Hoa Kỳ triển khai 'chuỗi đảo thứ hai' để kiềm chế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Nikkei Asia hôm 14/5 trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết Hoa Kỳ và Papua New Guinea (PNG) dự kiến ​​sẽ ký một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng trong tháng này nhằm cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các cảng và sân bay của PNG. Động thái này cho thấy Washington đang tiến hành triển khai ‘chuỗi đảo thứ hai’ ở các quốc đảo Nam Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc và các xung đột tiềm ẩn trong tương lai.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng giữa Hoa Kỳ và PNG bao gồm cảng quân sự và sân bay

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến ​​sẽ đến Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 19/5 đến 21/5 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7. Sau đó ông sẽ có chuyến công du tới Papua New Guinea và ký kết các thỏa thuận quốc phòng và giám sát với đảo quốc này, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Tại PNG, ông Biden dự kiến ​​sẽ gặp Thủ tướng PNG James Marape và các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác tại cuộc họp của các đảo quốc.

Theo nguồn tin tổng hợp từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, ông Biden sẽ trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Papua New Guinea.

Papua New Guinea nằm ở đầu phía nam của "chuỗi đảo thứ hai". Chuỗi đảo này trải dài từ quần đảo Ogasawara và quần đảo Volcano của Nhật Bản đến quần đảo Guam là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đảo Guam, PNG và nhiều địa điểm khác có thể được sử dụng để khởi động các hoạt động hỗ trợ và quân sự trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre gần đây cho hay Tổng thống Biden và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape sẽ "thảo luận về các phương thức tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức quan trọng trong khu vực và đối với Hoa Kỳ”, bao gồm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên đại dương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.

Hồi tháng 4, Đô đốc John Aquilino - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản gửi Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thảo luận với các nhà lãnh đạo Papua New Guinea "về một số sáng kiến triển khai quan trọng phụ thuộc vào việc ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương".

Tờ Nikkei Asia dẫn nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Papua New Guinea cho biết thỏa thuận này nhằm cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ và khu vực cụ thể ở PNG dưới sự đồng ý của cả hai bên. Các địa điểm có thể được thảo luận bao gồm: Sân bay Momote, Sân bay Quốc tế Jacksons, Sân bay Nadzab, Căn cứ Hải quân Lombrum, Cảng biển Lae và Cảng Moresby.

Báo cáo dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Sau khi được ký kết, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea sẽ đóng vai trò là cơ sở hạ tầng để hai nước tăng cường mối quan hệ an ninh song phương, cải thiện năng lực của Lực lượng Phòng vệ PNG trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tăng cường sự ổn định và an ninh trong khu vực”.

Hàn Quốc và Philippines ‘bao vây’ ĐCSTQ trên chuỗi đảo thứ nhất của Mỹ

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Các bên đã đạt được thỏa thuận tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự song phương. Thông qua những hành động cụ thể, Hàn Quốc và Philippines đã chứng minh rằng họ chọn đứng về phía Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

Trong khi đó, Đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) cho hay, việc Hàn Quốc và Philippines gia nhập phe chống Trung Quốc của Hoa Kỳ mang lại ý nghĩa to lớn đối với Washington. Xét từ quan điểm địa chính trị, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đã lấp đầy hai khoảng trống của “chuỗi đảo thứ nhất”. Với việc Washington đang bao vây Bắc Kinh, việc triển khai chiến lược chuỗi đảo thứ nhất đã hoàn tất.

Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm các đảo trong đó có Đài Loan, Okinawa, Philippines, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là tuyến phóng thủ đầu tiên. Chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Hoa Đông - vốn nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.

“Chuỗi đảo thứ nhất” là một khái niệm an ninh địa lý do Hoa Kỳ đặt ra nhằm xác định các ranh giới phòng thủ hoặc tấn công bằng cách kết nối các đảo với các nhóm đảo lớn hơn.

Ban đầu chuỗi đảo này nhằm ngăn chặn các nước xã hội chủ nghĩa xích lại gần Liên Xô. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chuỗi đảo thứ nhất nghiễm nhiên trở thành ranh giới địa chính trị để Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Phần quan trọng của chuỗi đảo thứ nhất là Đài Loan.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã lợi dụng sự tăng trưởng kinh tế để đẩy mạnh việc xây dựng quân đội và đẩy nhanh hiện đại hóa vũ khí, đặc biệt là phát triển hải quân và không quân. Nếu ĐCSTQ phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên, thì nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ sẽ chỉ còn hai từ “thất bại”.

Theo Visiontimes

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ triển khai 'chuỗi đảo thứ hai' để kiềm chế Trung Quốc