Ông Putin tuyên bố sẽ phá hủy các hệ thống tên lửa Patriot ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, Moscow có 'đủ sức' để phá hủy các hệ thống phòng không Patriot mà Hoa Kỳ đã hứa hẹn sẽ chuyển giao cho Ukraine trong gói viện trợ an ninh mới.

“Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng, 100%!”, ông Putin khẳng định trong cuộc phỏng vấn ngày 25/12 với người dẫn chương trình truyền hình Rossiya-1 Pavel Zarubin, hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga đưa tin. Ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, Ukraine chưa từng sở hữu một hệ thống như vậy.

Một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gói viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine, ông Putin cho biết "Patriot là một hệ thống khá lỗi thời" và Nga sẽ tìm ra "thuốc giải" cho những hệ thống này. Khoản viện trợ 1,85 tỷ USD này đã nâng tổng viện trợ tài chính của Mỹ dành cho Ukraine lên khoảng 22 tỷ USD.

“Người ta nói rằng các hệ thống Patriot có thể được gửi đến Ukraine. Hãy cứ để họ làm điều đó; [bởi vì] chúng tôi cũng sẽ xóa sổ những hệ thống Patriot này [mà thôi]”, ông Putin nói, theo Điện Kremlin.

Tổng thống Nga cũng nói với đài Rossiya-1 TV rằng, Moscow sẵn sàng tiến hành đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine. Cuộc chiến này vừa bước qua ngày thứ 300.

"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ [Ukraine]. Chúng tôi không phải là phía từ chối đàm phán", ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy chiến tranh sẽ kết thúc khi Điện Kremlin tuyên bố rằng, họ sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình. Trong khi đó, Kyiv tuyên bố họ sẽ không dừng tay cho đến khi mọi binh sĩ Nga bị trục xuất khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Các cuộc không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine gần đây đã gia tăng và tước đi nguồn điện dùng cho sưởi ấm cùng nhiều nguồn lực khác của người dân trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có chuyến thăm Hoa Kỳ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào hồi tháng Hai. Chuyến thăm của ông Zelenskyy, được ấn định vào hôm 21/12, đánh dấu ngày thứ 300 kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine từ ngày 24/2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng, ở Washington, DC, hôm 21/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Hôm 21/12, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tổ chức một cuộc họp báo tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng, ngay sau khi kết thúc cuộc họp kín kéo dài hai giờ tại Phòng Bầu dục. Tổng thống Mỹ Biden nói với người đồng cấp Zelenskyy rằng, Ukraine 'sẽ không bao giờ đơn độc'.

Tổng thống Mỹ Biden nói với ông Zelenskyy rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "sử dụng mùa đông như một loại vũ khí" bằng cách "phá hủy hạ tầng năng lượng cung cấp điện và hệ thống sưởi ấm vào thời điểm lạnh lẽo nhất và đen tối nhất trong năm". Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ “sẽ cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để tự vệ và đạt được thành công trên chiến trường”, ông nói.

Ông Zelenskyy đã ca ngợi chính phủ Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ bền bỉ của họ cho Ukraine. Ông gọi cuộc gặp với Tổng thống Biden là "thời khắc lịch sử", đồng thời thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu chính phủ trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, trong đó có khoảng 45 tỷ USD là viện trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự cho Ukraine.

Vào tháng 11, Nhà Trắng đã yêu cầu tài trợ 37,7 tỷ USD cho Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Nhà Trắng ở Washington vào ngày 21/12/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot là gì?

Hệ thống Patriot, viết tắt của Phased Array Tracking Radar for Intercept on Target, là một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không trên toàn khu vực do tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon Technologies chế tạo.

Hệ thống Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của quân đội Hoa Kỳ. Tập đoàn Raytheon Technologies là nhà sản xuất hàng không vũ trụ và quốc phòng lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu và vốn hóa thị trường.

Hệ thống này lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu là thời Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cũng như được dùng để bảo vệ Ả Rập Xê Út, Kuwait và Israel. Vào năm 2003, Mỹ sử dụng hệ thống này trong cuộc xâm lược Iraq.

Đó là một hệ thống di động, bao gồm: radar mạnh mẽ, trạm điều khiển, máy phát điện, trạm phóng và nhiều phương tiện hỗ trợ khác.

Đài Loan và Mỹ ký hợp đồng trị giá 84 triệu USD bảo trì hệ thống tên lửa Patriot PAC-3
Các sĩ quan Quân đội Hoa Kỳ đứng bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Hệ thống này sở hữu nhiều năng lực khác nhau và còn tùy thuộc vào loại thiết bị đánh chặn được sử dụng.

Tên lửa đánh chặn PAC-2 sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh, trong khi tên lửa PAC-3 mới hơn lại sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, đánh chặn kiểu hit-to-kill (truy đuổi - tiêu diệt).

Năm 2015, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, radar của hệ thống Patriot có tầm hoạt động hơn 150 km.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ hợp Patriot mới được sản xuất có giá hơn 1 tỷ USD, trong đó 400 triệu USD là dành cho hệ thống và 690 triệu USD dành cho các tên lửa của tổ hợp.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Putin tuyên bố sẽ phá hủy các hệ thống tên lửa Patriot ở Ukraine