Đảng Cộng hòa kêu gọi Lầu Năm Góc giải quyết việc chậm bàn giao 66 tiêm kích F-16 cho Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành một chiến dịch gây áp lực ngày càng quyết liệt nhằm vào Đài Loan.

Dân biểu Robert Wittman và một nhóm gồm 23 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Lầu Năm Góc giải quyết tình trạng trì hoãn trong việc chuyển giao lô tiêm kích F-16V cho Đài Loan trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gây hấn với hòn đảo này.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall ngày 16/11, ông Rob Wittman, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, và các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của ông, đã nêu lên mối lo ngại rằng việc trì hoãn hai thương vụ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan tiềm ẩn "nguy cơ cao".

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch gây áp lực ngày càng mạnh mẽ nhằm vào hòn đảo”, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cho biết và nói thêm rằng họ muốn hợp tác với Lầu Năm Góc để đảm bảo rằng các hợp đồng này “không bị trì hoãn thêm nữa”.

“Đài Loan rất cần những chiếc máy bay mới và được nâng cấp này, và một Đài Loan mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn sẽ cải thiện sự ổn định trên eo biển Đài Loan”, các nhà lập pháp cảnh báo.

"Chúng ta không thể hứa hẹn quá nhiều trong khi thực hiện quá ít với những người bạn thân nhất của mình”.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã yêu cầu ông Kendall cung cấp thông tin cập nhật về kế hoạch giao hàng tổng thể trước ngày 18/12.

Theo bức thư, hai hợp đồng F-16 "chiếm 12,7 tỷ USD trong tổng số 14,3 tỷ USD tồn đọng thiết bị quân sự mà Đài Loan đã đồng ý mua từ Hoa Kỳ”.

Hợp đồng trang bị thêm, nhằm cung cấp các bản nâng cấp cho 141 máy bay chiến đấu F-16 hiện có của Đài Loan. Thương vụ này đã bị trì hoãn gần ba năm “do thiếu các bộ phận quan trọng”.

Hơn nữa, việc chuyển giao 66 máy bay chiến đấu F-16 mới đã "bị trì hoãn hơn 15 tháng do sự phức tạp trong quá trình phát triển phần mềm”. Các máy bay chiến đấu mới dự kiến ​​sẽ xuất xưởng trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2026. Tuy nhiên, bức thư nói rằng thời gian này đã được gia hạn cho đến năm 2026 - 2027.

Ông Wittman cho biết: “Đây là những hợp đồng quan trọng nhằm cải thiện năng lực tự vệ của Đài Loan trong ngắn hạn”.

Trong khi bức thư ca ngợi Lực lượng Không quân và Đài Loan vì những nỗ lực của họ trong việc cải thiện thời hạn giao hàng và giảm sự chậm trễ, các nhà lập pháp tuyên bố rằng họ sẽ “tiếp tục giám sát chặt chẽ những nỗ lực này” để loại bỏ những đơn hàng tồn đọng này và “cải thiệnnăng lực phòng thủ của Đài Loan”.

The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Mỹ để yêu cầu bình luận.

Thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan kể từ khi Washington thay đổi sự công nhận ngoại giao theo hướng có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Tuy nhiên, hai bên có mối quan hệ bền chặt dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, một đạo luật cho phép Hoa Kỳ cung cấp các quyền đảo có trang thiết bị quân sự để tự vệ.

Trong những năm gần đây, Washington đã nhiều lần bán vũ khí cho Đài Loan để hỗ trợ hòn đảo dân chủ này chống lại sự quấy rối quân sự của chính quyền Bắc Kinh.

Vào tháng 8/2023, chính quyền ông Biden lần đầu tiên quyết định tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan thông qua một gói của Bộ Ngoại giao Mỹ. Gói này thường được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia có chủ quyền. Gói Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF) đã phân bổ gói trang thiết bị quân sự trị giá 80 triệu USD.

FMF (do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý) chủ yếu cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các chính phủ nước ngoài trong việc mua thiết bị quốc phòng và huấn luyện quân sự của Mỹ theo chương trình Bán hàng quân sự cho nước ngoài (FMS).

Cũng trong tháng 8, Hoa Kỳ đã phê duyệt thương vụ bán thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan, bao gồm hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại (IRST) cho máy bay chiến đấu F-16.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã công bố một trong những thương vụ bán vũ khí FMS lớn nhất trong những năm gần đây khi đồng ý mua 100 tên lửa không đối không Sidewinder, 60 tên lửa chống hạm Harpoon và các thiết bị quân sự khác từ Hoa Kỳ.

Vào tháng 12/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Tăng cường khả năng phục hồi của Đài Loan (TERA) như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2023. Đạo luật TERA cho phép các khoản tài trợ và khoản vay lên tới 10 tỷ USD để cung cấp thiết bị quân sự cho Đài Loan trong 5 năm tới nhằm ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ.

Đạo luật này còn khuyến khích các lực lượng Đài Loan tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo có tên là RIMPAC vào năm 2024. Đạo luật này cũng cho phép tổng thống Hoa Kỳ xây dựng một kho dự trữ dự phòng khu vực cho Đài Loan, bao gồm các loại đạn dược trị giá lên tới 100 triệu USD.

Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Washington - nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan - ngừng bán thiết bị quân sự cho quốc đảo này. Để trả đũa việc Washington ủng hộ Đài Bắc, ĐCSTQ đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với các nhà thầu quốc phòng của Mỹ, bao gồm cả Lockheed Martin.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã hung hãn điều động máy bay quân sự và tàu hải quân đến các khu vực gần hòn đảo.

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, vào năm 2022, Bắc Kinh đã điều tổng cộng 1.737 máy bay quân sự vào không phận quốc tế gần Đài Loan, tăng 79% so với 972 chuyến vào năm trước. Dữ liệu được trích dẫn từ Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Trong khi đó, Đài Loan vẫn cam kết bảo vệ chủ quyền và lối sống dân chủ, tự do của mình.

Trong bài phát biểu mừng Quốc khánh vào tháng trước, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhắc lại rằng Đài Loan mong muốn “chung sống hòa bình” với Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa kêu gọi Lầu Năm Góc giải quyết việc chậm bàn giao 66 tiêm kích F-16 cho Đài Loan