Trung Quốc chỉ còn tồn tại được 10 năm trước khi tự sụp đổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người dẫn chương trình podcast Joe Rogan, nhà phân tích địa chính trị Peter Zeihan đã đưa ra một nhận xét gây sửng sốt. Ông nói rằng Trung Quốc chỉ còn tồn tại thêm được 10 năm nữa.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giờ đây có thể nói lời chào tạm biệt với giấc mộng bá chủ toàn cầu do nước này đang phải đối mặt với vô số thách thức: quả bom hẹn giờ nhân khẩu học, bong bóng bất động sản phình to, các cuộc biểu tình chống phong tỏa và tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ Trung Quốc. Hoặc ít nhất có ông Zeihan tin là như vậy.

Tuy nhiên, người ta có thể cho rằng, đánh giá của ông Zeihan là “hơi quá lạc quan”. Nhận định của ông ấy không hẳn là sai. Nhưng quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ gây ra ít mối đe dọa hơn vào năm 2033 có vẻ hơi quá lạc quan.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,4 tỷ người hiện nay xuống còn 1,313 tỷ người vào năm 2050. Đến năm 2100, con số này sẽ giảm xuống còn 800 triệu người. Sự suy giảm nhân khẩu học ở Trung Quốc là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, như lịch sử đã cho chúng ta thấy, lời đùa cợt quá sớm thường bị trừng phạt bằng những cách tàn nhẫn nhất. Năm 2100 còn là một chặng đường dài. Trung Quốc vẫn còn vài thập kỷ nữa để "dần suy yếu".

Hơn nữa, trong một cuộc phỏng vấn với ông Chris Williamson được phát sóng vào tháng 1, nhà khoa học dữ liệu Stephen J. Shaw đã đưa ra một số sự thật phũ phàng và lạnh lùng.

Ông cho hay, sự suy giảm nhân khẩu học giống như việc tất cả chúng ta đang ngồi trên cùng một chuyến tàu lượn siêu tốc. Đúng, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngồi ở "hàng ghế đầu" trong chuyến đi kinh hoàng này. Tuy nhiên, Ý, Đức và Hoa Kỳ chỉ cách đó một vài ghế. Tất cả chúng ta đều đang tiến về cùng một hướng, có điều, một số người nhanh hơn những người khác.

Sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc tiến vào không phận Hoa Kỳ thời gian gần đây đã chứng minh rằng, Trung Quốc vẫn là một quốc gia “đáng gờm”. Có rất ít (nếu có) lý do để cho rằng sức mạnh của họ sẽ suy giảm trong thập kỷ tới.

Một số nhà bình luận cho rằng nền kinh tế Trung Quốc, vốn luôn chìm trong sắc đỏ trong gần hai năm 2021 và 2022, nay đang trên đà phục hồi. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với tiến bộ khoa học của nước này. Khi tôi viết bài này, có một cơn địa chấn đang diễn ra trong giới nghiên cứu khoa học. Hoa Kỳ, từng là lực lượng thống trị trong lĩnh vực khoa học, nay đang dần bị Trung Quốc thay thế. Hậu quả của việc chuyển giao kiến thức này có thể rất nghiêm trọng.

Sao đổi ngôi

Trong một bài báo gần đây viết cho tờ Asia Times, bà Caroline Wagner, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Tiểu bang Ohio, đã phân tích về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc khoa học.

Theo nghiên cứu của bà, hiện nay, trong số 1% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất thì phần lớn tác giả là các học giả Trung Quốc. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, việc được trích dẫn mang ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thường đại diện cho những khám phá khoa học có ảnh hưởng nhất.

Như bà Wagner đã nêu, sự thay đổi gần đây về ưu thế khoa học đã khiến một số chuyên gia chính sách Hoa Kỳ không khỏi lo ngại. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, và xét đến việc Trung Quốc có số lượng nhà khoa học lớn hơn nhiều, cũng như đào tạo ra nhiều tiến sĩ STEM hơn Mỹ, thì việc Mỹ bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực khoa học chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng giáo dục học sinh theo bốn chuyên ngành cụ thể: Toán (Math), Khoa học (Science), Công nghệ (Technology) và Kỹ thuật (Engineering) theo cách tiếp cận liên ngành và ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các môn học riêng biệt và rời rạc, STEM tích hợp chúng vào một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng trong thế giới thực.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là do kiến thức và năng lực khoa học có mối liên hệ chặt chẽ với cả tăng trưởng kinh tế và năng lực quân sự của một quốc gia.

Các quốc gia sở hữu những bộ óc khoa học nhạy bén nhất - bao gồm các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) giỏi nhất, chuyên gia máy tính lượng tử ưu việt nhất và các chuyên gia mạng máy tính xuất sắc nhất - sẽ giành chiến thắng trong các cuộc chiến trong tương lai, chứ không phải những quốc gia sở hữu tên lửa đắt đỏ nhất. Trung Quốc hội tụ đủ cả ba yếu tố trên.

Trung Quốc đã dẫn trước Hoa Kỳ trong cuộc đua lượng tử và họ cũng đang vượt trội hơn so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến AI. Tệ hơn nữa, vào tháng 11/2022, một vị tướng cấp cao của Lực lượng Vũ trụ Mỹ đã thừa nhận rằng, công nghệ quân sự của Trung Quốc có thể sớm trở nên tiên tiến hơn so với công nghệ của Mỹ.

Các dấu hiệu từ phía Bắc Kinh về tính hiếu chiến và về một cuộc chiến đã rõ như ban ngày, Trung Quốc thống trị thế giới từ kinh tế đến địa chính trị và quân sự, ông Tập Cận Bình quyết liệt mở rộng Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA, Bắc Kinh Đột phá về phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc phát triển chiến lược chính trị - quân sự tổng hợp cho chiến tranh hỗn hợp trong đó kết hợp nhiều hoạt động ngoại giao và phi quân sự khác
Máy bay không người lái trinh sát tầm cao WZ-7 của Lực lượng Không quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ngày 27/09/2021. (Ảnh: Noel Celis/ AFP/Getty Images)

Vậy Mỹ có thể làm gì (nếu có) để ngăn chặn xu hướng này? Mỹ có thể làm gì để duy trì năng lực cạnh tranh khoa học với Trung Quốc?

Bà Wagner cho rằng, Hoa Kỳ nên ngừng các nỗ lực tách rời, mà thay vào đó nên tìm cách hợp tác với chính quyền Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc là một quốc gia đã đánh cắp hàng nghìn tỷ USD tài sản trí tuệ, phần lớn là từ Hoa Kỳ; một quốc gia đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của 80% dân số Hoa Kỳ; và một quốc gia gây ra mối đe dọa to lớn nhất đối với Hoa Kỳ.

Bà Wagner tin rằng, những phản ứng chính sách của chính quyền hiện tại "bắt nguồn từ quan điểm chủ nghĩa dân tộc (nationalistic) không hoàn toàn phù hợp với nỗ lực toàn cầu của khoa học”. Đó là bởi vì nghiên cứu học thuật là một nỗ lực hợp tác được thúc đẩy bởi việc trao đổi ý tưởng và trao đổi thông tin.

Do đó, để Hoa Kỳ "được hưởng lợi từ sự phát triển khoa học của Trung Quốc", Mỹ cần phải hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc có tiền sử hoạt động như các đặc vụ của ĐCSTQ. Chúng tôi được biết rằng ĐCSTQ thực sự đang kinh doanh việc đánh cắp các thành tựu khoa học. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các nhà khoa học Trung Quốc đều làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Không hẳn là vậy.

Tuy nhiên, nếu cho rằng, Mỹ có thể dễ dàng hoặc thực chất hợp tác với Trung Quốc trên quy mô lớn, thì chính là ảo tưởng nguy hiểm. Niềm tin là nền tảng của một mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Làm sao mà Hoa Kỳ có thể tin tưởng Trung Quốc thêm một lần nữa? Không thể.

Tuy nhiên, Mỹ cần phải xây dựng một kế hoạch tốt hơn nhiều để cạnh tranh với Trung Quốc trên sân khấu khoa học. Kế hoạch này phải do những người cầm quyền đưa ra ngay lập tức. Giáo dục STEM tại các trường học ở Mỹ phải được cải thiện. Chúng ta được dạy rằng, Toán học phân biệt chủng tộc. Không phải vậy. Toán học rất cần thiết cho sự tiến bộ của khoa học. Đây là tin xấu đối với Hoa Kỳ vì ngày càng có nhiều học sinh gặp khó khăn với môn Toán căn bản (cũng như đọc hiểu tiếng Anh căn bản). Cần phải thay đổi thực trạng này. Cần phải sửa đổi chương trình giảng dạy trong các trường học Mỹ.

Tất cả nội dung đề cập trong bài viết chỉ để nói rằng, Trung Quốc chỉ còn tồn tại thêm được 10 năm. Vậy, nếu Hoa Kỳ chỉ còn tồn tại được 10 năm thì sao? Rốt cuộc, trên khắp nước Mỹ, số lượng sinh viên đậu đại học tiếp tục giảm. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong thập kỷ tới, Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ khoa học đến nỗi khiến cho Hoa Kỳ nhận ra rằng họ đang chơi trò đuổi bắt đầy mệt mỏi và vô ích?

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là chuyên gia về tâm lý xã hội và rất quan tâm đến các vấn đề như rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc chỉ còn tồn tại được 10 năm trước khi tự sụp đổ?