Elon Musk bị Đài Loan chỉ trích vì nói rằng quốc đảo là 'một phần của Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chỉ trích gay gắt ông Elon Musk vì ông Musk đã nói rằng Đài Loan là “một phần không thể thiếu của Trung Quốc” và ví hòn đảo tự trị này như Hawaii của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu được phát trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh toàn diện ở Los Angeles (Mỹ) hồi đầu tuần này, tỷ phú Elon Musk tuyên bố chính sách của Bắc Kinh “là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc”. Chưa dừng lại ở đó, ông còn nói thêm rằng với tư cách là một người bên ngoài Trung Quốc, ông “hiểu rất rõ về Trung Quốc” và ông đã gặp “lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc ở nhiều cấp độ trong nhiều năm”.

“Theo quan điểm của họ, có thể [Đài Loan] tương tự như Hawaii hoặc nơi nào đó tương tự như vậy, giống như một phần không thể thiếu của Trung Quốc mà lại không phải là một phần của Trung Quốc một cách tùy tiện, chủ yếu là do Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã ngăn chặn mọi nỗ lực thống nhất bằng vũ lực”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để khẳng định quyền kiểm soát hòn đảo này. Trong khi đó, Hawaii là lãnh thổ của Hoa Kỳ từ năm 1898 và đã trở thành tiểu bang thứ 50 của nước này vào năm 1959.

Đáp lại, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) nói rằng ông Musk “cũng có thể yêu cầu ĐCSTQ mở cửa X cho người dân của mình” trước đoạn clip bài phát biểu của ông Musk trên nền tảng mạng xã hội X.

“Nghe này, Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc [và] chắc chắn không phải để mua bán!”, ông Ngô Chiêu Nhiếp cho biết.

Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP tại Bộ Ngoại giao ở Đài Bắc, hôm 2/8/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP tại Bộ Ngoại giao ở Đài Bắc, hôm 2/8/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ông Jeff Li, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, cũng tỏ ra thẳng thắn một cách bất thường trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (14/9), nói rằng ông Musk đã “ủng hộ Trung Quốc” trong khi phớt lờ việc nước này thiếu quyền tự do ngôn luận.

Ông nói: “Chúng tôi không thể biết liệu ý chí tự do của Musk có được đem ra mua bán hay không, nhưng chắc chắn Đài Loan không phải để mua bán”.

Vị doanh nhân sở hữu Tesla và có một nhà máy lớn ở Thượng Hải đã đưa ra nhận xét này khi trả lời câu hỏi về những thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Musk chọc giận Đài Loan. Tháng 10 năm ngoái, khi tuyên bố rằng đối đầu với Đài Loan là điều không thể tránh khỏi, ông Musk đã đề nghị Đài Loan giải quyết căng thẳng xuyên eo biển bằng cách nhượng lại một số chủ quyền kiểm soát cho đại lục và biến mình thành một “đặc khu hành chính”.

Bình luận trên đã nhận được sự tán thưởng từ chính quyền Trung Quốc và gây ra phản ứng mạnh mẽ tương tự từ Đài Bắc.

Hội đồng Các Vấn Đề đại lục, cơ quan hoạch định chính sách về Trung Quốc của Đài Loan, tuyên bố rằng đề xuất của ông Musk dựa trên lợi ích kinh doanh và ông có thể đến thăm Đài Loan để “tìm hiểu về dân chủ, tự do, đổi mới và phát triển”. Hội đồng Các Vấn Đề đại lục cho rằng những giá trị trên hoàn toàn trái ngược với "hệ thống thị trường độc tài và sự cưỡng ép, đàn áp ác ý của ĐCSTQ”.

Theo một số nhà bình luận, các vấn đề kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ quân sự gia tăng ở eo biển Đài Loan.

“Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và nhân khẩu học nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình có thể dễ dàng chấp nhận rủi ro hơn, đồng thời có thể khó dự đoán hơn và làm điều gì đó rất ngu ngốc”, Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban tuyển chọn của Hạ viện về cạnh tranh với Trung Quốc, cho biết tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York hồi đầu tuần.

Hôm 11/9, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cảnh báo tại Hội nghị chuyên đề về chiến binh của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ rằng Trung Quốc đang xây dựng quân đội để chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng với Hoa Kỳ.

Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động quân sự gần hòn đảo này. Hôm 14/9, Đài Loan báo cáo có 68 máy bay chiến đấu và 10 tàu chiến Trung Quốc tiếp cận lãnh thổ của mình.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, 40 máy bay Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan và tiến vào Vùng nhận dạng phòng không phía tây nam hoặc đông nam của Đài Loan, vùng đệm bên ngoài không phận lãnh thổ của hòn đảo.

Các cuộc xâm nhập quân sự trên xảy ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc điều động đội hình hải quân do tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc chỉ huy, cách Đài Loan khoảng 110 km về phía đông nam. Tàu này dự kiến ​​sẽ tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng máy bay, tàu ngầm, tàu chiến và tấn công trên bộ ở phía Tây Thái Bình Dương.

Theo truyền thông nhà nước, đây là lần thứ hai Trung Quốc triển khai tàu Sơn Đông tới Tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 4, tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận vây quanh Đài Loan, ngay sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến thăm Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở tiểu bang California, Mỹ. Vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận, ĐCSTQ đã điều động kỷ lục 91 máy bay và 12 tàu hải quân vây quanh Đài Loan.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng đang cố gắng kéo Đài Loan đi sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của mình.

Hôm 14/9, Trung Quốc đã công bố kế hoạch chuyển đổi Phúc Kiến, một tỉnh ven biển của Trung Quốc gần Đài Loan,

thành một khu vực phát triển tích hợp giúp các doanh nghiệp Đài Loan tiếp cận dễ dàng hơn - một động thái mà Đài Loan hiểu là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm lôi kéo tiền bạc và tâm trí của người dân Đài Loan.

Tuy nhiên, Hội đồng các vấn đề đại lục cho biết: “Đây hoàn toàn là mơ tưởng hão huyền”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Elon Musk bị Đài Loan chỉ trích vì nói rằng quốc đảo là 'một phần của Trung Quốc'