Lần đầu tiên cuộc tập trận Mỹ-Nhật coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ ngày 1 đến ngày 8/2, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức cuộc tập trận "Keen Edge", Úc cũng lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này trong năm nay. Đây là bài tập chỉ huy và kiểm soát được thực hiện bằng mô phỏng trên máy tính. Chủ đề của cuộc tập trận xoay quanh "các cuộc khủng hoảng hoặc trường hợp khẩn cấp" có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan và cách ứng phó với chúng, mục đích nhằm nâng cao năng lực tác chiến chung toàn diện giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như hoàn thiện các quy trình chỉ huy và kiểm soát.

Trong một báo cáo ngày 4/2, một hãng thông tấn của Nhật Bản là Kyodo News, dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, không giống như việc sử dụng bản đồ và mật danh mơ hồ trước đây để chỉ kẻ thù tưởng tượng, cuộc tập trận này sử dụng phiên bản bản đồ thật chưa được sửa đổi và kẻ thù tưởng tượng lần đầu tiên trực tiếp gắn mác Trung Quốc.

Tạp chí Stars and Stripes của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ rằng lực lượng tham gia của Hoa Kỳ đến từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Lực lượng Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Thủy quân lục chiến Thái Bình Dương, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, Quân đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Lực lượng Không quân Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Ngoài ra, báo cáo còn dẫn lời bình luận của Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu là ông Grant Newsham, thành viên cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo, rằng: “Cuộc tập trận ‘Keen Edge’ chính là nhằm vào Trung Quốc”, và “Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải sẵn sàng chiến đấu vì Đài Loan - bởi vì chính Trung Quốc sẽ gây rắc rối cho Đài Loan”. Ông tin rằng việc đưa mạng và không gian vào cuộc tập trận kết hợp càng chứng tỏ rằng các đồng minh đang chuẩn bị cho việc Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

Kể từ khi Hoa Kỳ và Nhật Bản bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung vào năm 1986, đây là lần đầu tiên cả hai bên đều công khai lên án Bắc Kinh một cách rõ ràng, điều này thực sự là bất thường. Nó tiết lộ hai thông tin:

1. Hoa Kỳ và Nhật Bản đánh giá khả năng Trung Quốc gây rắc rối ở eo biển Đài Loan đã tăng lên và cấp độ phòng thủ cũng đã được nâng lên

Báo cáo do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) công bố ngày 4/1 chỉ ra nguy cơ xung đột vũ trang giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc đang gia tăng trong năm 2024. Báo cáo liệt kê việc Trung Quốc gây áp lực lên Đài Loan là cấp độ rủi ro hàng đầu trong năm thứ tư liên tiếp, gây ra cuộc khủng hoảng khắp eo biển Đài Loan và ảnh hưởng đến Hoa Kỳ cũng như các nước khác trong khu vực.

Về vấn đề Trung Quốc khi nào tấn công Đài Loan, mỗi bên đều có nhìn nhận khác nhau. Vào năm 2023, một Thượng tướng Không quân Hoa Kỳ đã dự đoán trong một tài liệu nội bộ bị rò rỉ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ khai chiến ở Đài Loan vào năm 2025. Cùng năm, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương là ông William Burns cũng tuyên bố rằng, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Vào tháng 10 năm 2022, một tướng lĩnh Hải quân Hoa Kỳ đã dự đoán rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ cần chuẩn bị sớm cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc ngay từ năm nay.

Kể từ khi ông Tập tái đắc cử lần thứ ba và củng cố quyền lực đến nay, trong khi ông tiếp tục yêu cầu quân đội chuẩn bị chiến tranh, quân đội Trung Quốc cũng tăng cường quấy rối và đe dọa Đài Loan. Mặc dù trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2023, ông Tập đã phủ nhận mọi kế hoạch tấn công Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027 hoặc năm 2035, đồng thời nhắc lại hy vọng thống nhất hòa bình, nhưng ông không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, ngoại giới phân tích rằng đây chỉ là kế hoãn binh, không thể loại trừ khả năng ông Tập sẽ khăng khăng làm theo ý mình vào một thời điểm nào đó.

Năm 2015, truyền thông Trung Quốc đăng lại một bài viết về 8 điểm đặc trưng của ông Tập trên Tuần báo Weekly Diamond của Nhật Bản. 8 điểm đặc trưng này bao gồm dám phá bỏ quy tắc cũ, ham muốn kiểm soát mạnh, tự mình đưa ra quyết định cuối cùng, dám chấp nhận rủi ro và có những hành động khó lường trước được, v.v... Một người với tính cách như vậy, ai có thể đảm bảo rằng ông ta khi phải đối mặt với những khó khăn cả trong lẫn ngoài nước mà sẽ không có những hành động thiếu lý trí về vấn đề eo biển Đài Loan?

Chính là dựa trên thông tin tình báo và nhận định rằng Bắc Kinh có thể xâm lược Đài Loan trong tương lai mà Mỹ và Nhật Bản phải chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Cuộc tập trận "Keen Edge" sử dụng bản đồ thực và liệt Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng, chính là để quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản thông qua máy tính để mô phỏng mọi tình huống có thể xảy ra trong chiến tranh và tìm ra phương án ứng phó để có thể giữ bình tĩnh khi thực chiến.

Có thông tin cho rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có nhiều kế hoạch tác chiến chung trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có cái gọi là "Dự thảo Kế hoạch Tác chiến Khẩn cấp" đối với Đài Loan đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái. Ngoài ra, vào tháng 6 năm ngoái, Nhật Bản, Mỹ và Philippines đã tổ chức các cuộc đàm phán an ninh ba bên đầu tiên. Vào tháng 8, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Trại David và đưa ra tuyên bố chung rằng “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”. Từ ngày 10 đến ngày 20/11, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận chung thường niên năm 2023, lần đầu tiên sử dụng các sân bay dân sự, bến cảng và các cơ sở khác trên quy mô lớn. Kết quả của các cuộc tập trận đang diễn ra sẽ đặt nền tảng cho các cuộc tập trận thực tế trong tương lai và thậm chí cả chiến đấu thực tế.

2. Hoa Kỳ và Nhật Bản dùng sức mạnh của mình để ngăn chặn Trung Quốc đừng đùa với lửa, truyền đạt quyết tâm bảo vệ Đài Loan và thái độ không sợ chiến đấu với Trung Quốc

Các cuộc tập trận có mục tiêu của Hoa Kỳ và Nhật Bản không chỉ chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai, mà còn đang răn đe Trung Quốc, thông qua điều này nói với Bắc Kinh rằng: một khi Bắc Kinh tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ kiên quyết bảo vệ Đài Loan và không sợ giao chiến với Trung Quốc.

Chỉ huy hiện tại của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ là Đô đốc Samuel Paparo, đã tham dự phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào ngày 1/2. Về các chính sách trong Chiến lược mơ hồ đối với Đài Loan, ông nói: “Đối với Lực lượng chung mà nói, là không có sự mơ hồ. Chỉ có những nhiệm vụ rõ ràng trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Trụ sở chính sẽ hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Loan, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, trụ sở chính cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan”. Ông Paparo cũng cho biết họ đang chuẩn bị cho mọi khả năng, kể cả thực chiến. Hạm đội Thái Bình Dương nơi ông Paparo đóng quân cũng là lực lượng tham gia quan trọng trong cuộc tập trận “Keen Edge”.

Điều đáng được chú ý là truyền thông Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh: So với các lần trước, thì cuộc tập trận lần này có sự đồng bộ hóa tốt hơn với Bộ chỉ huy Không gian của Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Thông điệp mà nó truyền tải chắc hẳn sẽ khiến quân đội Trung Quốc phải run sợ?

Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, được chính thức thành lập vào năm 2019, được tổ chức lại trên cơ sở "Bộ Tư lệnh Không gian Không quân" được thành lập năm 1982. Mục đích thành lập lực lượng này là để đối phó với việc Trung Quốc và Nga "vũ khí hóa không gian", đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia luôn có ý định lật đổ Hoa Kỳ.

Ba mục tiêu chính của Lực lượng Không gian là:

  • Duy trì ưu thế vượt trội về không gian của Hoa Kỳ.
  • Cung cấp hỗ trợ không gian cho mọi hoạt động quân sự chung.
  • “Đảm bảo ổn định không gian” - tức là liên tục tuần tra trong không gian nhằm ngăn chặn hành vi xâm lược và duy trì các thỏa thuận quốc tế, tương tự như hoạt động tuần tra của cảnh sát hải quân ở vùng biển quốc tế.

Mục đích của việc Lực lượng Không gian tham gia cuộc tập trận “Keen Edge” năm nay không nói cũng rõ, đó là cung cấp hỗ trợ thông tin không gian cho các lực lượng chiến đấu thông thường, bao gồm cảnh báo sớm và giám sát tên lửa đạn đạo, cung cấp giám sát tình hình chiến trường cho các hoạt động trên mặt đất và trên biển, và chịu trách nhiệm về thông tin liên lạc chiến lược và hỗ trợ khí tượng, v.v... Thông qua các cuộc tập trận, Lực lượng Không gian sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các quân chủng khác.

Điều đáng chú ý là trong số “5 khả năng chính” của Lực lượng Không gian, nó còn bao gồm danh mục lựa chọn “tấn công chủ động”. Nói cách khác, Lực lượng Không gian có thể vừa phòng thủ vừa tấn công. Trong số đó, các hoạt động tấn công nhắm vào năng lực không gian và khả năng tác chiến không gian của kẻ thù, làm giảm khả năng sát thương và hiệu quả của chúng, thậm chí tấn công các cơ sở mạng lưới và mặt đất của kẻ thù.

Thông qua các cuộc tập trận, Hoa Kỳ và Nhật Bản thực sự đang nói với Bắc Kinh rằng các vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc và cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc sẽ nằm dưới sự giám sát của quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là Lực lượng Không gian. Trên thực tế, đây không chỉ là sự phô trương sức mạnh mà còn là lời cảnh báo cho các đối thủ tiềm năng rằng, Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Lực lượng Không gian, cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến thông thường của Trung Quốc là không cao. Sức chiến đấu của Lực lượng Tên lửa mà ông Tập dựa vào rất khó để đối đầu với quân đội Hoa Kỳ, còn chưa kể sau cuộc thanh trừng của ông Tập, tinh thần quân sự của Lực lượng Tên lửa từ sớm đã trở nên bất ổn.

Tín hiệu từ cuộc tập trận “Keen Edge” mới nhất giữa Mỹ và Nhật Bản đương nhiên khiến Bắc Kinh rất bất mãn, nhưng chỉ có thể bày tỏ “sự phản đối kiên quyết” bằng giọng điệu gay gắt, “yêu cầu Nhật Bản phải phản tỉnh sâu sắc về lịch sử của mình, thực sự tôn trọng những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng châu Á, thận trọng trong lời nói cũng như hành động trong lĩnh vực an ninh quân sự”. Nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác có ai thèm để ý đến mấy lời phát biểu này của Bắc Kinh đây?

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên cuộc tập trận Mỹ-Nhật coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng