Úc - Ấn Độ thắt chặt quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng sức ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Úc và Ấn Độ đang tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ ngoại giao, tiến tới thiết lập một mạng lưới an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng ở khu vực này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 11/10, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho hay, “Chúng tôi có lợi ích và tham vọng chung, đó là duy trì khu vực của chúng tôi ổn định, thịnh vượng và tôn trọng chủ quyền, nơi các quốc gia không bắt buộc phải lựa chọn bên mà phải đưa ra lựa chọn chủ quyền của riêng mình”.

“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào thống trị hoặc bất kỳ quốc gia nào bị thống trị. Chúng tôi cũng nhận ra rằng khu vực của chúng tôi đang được định hình lại về mặt kinh tế và chiến lược", bà tiếp tục.

Ngoại trưởng Úc cho biết chính phủ nước này đang mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ. Bà cho rằng đó là cách duy nhất để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Ông Jaishankar cho biết Ấn Độ coi mối quan hệ song phương là một yếu tố then chốt trong việc định hình một khu vực tốt đẹp hơn.

Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng, nền tảng của mối bang giao giữa hai nước dựa trên một nền dân chủ tự do; một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; quyền tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế; thúc đẩy kết nối, tăng trưởng và an ninh cho tất cả các bên, cũng như đảm bảo các quốc gia đưa ra lựa chọn có chủ quyền về những vấn đề quan trọng đối với họ.

Bắc Kinh coi Ấn Độ Dương là khu vực trọng yếu đối với các hoạt động chiến lược

Hai Ngoại trưởng đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương, vốn là vùng địa chiến lược của Ấn Độ.

Chuyên gia cấp cao về chiến lược châu Á tại Trung tâm Stimson, Sameer Lalwani, viết trên tờ Politico vào tháng 8 rằng tham vọng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương trước đây không thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã chế tạo hàng chục tàu chiến tiên tiến, dường như là để dành riêng cho khu vực này. Theo đó, 80% thương mại đường biển toàn cầu đều đi qua khu vực Ấn Độ Dương.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt nền móng cho sự hiện diện quân sự ở khu vực này, cũng như thiết lập các mối bang giao với các nước chủ chốt. Trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã có thể tự định vị mình là cường quốc hải quân thống trị trong khu vực quan trọng kéo dài từ eo biển Malacca đến eo biển Bab-el-Mandeb”, ông Lalwani viết.

Hoạt động xây dựng hải quân của Bắc Kinh khiến các đồng minh phương Tây 'lo ngại'

Một báo cáo năm 2021 (pdf) của chính phủ Mỹ ước tính rằng Trung Quốc có thể đóng mới 67 tàu chiến chủ lực và 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2030.

Điều này khiến Mỹ và các đồng minh không khỏi lo ngại. Một báo cáo khác của Lầu Năm Góc (pdf) cho hay, nếu Trung Quốc thiết lập thành công ưu thế quân sự vượt trội ở Ấn Độ Dương, sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh đe dọa các tuyến thương mại hàng hải và thậm chí ngăn chặn quân đội Mỹ di chuyển qua khu vực này - nếu nổ ra một cuộc xung đột ở Châu Á.

“Với một hạm đội không bị kiềm chế và có thể thực hiện quyền kiểm soát ở Ấn Độ Dương — ngay cả khi vì mục đích hợp pháp để bảo vệ thương mại và đầu tư — thì Trung Quốc cũng có thể đe dọa các quốc gia về mặt quân sự và kinh tế, giống như những gì họ từng làm ở Biển Đông trong nhiều năm và gần đây với Bangladesh, Maldives và Indonesia”, ông Lalwani viết.

"Bắc Kinh có thể thực hiện các hành vi không an toàn gần tàu và máy bay, quấy rối tàu thương mại hoặc hải quân, đi vào vùng biển và không phận của các quốc gia khác", ông nói.

Ông Lalwani cho rằng động thái này có thể khiến nhiều quốc gia nhỏ hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dễ bị chính quyền Trung Quốc chèn ép và buộc họ phải liên kết với Bắc Kinh.

Bình luận về mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh, ông Jaishankar cho biết hôm 10/10 rằng, ông tin sự hiện diện của hải quân của hai nước nhằm củng cố an ninh trong khu vực sẽ góp phần vào sự thịnh vượng chung.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia phải xem xét ý định và hành vi của các lực lượng quân sự của các quốc gia khác.

“Khi nhìn vào lực lượng hải quân của Ấn Độ, ngoài việc đảm bảo an ninh quốc gia, chúng tôi còn phát triển được danh tiếng là người phản ứng đầu tiên trong nhiều năm. Chúng tôi luôn sẵn sàng khi thiên tai ập đến, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, khi các quốc gia khác gặp khó khăn”, ông nói.

Ngoại trưởng Ấn Độ nói rằng, các quốc gia nên đánh giá bất kỳ sự hiện diện của lực lượng hải quân của các quốc gia khác dựa trên các yếu tố: mục đích thực sự, thông điệp cũng như đặc điểm hành vi của đối phương.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Úc - Ấn Độ thắt chặt quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng sức ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương