Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Trung Quốc vì bức hại Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (9/12) tuyên bố xử phạt năm quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có ông Đường Dũng (cựu phó giám đốc Nhà tù khu vực Trùng Khánh), vì tùy tiện bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng. Theo các quy định liên quan của Hoa Kỳ, ông Đường Dũng cùng người thân sẽ không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Đường Dũng phải chịu trách nhiệm về “hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là việc giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, cấu thành một tội ác đặc biệt nghiêm trọng - xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo".

Có rất ít thông tin về ông Đường Dũng trong danh sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố trước Ngày Nhân quyền (9/12). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhắm vào một danh sách dài các cá nhân tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền.

“Tất cả mọi người đều được hưởng những quyền này và nên được tự do thực hiện mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ tin vào điều gì, yêu thương ai hay sinh sống ở đâu. Mọi thứ bao hàm tất cả”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố ngày 9/12.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Một học viên Pháp Luân Công đang thực hành bài công pháp số 5. Môn này phổ biến đến mức có từ 70 triệu đến 100 triệu người đã tập luyện ở Trung Quốc trong vòng một thập kỷ. (Ảnh: Samira Bouaou/Epoch Times)

Đọc thêm:

Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác

Nạn mổ cướp tạng sống học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

Pháp Luân Công là môn tu luyện của Phật gia theo nguyên lý đạo đức cốt lõi Chân - Thiện - Nhẫn, kết hợp với 5 bài tập công pháp nhẹ nhàng chậm rãi và an hòa. Sau khi được người sáng lập - ông Lý Hồng Chí - lần đầu tiên giới thiệu tại thành phố Trường Xuân, thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 13/5/1992, Pháp Luân Công đã thu hút được 70 triệu đến 100 triệu người theo tập.

Sợ hãi và ghen tị với sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ, Giang Trạch Dân, đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện này, liên quan đến các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù, tra tấn, mổ cướp nội tạng và các thủ đoạn bạo lực khác. Hàng triệu người đang bị giam giữ trong các cơ sở giam giữ rộng lớn của ĐCSTQ trên khắp Trung Quốc.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Hoa Kỳ trừng phạt quan chức ĐCSTQ có liên quan đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và chúng tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế có những động thái tương tự", ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York, đã hoan nghênh sự ủng hộ của Hoa Kỳ.

Ông Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan), Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ, một lần nữa thúc giục chính quyền ông Biden cần hành động nhiều hơn nữa.

Ông nói rằng, với quy mô và sự tàn bạo của cuộc đàn áp mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã và đang phải đối mặt, những nỗ lực của Hoa Kỳ vẫn là chưa đủ. Ông chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ đang gia tăng để đáp trả tội ác của ĐCSTQ ở Tân Cương, trong khi tội ác nhắm vào Pháp Luân Công đã lan rộng trên khắp Trung Quốc.

Những câu chuyện về sự thống khổ

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Trùng Khánh, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc với dân số hơn 32 triệu người, chính quyền đã kết án tối thiểu hàng trăm học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ, theo trang Minghui.org (Minh Huệ), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong số đó có một chuỗi ghi chép về sự tra tấn và cái chết dưới bàn tay của ĐCSTQ được trình bày chi tiết bằng hình ảnh.

Năm 2004, bà Zhang Luyuan, trợ lý giáo sư tại môt trường cao đẳng ở Trùng Khánh, đã mất chồng và đồng nghiệp vì thường xuyên bị cảnh sát đột kích và sách nhiễu tư gia. Sau đó, trong một năm bị tra tấn trong tù, bà bị mất 29 chiếc răng và bị biến dạng bàn chân, khiến bà gần như không thể đi lại hay ăn uống.

Bà Zhang Luyuan, qua đời vào tháng 11/2018 ở tuổi 76. Trong một tuyên bố gửi Minh Huệ, bà cho biết, bà bị bắt trên đường phố vì “trông giống một học viên Pháp Luân Công”.

Các học viên Pháp Luân Công trong cuộc diễu hành kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc, tại Washington, hôm 17/7/2014. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)

Bà Liu Fanxin, một quản lý cấp cao đã nghỉ hưu của một nhà máy sản xuất dụng cụ quang học thuộc sở hữu nhà nước, đã bị còng tay hơn 30 giờ sau khi bà quyết định vạch trần vụ tấn công tình dục một nữ học viên Pháp Luân Công với truyền thông nước ngoài và bị ĐCSTQ bắt giữ vào năm 2003. Hai cánh tay của bà Liu đã bị trật khớp sau khi bị tra tấn dưới hình thức này.

Chưa dừng lại ở đó, bà tiếp tục thụ án 9 năm tù tại Nhà tù nữ Trùng Khánh. Tại đây, bà bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp trong 17 giờ một ngày và không được phép cử động. Đây là hình thức tra tấn khiến bà đau đớn không chịu nổi, đặc biệt là ở vai, cánh tay và thắt lưng vốn đã bị thương của bà. Lính canh ra lệnh cho bà làm những công việc nặng nhọc giống như các học viên bị giam giữ khác, nhặt các hạt thủy tinh để bọc ghế ô tô và dọn dẹp.

Để điều khiển cây chổi, bà Liu phải cầm chổi bằng cả hai tay, chống khuỷu tay lên eo và dùng cơ thể kéo chổi qua lại. Sau đó, bà viết rằng cơn đau do hoạt động thể chất này dữ dội đến mức đôi khi bà không thể ngủ được.

“Ngay cả khi bà chết trong tù, vậy thì sao chứ? Chúng tôi sẽ lo liệu việc đó với 80 [nhân dân tệ] (11,50 USD)”, bà Liu cho biết một nữ lính canh đã nói với bà sau nhiều lần cố gắng ép bà ký giấy từ bỏ đức tin nhưng không thành công. Bà Liu cho rằng số tiền này là chi phí hỏa táng.

Rất khó để đánh giá vai trò của ông Đường Dũng trong các nỗ lực đàn áp trong khu vực. Ngoài ông Đường Dũng, WOIPFG còn liệt kê ba nhân vật khác. Một người đứng đầu đơn vị an ninh nội địa của Văn phòng Công an huyện Phụng Tiết (Fengjie), người đã chỉ huy một số vụ bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn các học viên Pháp Luân Công; một người quản lý cho một công ty giày Trùng Khánh sử dụng lao động nô lệ từ Nhà tù nữ Trùng Khánh; và một Bí thư Đảng ủy tại một ủy ban khu phố ở quận Giang Bắc (Jiangbei) của thành phố Trùng Khánh được gọi là Đại Thạch Bá (Dashiba).

Tính đến thời điểm báo chí đưa tin, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời yêu cầu cung cấp thêm thông tin về ông Đường Dũng của The Epoch Times.

Ông Đường Dũng là quan chức Trung Quốc thứ hai bị trừng phạt liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công dưới thời chính quyền ông Biden.

Vào ngày 12/5/2021 theo giờ miền Đông Bắc Mỹ (trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5 một ngày), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công - ông Dư Huy (Yu Hui) - nguyên là cựu Giám đốc "Phòng 610" ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia lễ diễu hành tại New York, hôm 13/5/2022, để kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, hôm 10/12/2020, Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), Trưởng đồn công an Ngô Thôn (Wucun) thuộc Sở Công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đánh dấu Ngày Nhân quyền năm 2020.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào thời điểm đó cho biết, ông Hoàng Nguyên Hùng có liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Đặc biệt là ông này đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của các học viên Pháp Luân Công. Bản thân ông này đã tham gia vào việc giam giữ và thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công.

Các biện pháp trừng phạt được áp dụng cho cả Hoàng Nguyên Hùng và vợ của ông ta. Theo các quy định liên quan của Hoa Kỳ, họ sẽ không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Theo các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, ông Hoàng Nguyên Hùng, 45 tuổi, là đảng viên ĐCSTQ. Ông này đã làm cảnh sát trong 22 năm và từng là chỉ đạo viên của Đội cảnh sát số hai của đồn cảnh sát Ngô Thôn, phân cục Tư Minh (Siming) thuộc Sở Công an thành phố Hạ Môn; và đã được trao tặng một loạt "danh hiệu danh dự" như "Mười cảnh sát xuất sắc" của Hạ Môn, v.v.

Ngoài ông Đường Dũng, bốn cá nhân khác bị đưa vào danh sách trừng phạt hôm 9/12 bao gồm ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), cựu Bí thư Đảng ủy Tây Tạng từ năm 2016 đến 2021; và ông Trương Hồng Ba (Zhang Hongbo), Giám đốc Công an Khu tự trị Tây Tạng từ năm 2018, vì những vi phạm nhân quyền đang diễn ra trong khu vực.

Hôm thứ Sáu (9/12), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc là ông Lý Chấn Vũ (Li Zhenyu) và ông Trác Tân Vinh (Zhuo Xinrong), từ Công ty Đánh cá Đại dương Đại Liên và Doanh nghiệp Hàng hải Pingtan được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Washington cáo buộc các cá nhân này đã vi phạm nhân quyền gắn liền với việc đánh bắt trái phép của Trung Quốc.

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Trung Quốc vì bức hại Pháp Luân Công