà là bằng cuộc phong tỏa hải quân của Mỹ đối với hòn đảo này.

Cuộc phong tỏa buộc người Nga hoặc phải leo thang tình hình bằng cách giao chiến với Hải quân Mỹ cách bờ biển Mỹ 90 dặm hoặc phải chùn bước. Nếu Moscow tìm cách vượt qua vòng phong tỏa, điều đó sẽ bị coi như là sự bắt đầu Thế chiến III hoặc ít nhất là Nga sẽ phải đối mặt với khả năng bị tấn công hạt nhân.

Đó là một tình huống thua-thua cho Moscow. Nếu người Nga tấn công Hải quân Mỹ, họ sẽ bị coi là kẻ xâm lược trong trận hải chiến chống lại Mỹ. Điều đó sẽ là rất tồi tệ. Nhưng họ cũng chắc chắn sẽ thua trận chiến đó và chịu thất bại cả về quân sự lẫn ý thức hệ. Tồi tệ hơn, việc giao tranh quân sự với Mỹ cũng có thể gây ra leo thang hạt nhân.

Liệu Liên Xô có đánh đổi Moscow để lấy Havana? Dĩ nhiên là không.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phong tỏa Đài Loan?

Trung Quốc rất cần quyền truy cập vào các vi mạch của TSMC và cần các cơ sở sản xuất còn nguyên vẹn. Một cuộc xâm lược có thể dẫn đến việc Đài Loan phá hủy các nhà máy của họ.

Căng thẳng eo biển Đài Loan có thể giống với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trước đây
(Từ trái sang phải) Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Dân chủ - bang California) chụp ảnh với Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen tại văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/08/2022. (Ảnh: Handout/Getty Images)

Nhưng nếu Trung Quốc quyết định triển khai phong tỏa hải quân xung quanh Đài Loan thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tuyên bố rằng bất kỳ hành vi vi phạm lệnh phong tỏa hoặc không phận liên quan nào sẽ bị coi là hành động chiến tranh?

Quan trọng hơn, liệu chính quyền Biden có sẵn sàng phá vỡ một cuộc phong tỏa như vậy nếu nó xảy ra hay không?

Nhiều lập luận tương tự ở trên cũng có thể áp dụng cho kịch bản này. Trách nhiệm khởi xướng chiến tranh trên thực tế sẽ thuộc về Mỹ, và nguy cơ leo thang chắc chắn sẽ có. Một sự leo thang như vậy có thể sẽ liên quan đến Đài Loan, Nhật Bản và có lẽ cả Hàn Quốc. Nó cũng có thể kích hoạt một cuộc tấn công của Triều Tiên vào cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một số yếu tố tiêu cực bổ sung cũng sẽ phải được xem xét. Sự yếu kém về kinh tế của Mỹ, lực lượng hải quân đang cạn kiệt sức mạnh và sự suy giảm khả năng sẵn sàng quân sự tổng thể của các lực lượng Mỹ sẽ đóng một vai trò trong quyết định như vậy. Sự tham gia ngày càng tăng và mở rộng của Mỹ vào cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga cũng sẽ là một yếu tố quan trọng.

Các hướng đi lớn và chưa rõ có thể xảy ra một khi Mỹ phá vỡ sự phong tỏa của Trung Quốc xung quanh Đài Loan có thể là yếu tố khiến chính quyền Biden do dự. Chính quyền này vốn đã tỏ ra ưu tiên tránh né hoặc chấm dứt xung đột. Một yếu tố quan trọng khác là kho tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc, thứ mà các tàu Mỹ có thể có rất ít hoặc không có khả năng phòng thủ.

Mỹ rút lui ở châu Á?

Chiến lược của Mỹ trong một kịch bản như vậy có thể là gì?

Bất chấp những luận điệu diều hâu của Tổng thống Mỹ về việc bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc tiến hành phong tỏa, chứ không phải là một cuộc xâm lược, có thể hình dung rằng Mỹ sẽ đi đến một giải pháp thương lượng để giữ thể diện. Chính quyền sẽ tự mô tả mình là người kiến ​​tạo hòa bình. Họ sẽ chỉ được những người ủng hộ trung thành trong nước tin tưởng, ngoài ra thì không ai khác, đặc biệt là trong khu vực.

Ngay sau đó, Bắc Kinh có thể sẽ phá vỡ các điều khoản đã thỏa thuận để hoàn thành công việc ở Đài Loan, làm bẽ mặt chính quyền Biden (một lần nữa) và có khả năng chấm dứt tham vọng bá chủ của Mỹ trong khu vực, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo James Gorrie - The Epoch Times

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng eo biển Đài Loan có thể giống với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trước đây