Trung Quốc trở thành kẻ thua cuộc trong xung đột Hamas - Israel?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến giữa Israel và Palestine đã bước sang tuần thứ ba. Cuộc xung đột đã có tác động đáng kể đến tình hình địa chính trị toàn cầu. Cả Mỹ và Israel đều mong muốn Trung Quốc lên án các cuộc tấn công khủng bố do Phong trào Hồi giáo Hamas (lực lượng vũ trang Palestine đang kiểm soát Dải Gaza) phát động.

Tuy nhiên, vì hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông, nên Bắc Kinh có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất nếu một cuộc xung đột toàn diện nổ ra. Vì vậy nước này duy trì thái độ trung lập ở mức độ thấp và chủ trương tái khởi động đàm phán hòa bình Israel - Palestine dựa trên "giải pháp hai nhà nước". Như vậy, Bắc Kinh đã thành công biến hình từ một chiến lang thành một chú chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình.

Theo Đài truyền hình Đài Loan, xung đột Israel - Palestine đã khiến toàn cầu khiếp sợ, nhưng Trung Quốc mới là nước đặc biệt lo ngại về diễn biến của cơn ác mộng kinh hoàng này. Đặc phái viên Trung Quốc phụ trách Trung Đông Trạch Tuyển (Zhai Jun) nhận định xung đột bạo lực trong khu vực đang leo thang. Tình hình ở Gaza đã xấu đi đáng kể và nguy cơ xảy ra đụng độ trên bộ quy mô lớn đã leo thang đến mức chưa từng có.

Khi ông Trạch Tuyển tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Ai Cập, ông đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trên cơ sở “giải pháp hai nhà nước” để tránh rơi vào “vòng luẩn quẩn trả thù”.

Theo nguồn tin từ đài CNN, Trung Quốc đang cố gắng hòa giải cuộc chiến bằng cách thể hiện lập trường trung lập trước “bàn dân thiên hạ”, nhưng đồng thời nước này cũng phải bảo vệ các lợi ích kinh tế trọng yếu của mình ở khu vực Trung Đông, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng khác.

Lo sợ chiến tranh lan rộng, các chiến lang Trung Quốc lúc này đã biến hình thành những chú chim bồ câu (biểu tượng của hòa bình) trong bối cảnh pháo binh Israel - Palestine đang rền vang. Trung Đông đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ các nước Trung Đông.

An ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc

Đài CNN ngày 20/10 đưa tin, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, với 71% lượng dầu tiêu thụ được nhập khẩu từ nước ngoài. Nga hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua Ả Rập Xê Út.

Trung Đông cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc cung cấp dầu cho Trung Quốc. Theo nhà sản xuất dầu khí quốc gia Trung Quốc, Trung Đông chiếm hơn một phần ba tổng lượng dầu thô tiêu thụ ở nước này.

Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, Ả Rập Xê Út từ lâu đã trở thành nhà cung cấp dầu thô chính của Trung Quốc. Năm 2022, nước này chịu trách nhiệm cung cấp 17% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Nga hầu như không vượt quá con số này trong hai tháng đầu năm nay.

Trung Đông cũng cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn khí đốt tự nhiên và Qatar là nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của Trung Quốc, chiếm 1/4 lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ các nước Trung Đông đã tăng tới 75% vào năm ngoái.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang “lâm nguy”, an ninh năng lượng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nước này. Trong khi Nga và Trung Đông bị lên án và hứng chịu đòn trừng phạt do xung đột, đồng thời rơi vào tình thế hỗn loạn, Trung Quốc chắc chắn phải làm mọi cách để hỗ trợ họ nhằm duy trì sự ổn định về nguồn cung năng lượng.

Truyền thông Đức: Trung Quốc không liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố

Tờ Die Welt của Đức đã xuất bản một bài xã luận có tiêu đề "Sự trung lập giả tạo của Trung Quốc ở Trung Đông tiết lộ kế hoạch thực sự của họ".

Bài báo lập luận rằng, sau khi bị Hamas tấn công lần này, Israel hy vọng Trung Quốc sẽ chỉ trích mạnh mẽ Hamas, nhưng trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh chủ trương đàm phán hòa bình và "giải pháp hai nhà nước", nhưng chưa bao giờ gây áp lực và lên án Hamas. Thậm chí Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện hành động quân sự nào.

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc duy trì quan hệ chặt chẽ với Palestine. Trung Quốc luôn vận động để Jerusalem trở thành thủ đô của Palestine, một quốc gia có chủ quyền, độc lập và đồng thời là thành viên Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không coi Hamas là một tổ chức khủng bố mà thay vào đó, họ coi đây là một tổ chức kháng chiến.

Bài báo cũng cho biết, Trung Quốc cũng duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nước Trung Đông. Từ năm 2005 đến 2022, Bắc Kinh đã đầu tư tổng cộng hơn 250 tỷ euro (khoảng 265 tỷ USD) vào Trung Đông, trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực. Trung Quốc cũng là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran và Ả Rập Xê Út. Bắc Kinh mua dầu từ Iraq và khí đốt tự nhiên từ Qatar; đồng thời xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Algeria, Maroc và Ai Cập. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có các dự án xây dựng ở Cairo, Ai Cập và Mecca, Ả Rập Xê Út.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc trở thành kẻ thua cuộc trong xung đột Hamas - Israel?