Từ CNN đến Gannett, ngành công nghiệp truyền thông sa thải nhân sự giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ lĩnh vực công nghệ đang trải qua tình trạng sa thải toàn ngành và đóng băng tuyển dụng, ngày càng có nhiều hãng truyền thông sa thải nhân viên và thực hiện một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí để đối phó với nỗi lo suy thoái kinh tế, doanh thu quảng cáo sụt giảm và thua lỗ hàng năm. Từ CNN cho đến Gannett, nhiều doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ thông báo cắt giảm số lượng nhân viên trong những tháng tới.

Cuộc đại tu của CNN hướng tới năm 2023

Kể từ khi ông Chris Licht tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của ông Jeff Zucker sau thương vụ sáp nhập của Discovery và WarnerMedia vào mùa xuân vừa qua, đã có nhiều suy đoán về định hướng biên tập của đài CNN.

Trong một bản ghi nhớ đầu tiên gửi nhân viên vào mùa hè vừa qua, ông lưu ý rằng, CNN sẽ "tập trung vào việc cung cấp thông tin chứ không phải gây sợ hãi cho người xem". Trong vài tháng qua, ông Licht đã thực hiện một số thay đổi về chương trình cũng như trong hoạt động tuyển dụng nhân sự.

Một trong những động thái đầu tiên của ông là sa thải các ngôi sao của mạng lưới gồm: John Harwood, Brian Stelter và Jeffrey Toobin. Sau đó, ông thông báo về sự ra đi của ông Michael Bass, một Giám đốc điều hành chương trình hàng đầu của mạng tin tức này.

CNN đã thông báo sa thải khoảng 400 người, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hơn 4.400 nhân viên của hãng. Một số cái tên nhận được thông báo sa thải gồm: Chris Cillizza, Alex Field, Mary Ann Fox, Alison Kosik và Martin Savidge. Hơn nữa, ông Licht đã hủy bỏ tất cả các chương trình trực tiếp tại đài anh em HLN, bao gồm cả sự ra đi của người dẫn chương trình lâu năm Robin Meade.

"Chúng tôi sẽ dựa nhiều hơn vào các nhà báo CNN trong một số lĩnh vực. Nhìn chung, chúng tôi sẽ thu hút các chuyên gia về nhiều chủ đề mở rộng để đa dạng hóa các quan điểm mà chúng tôi mang đến cho khán giả của mình. Trong suốt quá trình đánh giá chiến lược, mục tiêu của chúng tôi là điều chỉnh tốt hơn về mặt nhân sự, quy trình và nguồn lực với các ưu tiên trong tương lai, để tăng khả năng thực hiện sứ mệnh báo chí cơ bản của CNN và cho phép chúng tôi đổi mới trong những năm tới", ông Licht nói trong một bản ghi nhớ được tờ New York Post trích dẫn.

"Ở cấp độ cao nhất, mục tiêu của chúng tôi là phân bổ các nguồn lực của mình để phục vụ tốt nhất và mở rộng đối tượng cho các sản phẩm và chương trình tin tức cốt lõi của chúng tôi", ông tiếp tục.

Đây có thể không phải là dấu chấm hết trong công cuộc đại tu của ông Licht. Ví dụ, trong một bản ghi nhớ vào tháng 10, ông Licht đã cảnh báo rằng CNN sẽ có nhiều đợt sa thải hơn nữa khi ông cố gắng cắt giảm tới 100 triệu USD từ ngân sách của mạng lưới này, trong bối cảnh “lo ngại lan rộng về triển vọng kinh tế toàn cầu”.

"Tất cả những điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể cho tổ chức này. Theo định nghĩa, điều đó thật đáng lo ngại. Những thay đổi này sẽ khá khó khăn vì chúng sẽ ảnh hưởng đến nhân sự, ngân sách và các dự án".

Gannett đang cắt giảm lực lượng lao động

Gannett, chuỗi báo chí lớn nhất ở Hoa Kỳ, đang sa thải khoảng 6% lực lượng lao động của bộ phận truyền thông Hoa Kỳ, tương đương 3.440 nhân sự. Đây được coi là một phần của các biện pháp cắt giảm chi phí của Gannett.

Vào tháng 8, tập đoàn thông báo cắt giảm 400 việc làm và tuyên bố rằng họ sẽ không lấp đầy hàng trăm vị trí còn trống. Hai tháng sau, Gannett tuyên bố cắt giảm chi phí bổ sung, bao gồm yêu cầu người lao động nghỉ không lương và nghỉ tự nguyện có bồi thường.

Tháng trước, ông Henry Faure Walker, Giám đốc điều hành của bộ phận truyền thông Newsquest của Gannett ở Anh, đã cảnh báo rằng, công ty này "không tránh khỏi những thách thức kinh tế mà nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp đang phải đối mặt".

Gannett, công ty mẹ của USA Today, The Detroit Free Press, The Indianapolis Star và hàng chục tài sản truyền thông địa phương khác, đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu của mình giảm mạnh trong năm nay. Cổ phiếu của Gannett đã giảm hơn 53% từ đầu năm đến nay.

NPR tránh sa thải

Ở thời điểm hiện tại, National Public Radio (NPR) sẽ tránh sa thải nhân viên vì họ cố gắng tiết kiệm 10 triệu USD từ năm tài chính hiện tại, kết thúc vào ngày 30/9, công ty cho biết vào ngày 30/11.

Thay vào đó, NPR sẽ ưu tiên người lao động và "gần như đóng băng hoạt động tuyển dụng", nhưng Giám đốc điều hành John Lansing đã nhận ra gánh nặng đối với nhóm nhà báo và nhân viên không thuộc tòa soạn hiện có.

“Chúng tôi đang ưu tiên cho nhân viên của mình, giống như chúng tôi đã làm trong thời gian xảy ra đại dịch và NPR không muốn sa thải bất kỳ nhân viên nào vào thời điểm này. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không có kỹ năng và sự hỗ trợ của những người đáng lẽ sẽ lấp đầy những vị trí còn bỏ trống. Đó không phải là tin tốt cho những người làm việc nhiều giờ và căng thẳng. Nhưng đó là một thực tế không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn giữ công việc", ông John Lansing nói.

NPR cũng sẽ giảm chi tiêu tùy ý và sẽ cắt giảm các chuyến công tác không cần thiết.

Ngành truyền thông thích ứng với môi trường mới

Tờ Washington Post gần đây thông báo rằng, họ sẽ ngừng xuất bản tạp chí Sunday Magazine, khiến 10 nhân viên mất việc.

Bà Sally Buzbee, Biên tập viên điều hành của tờ Washington Post, tuyên bố hôm thứ Tư (30/11) rằng: “Chúng tôi sẽ ngừng xuất bản Sunday Magazine ở dạng hiện tại khi chúng tôi tiếp tục quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và toàn cầu của mình”.

Công ty Walt Disney, sử dụng khoảng 190.000 người, sẽ thực hiện cắt giảm việc làm và đóng băng tuyển dụng có mục tiêu. Theo thông báo từ Giám đốc điều hành (lúc đó) Bob Chapek, việc đi công tác của nhân sự cấp cao sẽ chỉ hạn cuộc ở những chuyến đi cần thiết, và các cuộc họp khác sẽ được hoàn thành trực tuyến nhiều nhất có thể.

Trong khi đó, ông Chapek, Giám đốc tài chính Christine McCarthy và Tổng cố vấn Horacio Gutierrez sẽ lãnh đạo một "nhóm đặc nhiệm cơ cấu chi phí" trong tập đoàn. (Ông Bob Iger sau đó đã kế nhiệm ông Chapek làm Giám đốc điều hành).

Paramount Global đã bắt đầu chiến dịch cắt giảm việc làm vào tuần trước, tập trung vào bộ phận bán hàng quảng cáo, tờ Deadline đưa tin. Kết quả là có tới 100 nhân viên đã bị sa thải. Điều này đã được dự đoán rộng rãi trong cuộc họp báo cáo tài chính quý ba của công ty với các nhà phân tích thị trường.

Ông Bob Bakish, Giám đốc điều hành của Paramount Pictures cho biết: “Tất cả chúng tôi đều nhận thức được những áp lực về kinh tế vĩ mô hiện tại tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi và đặc biệt là thị trường quảng cáo. Khi chúng tôi định hướng trong giai đoạn này, Paramount sẽ duy trì chiến lược thận trọng về tài chính, vốn là lợi thế của chúng tôi trong thời điểm thuận lợi cũng như khó khăn. Là một tập đoàn, chúng tôi luôn quan tâm đến việc kiểm soát chi phí và hiện chúng tôi đang thực hiện các sáng kiến tiếp theo để tăng hiệu quả trong toàn tổ chức của mình".

Ngay cả những hãng tin nhỏ hơn cũng đang gặp khó khăn. Theo tờ Axios, trang tin tức The Recount đã thông báo với nhân viên rằng họ có thể sớm ngừng hoạt động do khó khăn tài chính. Theo đó, The Recount, được thành lập vào năm 2018 bởi các nhà báo John Battelle và John Heilemann, đã thua lỗ 10 triệu USD vào năm ngoái và đã phải vật lộn để duy trì lợi nhuận.

Chi tiêu quảng cáo sụt giảm

Sự sụt giảm trong chi tiêu quảng cáo là một yếu tố then chốt trong việc cắt giảm nhân sự của giới truyền thông.

Theo báo cáo Dữ liệu cốt lõi tháng 10/2022 từ Chỉ số truyền thông tiêu chuẩn (SMI), chi tiêu quảng cáo đã giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Magna, một doanh nghiệp đầu tư truyền thông trực thuộc Interpublic Group of Cos.’ Mediabrands, đã giảm dự báo tăng trưởng chi tiêu quảng cáo cho mọi danh mục vào năm 2023. Các nhà phân tích dự đoán rằng, doanh thu quảng cáo sẽ chỉ tăng 4,8% vào năm tới, giảm so với con số ước tính hồi tháng 6 của họ là 6,3%.

Ông Vincent Létang, Phó chủ tịch điều hành nghiên cứu thị trường toàn cầu của Magna và là tác giả của báo cáo này, cho biết: “Nền kinh tế đã chậm lại hơn so với dự kiến sáu tháng trước. Tất nhiên, nó sẽ không giúp ích gì cho đến năm 2023. Chúng tôi đã cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với hầu hết mọi lĩnh vực truyền thông trong năm tới, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng thị trường sẽ ổn định thay vì suy giảm".

GroupM, một tập đoàn truyền thông và dữ liệu, dự đoán rằng doanh thu quảng cáo trên toàn thế giới sẽ tăng 5,9% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là 6,4%.

Theo bà Kate Scott-Dawkins, Giám đốc toàn cầu về kinh doanh của GroupM, trong khi lĩnh vực quảng cáo quốc tế không gặp phải tình trạng suy thoái giống như năm 2008 và 2001, tuy nhiên hầu hết các tổ chức đều "lên tiếng thận trọng".

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Từ CNN đến Gannett, ngành công nghiệp truyền thông sa thải nhân sự giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế