Sinh viên Carnegie Mellon thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ hỏa hoạn Urumqi và ủng hộ biểu tình tại quê nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 2/12, khoảng 300 sinh viên đã tập trung tại Đại học Carnegie Mellon dưới ánh nến để tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng trong trận hỏa hoạn ở Urumqi (Tân Cương) và ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Trung Quốc.

Sự kiện được tổ chức trước The Fence, một biểu tượng của tự do ngôn luận trong khuôn viên trường Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, để bày tỏ năm yêu cầu: "Cho phép các buổi cầu nguyện công khai, chấm dứt các cuộc phong tỏa bạo lực, trả tự do cho những người biểu tình, bảo vệ nhân quyền và chấm dứt nạn diệt chủng".

24 người, chủ yếu là sinh viên Trung Quốc, đã phát biểu tại cuộc biểu tình kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.

Sau vụ hỏa hoạn thảm khốc ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nhiều người dân Trung Quốc đã xuống đường để phản đối chính sách Zero Covid hà khắc của chính quyền Bắc Kinh. Vụ hỏa hoạn ngày 24/11 được cho là đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 44 người, trong đó nhiều người đổ lỗi cho các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra thảm kịch này.

Kể từ đó, các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc đã nở rộ. Ngoại giới cho rằng, đây là cuộc biểu tình chống lại ĐCSTQ có quy mô chưa từng có kể từ sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Không còn tư duy 'Không phải việc của tôi'

Một sinh viên Trung Quốc kể lại rằng, từ khi còn nhỏ, cha mẹ cô đã cảnh báo rằng cô không được tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Trung Quốc.

Ban đầu, cô tránh xa các cuộc biểu tình vì muốn tôn trọng cha mẹ mình. Tuy nhiên, đến nay, cô đang tự mình tìm hiểu các vấn đề.

"Tôi muốn thảo luận về chính trị một cách hợp lý, khoa học và có đạo đức. Cho dù đó là báo cáo trong nước hay quốc tế về các vấn đề trong nước, nguyên tắc cá nhân của tôi là tôi không đưa ra bất kỳ phán xét nào cho đến khi tôi biết rõ sự thật và tôi không đứng về phía nào. Tôi muốn nhìn nhận vận đề từ hai mặt và tiến hành nghiên cứu cơ sở phù hợp rồi sau đó tôi mới tham gia vào cuộc tranh luận này".

“Nhưng lần này, tôi đã nghiên cứu rất nhiều thông tin cơ bản và đọc rất nhiều bài báo, nhưng mọi thứ quả thực rất đáng buồn”, cô thổn thức.

Cô cho biết, trước đây, mỗi khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cô tự nhủ: “Đây không phải việc của tôi. Tôi chỉ cần học tập chăm chỉ và nỗ lực làm việc”.

Tuy nhiên, quan điểm của cô đã thay đổi. "Nếu cứ tiếp tục như thế này, tôi sẽ không thể về nhà!". Mẹ giục tôi: 'Con đừng về; chúng ta không thể sống sót nếu [chính sách phong tỏa] này còn tiếp tục'. Vậy thì tôi cố gắng học hành chăm chỉ như vậy để làm gì?".

Khi khán giả cổ vũ, cô đã bật khóc khi kết thúc bài phát biểu của mình.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Các khẩu hiệu ở “The Fence” tại Đại học Carnegie Mellon thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình Trung Quốc. (Ảnh do Haoxuan Huang cung cấp)

Sinh viên Trung Quốc: ĐCSTQ đã 'nói dối chúng tôi rất nhiều'

Một sinh viên Trung Quốc nói với đám đông rằng, anh đã rời khỏi đất nước sau khi trải qua đợt phong tỏa vì Covid-19 ở thành phố Thượng Hải.

Anh nói: “ĐCSTQ đã lừa dối chúng tôi rất nhiều kể từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ mẫu giáo".

"Họ hứa sẽ khuyến khích các nhóm thiểu số trong nước, nhưng thực tế là họ đang bức hại các nhóm này. Họ hứa sẽ phục vụ người dân, nhưng tất cả những gì họ làm là phớt lờ nhu cầu của chúng tôi. Họ hứa với chúng tôi rằng các biện pháp phong tỏa trong đại dịch là vì lợi ích của người dân. Nhưng những người dân vô tội này đang chết mòn vì các biện pháp phong tỏa".

Giống như nhiều người tham gia, sinh viên này yêu cầu giấu tên. Là một người từng trải qua thời kỳ phong tỏa ở Thượng Hải, anh thu hút sự chú ý của người nghe khi đề cập đến những thương vong khác: “27 người chết trong vụ tai nạn xe buýt Quý Châu, phụ nữ mang thai và bệnh nhân suy thận”.

“Những gì họ nói với chúng tôi chỉ là dối trá”, anh nói.

Sinh viên người Mỹ gốc Hoa: 'Tự hào vì có mặt tại sự kiện'

Một sinh viên đại học người Mỹ gốc Hoa năm thứ hai đã chia sẻ cuộc đấu tranh nội tâm của mình khi cô dự tính tham dự sự kiện này.

"Tôi yêu Trung Quốc. Tôi yêu đất nước tôi. Tôi yêu văn hóa và phong cảnh quê hương mình. Đó là nơi mà tôi gọi là nhà. Nhưng tôi tin rằng rất nhiều người Mỹ gốc Hoa như tôi cũng có cảm giác xấu hổ về điều đó, đặc biệt là khi chúng tôi sống ở Mỹ. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đất nước thân yêu của tôi đang ở dưới một chế độ áp bức như vậy và người dân đã gần như bất lực”.

Cô cho biết, cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thấy nhiều người biểu tình như vậy tại các thành phố trên khắp Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Cô nói rằng sự hiện diện đông đảo của những người không phải người Trung Quốc tại buổi cầu nguyện đã “sưởi ấm trái tim cô".

“Tôi tự hào được có mặt ở đây ngày hôm nay, được đứng đây cùng với tất cả các bạn. Đây là hy vọng cho tương lai", cô nói.

'Điều ĐCSTQ lo sợ nhất'

Shakir, một sinh viên người Duy Ngô Nhĩ cho biết, vụ hỏa hoạn ngày 24/11 chỉ cách nhà anh ở Urumqi vài bến xe buýt. Cầm tấm biển ghi “Urumqi”, anh lên án cách đối xử vô nhân đạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ.

“Chính thức thì có 10 người tử vong, nhưng tất cả chúng tôi đều biết rằng 44 người đã thiệt mạng. ĐCSTQ đã không coi họ là con người, nhốt họ trong các tòa nhà, và thậm chí không đưa họ vào hồ sơ tử vong của ĐCSTQ sau khi họ qua đời", anh nói.

Anh cho biết, vụ hỏa hoạn cũng là dấu chấm hết cho cuộc sống vốn đã khốn khổ trong nhiều tháng của [những cư dân của tòa nhà], đồng thời nhấn mạnh rằng những đứa trẻ thiệt mạng trong thảm kịch này “chỉ ăn củ cải trong suốt một tháng trước khi qua đời”.

Shakir cảm ơn những người đã tham dự sự kiện để bày tỏ sự ủng hộ của mình. “Bởi vì bạn có mặt ở đây, cho nên ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Bởi vì bạn có mặt ở đây, sẽ không còn ai bị bắt vì tự do trong tương lai. Bởi vì bạn có mặt ở đây, sau này sẽ không có ai thiệt mạng vì không thoát khỏi [ngọn lửa]; vì bạn có mặt ở đây, con cái của bạn sau này sẽ không bị bắt vì giương tờ giấy trắng”, anh nói.

Theo Shakir, nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ là một mặt trận thống nhất vì tự do. “Chúng ta phải nói không với họ; điều họ sợ nhất là chúng ta, những người dân nói không với họ".

'Chúng ta không nên sợ hãi'

Haoxuan Huang, sinh viên năm cuối của Đại học Pittsburgh là người đã tổ chức buổi cầu nguyện này. Huang nói với The Epoch Times rằng, anh cho rằng sự kiện này đã thành công. Anh bày tỏ niềm tự hào khi các sinh viên đã dám lên tiếng và người dân Trung Quốc đang thức tỉnh trước mối đe dọa của ĐCSTQ.

“Tôi cho rằng các du học sinh Trung Quốc lần này thật đáng ngưỡng mộ khi họ đã trở nên dũng cảm mà không cần lo lắng, gạt sự an toàn của bản thân sang một bên".

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Sinh viên năm cuối Haoxuan Huang của Đại học Pittsburgh trong buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi, vào ngày 2/12/2022. (Ảnh: Được sự cho phép của Haoxuan Huang)

Không giống như một số sinh viên đeo khẩu trang hoặc che mặt, Huang mặc một chiếc áo phông có in dòng chữ “End CCP".

“Tôi không cho rằng sự giám sát của ĐCSTQ lại đáng sợ như vậy”, Huang nói.

Có nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Hoa Kỳ, mỗi cuộc biểu tình có hàng trăm hoặc hàng nghìn người tham dự. Và hiện đang có các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc.

“ĐCSTQ không có khả năng đối phó với các cuộc biểu tình này", anh nói.

“Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên sợ chính phủ của mình; chính phủ nên sợ chúng ta", Huang nói.

Huang cho biết, cha mẹ anh ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, cũng bị phong tỏa trong ba tuần cho đến thứ Sáu tuần trước (2/12).

Tuy nhiên, anh nói rằng ngay cả ở Hoa Kỳ, ĐCSTQ cũng đang cố gắng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.

Sáng sớm ngày 2/12, các sinh viên tại Carnegie Mellon đã trang trí hàng rào, bảng thông báo không chính thức của trường, với những dòng chữ như "Chấm dứt phong tỏa hà khắc", "Trả tự do cho người biểu tình" và "Chấm dứt nạn diệt chủng".

Sinh viên cuối cùng rời khỏi địa điểm này vào khoảng 2:30 sáng (giờ địa phương). Khi một sinh viên quay lại để lấy lò sưởi chưa đầy một giờ sau đó, các khẩu hiệu đã bị phá hoại với những lời lẽ xúc phạm và miệt thị.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Sinh viên Carnegie Mellon thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ hỏa hoạn Urumqi và ủng hộ biểu tình tại quê nhà