Moscow nói Kyiv đang 'mất đi các đồng minh' trong bối cảnh quan hệ Ba Lan - Ukraine căng thẳng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nhà lập pháp của Nga, xích mích giữa Kyiv và Warsaw - về xuất khẩu ngũ cốc và chuyển giao vũ khí - là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang "mất đi các đồng minh".

Ông Leonid Slutsky - người đứng đầu ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga - nói vào ngày 20/9: “Các quan chức châu Âu… đang dần nhận ra rằng các quốc gia của họ — và chính họ — phải trả giá như thế nào để hỗ trợ [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelenskyy”.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng Warsaw sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông Morawiecki nói với báo chí Ba Lan: “Chúng ta sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine nữa, vì chúng ta đang trang bị cho Ba Lan những loại vũ khí hiện đại hơn”.

Tuyên bố của ông Morawiecki đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi. Sau đó, dường như để xoa dịu tình hình, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã lên tiếng rằng những gì mà Thủ tướng Morawiecki nói đã bị hiểu sai.

Tổng thống Duda cho rằng “lời nói của ông Morawiecki đã bị diễn giải sai trầm trọng. Theo ý kiến của tôi, thủ tướng muốn nói rằng Ba Lan sẽ không chuyển cho Ukraine loại vũ khí mới mà chúng tôi hiện đang mua, vì chúng tôi cần hiện đại hóa quân đội Ba Lan”.

Warsaw sau đó đã làm rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, nhưng chỉ cung cấp những thứ đã được thỏa thuận từ trước.

Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược miền đông Ukraine vào đầu năm ngoái, Warsaw là một trong những quốc gia ủng hộ Kyiv nhiệt thành nhất. Ba Lan là một trong những nước đầu tiên chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine và đang tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, xích mích đã gia tăng giữa Warsaw và Kyiv do tranh chấp kéo dài về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc.

Moscow nói Kyiv đang mất đi các đồng minh, xích mích giữa Kyiv và Warsaw về xuất khẩu ngũ cốc và chuyển giao vũ khí
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu tại một sự kiện ở Gdynia, Ba Lan, ngày 22/7/2022. (Ảnh: Mateusz Sloddowski/AFP qua Getty Images)

Tuần trước, căng thẳng lên cao khi Ba Lan, cùng với Hungary và Slovakia, áp đặt lệnh cấm đơn phương đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine.

3 nước trên đã thực hiện bước đi này sau khi Ủy ban châu Âu từ chối gia hạn lệnh cấm hiện có đối với ngũ cốc của Ukraine ở 5 quốc gia EU (trong đó có Romania và Bulgaria).

Các lệnh cấm nhằm bảo vệ nông dân địa phương khỏi dòng ngũ cốc Ukraine tràn vào thị trường nội địa sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc giữa Kyiv và Moscow.

Được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, thỏa thuận ngũ cốc Kyiv - Moscow đã cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen bất chấp tình hình chiến sự. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7, Nga đã đơn phương đình chỉ thỏa thuận với lý do những phần quan trọng trong thỏa thuận không được phía bên kia thực hiện.

Kyiv đã nộp đơn khiếu nại chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới với hy vọng lệnh cấm nhập khẩu từ Ba Lan, Hungary và Slovakia được bãi bỏ. Ukraine cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế riêng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ba Lan và Hungary nếu 2 nước này từ chối dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.

Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki cảnh báo rằng nếu Kyiv chọn leo thang tranh chấp, Warsaw sẽ “bổ sung thêm nhiều sản phẩm hơn vào lệnh cấm nhập khẩu”.

Lời lẽ gay gắt tại Liên Hợp Quốc

Ngày 19/9, trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine bằng những nhận xét dường như nhằm vào Ba Lan.

Ông Zelenskyy nói: “Thật đáng báo động khi thấy một số nước ở châu Âu thể hiện tình đoàn kết [với Ukraine] như trên một sân khấu chính trị". "Họ dường như đang đóng vai diễn riêng của mình, nhưng trên thực tế, họ đang trải đường cho 'diễn viên Moscow'”.

Ông Zelenskyy tin rằng các lệnh cấm nhập khẩu này sẽ giúp củng cố vị thế của Nga.

Bộ Ngoại giao Ba Lan sau đó đã triệu tập đại sứ Ukraine tại Warsaw để bày tỏ sự không hài lòng với bình luận của ông Zelenskyy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Theo Bộ này, họ đã nói với phái viên Ukraine rằng “việc gây áp lực lên Ba Lan trên các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên các tòa án quốc tế không phải là phương pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp giữa các nước chúng ta”.

Một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước đó là cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa ông Zelenskyy và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda - người cũng tham dự cuộc họp Đại hội đồng - đã không thành hiện thực.

Ông Duda càng khiến Kyiv tức giận hơn khi ông mô tả Ukraine là “kẻ chết đuối”. Ông nói với các phóng viên bên lề cuộc họp: “Một kẻ chết đuối có sức mạnh to lớn đến từ sự sợ hãi và adrenaline, kẻ này có thể khiến người cứu hộ chết đuối theo”.

Ông nói thêm: “Nó hơi giống với tình hình giữa Ba Lan và Ukraine. Ukraine, dưới các đợt tấn công của Nga, đang ở trong một thế khó và đang phải nắm lấy mọi thứ”. “Chúng tôi phải quan tâm đến lợi ích của chính mình và sẽ làm điều đó một cách hiệu quả và kiên định”.

Bộ Ngoại giao Ukraine sau đó đã lên tiếng chỉ trích cụm từ "kẻ chết đuối" của ông Duda, cho rằng chúng "không thích hợp".

Moscow nói lỗi cũng đến từ ‘người cứu hộ’

Các nhà quan sát Nga đang theo dõi chặt chẽ căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan - một thành viên NATO.

Ông Slutsky - cũng là nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do của Nga - viết trên Telegram: “Khi sự sụp đổ của kế hoạch chống Nga [của phương Tây] ngày càng trở nên rõ ràng, thì Kyiv đang bắt đầu mất đi các đồng minh”.

Ông nói thêm: “Tổng thống Duda đã từ chối gặp ông Zelenskyy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và đã so sánh Ukraine với một ‘kẻ chết đuối’ - người sẽ kéo những người khác vào vòng nước xoáy”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đồng tình với nhận xét của ông Duda nhưng cho biết nhận xét đó vẫn còn thiếu “một chi tiết nhỏ”.

Bà Zakharova nói: “Chính Warsaw - và những bên khác, những bên ủng hộ việc thay đổi chế độ tại quốc gia đó [Ukraine] - đã giúp ném Ukraine xuống nước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga có thể đang ám chỉ đến “Cuộc cách mạng Maidan” năm 2014 tại Ukraine, một phong trào được Mỹ và các đồng minh châu Âu hậu thuẫn.

Sự kiện đó đã dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người được biết đến là có quan hệ tốt với Nga. Ông Yanukovych nhanh chóng bị thay thế bởi ông Petro Poroshenko, người đã đưa Kyiv đi theo con đường thân phương Tây hơn.

Moscow coi việc chuyển giao quyền lực đột ngột tại Ukraine là một “cuộc đảo chính” do phương Tây hậu thuẫn và là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

“Với những ‘người cứu hộ’ như thế này”, bà Zakharova nói, “thì kẻ chết đuối không có cơ hội [được cứu sống]”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Moscow nói Kyiv đang 'mất đi các đồng minh' trong bối cảnh quan hệ Ba Lan - Ukraine căng thẳng