Hàn Quốc nói Triều Tiên đang lập lại chốt gác, triển khai vũ khí dọc biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang xây dựng lại các trạm gác và triển khai vũ khí dọc biên giới với Hàn Quốc, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám.

Hôm thứ 2 (27/11), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện các hoạt động cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại loạt chốt cảnh giới vào ngày 24/11, chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ khôi phục “tất cả các biện pháp quân sự” từng bị tạm dừng theo hiệp định liên Triều năm 2018.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc đã tiết lộ những bức ảnh chỉ ra rằng quân đội Triều Tiên đang tái lắp đặt các trạm gác dọc biên giới, đồng thời triển khai vũ khí tại những trạm gác này.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên: “Trước khi phá hủy [các trạm canh gác], đã có các trạm quan sát, và họ được cho là đang xây dựng lại chúng. Nó được làm bằng gỗ trắng và sơn hoa văn ngụy trang”.

Quan chức này cho biết thêm: “Chỉ có một số trạm gác đang được khôi phục, nhưng Triều Tiên được cho là sẽ khôi phục tất cả [các chốt cảnh giới] vì đây là những cơ sở thiết yếu cho hoạt động giám sát”.

Quan chức này nói rằng quân đội Hàn Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ “các hành động khiêu khích” của Triều Tiên, đồng thời duy trì “tư thế hoàn toàn sẵn sàng” để trả đũa trong trường hợp xảy ra bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Mỹ kêu gọi Triều Tiên quay lại bàn đàm phán

Hoa Kỳ đã thúc giục Triều Tiên ngay lập tức ngừng "các hành động khiêu khích". Washington nói rằng những hành động này làm leo thang căng thẳng quân sự và có thể gây ra các quyết định sai lầm trên Bán đảo Triều Tiên.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với hãng thông tấn Yonhap: “Trước những diễn biến này, Hoa Kỳ vẫn giữ liên lạc chặt chẽ và thường xuyên với Hàn Quốc thông qua nhiều kênh, để đảm bảo rằng liên minh của chúng ta luôn gắn kết”.

Vị quan chức này nói thêm: “Cánh cửa ngoại giao chưa đóng lại, nhưng Bình Nhưỡng phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và thay vào đó chọn con đường hợp tác”.

Hai miền Triều Tiên trước đây từng tháo dỡ và giải giáp 11 chốt cảnh giới tại Khu phi quân sự (DMZ) theo một thỏa thuận năm 2018 (được gọi là Thỏa thuận Quân sự Toàn diện) nhằm hạ nhiệt các cuộc đối đầu quân sự ở tiền tuyến.

Hiệp định yêu cầu hai quốc gia dừng các cuộc tập trận giám sát trên không và bắn đạn thật tại các vùng cấm bay và vùng đệm được thiết lập dọc theo DMZ, cũng như dỡ bỏ một số trạm gác và bãi mìn trên đất liền. Thỏa thuận này khiến Hàn Quốc còn 50 trạm gác và Triều Tiên còn 150.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Quân sự Toàn diện hiện có nguy cơ bị hủy bỏ khi cả hai nước đều công khai đe dọa sẽ vi phạm thỏa thuận.

Hàn Quốc đã đình chỉ một phần của thỏa thuận về hạn chế các hoạt động trinh sát và giám sát dọc DMZ, sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo bất chấp cảnh báo từ nhiều bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết chính phủ nước này đã phải thực hiện “biện pháp phòng thủ tối thiểu”, bởi vì vụ phóng vào không gian của Triều Tiên chứng minh rằng Bình Nhưỡng “không có ý định tuân thủ thỏa thuận quân sự”.

Vệ tinh do thám truyền hình ảnh Nhà Trắng, Lầu Năm Góc

Vệ tinh do thám có tên Malligyong-1 đã được Triều Tiên phóng lên quỹ đạo vào hôm 21/11. Đây là lần phóng tên lửa thứ 3 của Triều Tiên sau 2 lần phóng thất bại vào ngày 31/5 và 24/8.

Bình Nhưỡng tuyên bố vụ phóng tên lửa đã thành công và đang nhận được những hình ảnh truyền từ vũ trụ về các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Guam.

Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhận được những bức ảnh về Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, chụp từ không gian vũ trụ vào lúc 11h36 tối giờ địa phương ngày 27/11.

KCNA cho biết, vệ tinh cũng truyền các bức ảnh về Trạm Hải quân Norfolk, Xưởng đóng tàu Newport News và sân bay Virginia ở Hoa Kỳ.

“4 tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ và 1 tàu sân bay của Anh đã được nhìn thấy trong các bức ảnh chụp Trạm Hải quân Norfolk và Xưởng đóng tàu Newport News”, KCNA cho biết.

Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa, gọi đây là "một hành động cực kỳ có vấn đề".

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói: "Đây là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Triều Tiên và lên án hành động này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".

Ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra tuyên bố chung vào ngày 22/11, cho biết họ lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" vụ phóng vào không gian của Triều Tiên.

Họ cho rằng vụ phóng này gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" cho khu vực, đồng thời đã vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong đó cấm Triều Tiên phóng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào.

Tuyên bố viết: “Triều Tiên không thể và sẽ không bao giờ có tư cách là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân”.

​Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc nói Triều Tiên đang lập lại chốt gác, triển khai vũ khí dọc biên giới