Mỹ - Nhật - Hàn thắt chặt quan hệ đối tác trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có bài phát biểu tại cuộc mít tinh ở Seoul hôm 15/8 để kỷ niệm 78 năm Ngày Giải phóng Bán đảo Triều Tiên khỏi ách đô hộ của Nhật Bản trong Thế chiến II. Không giống như bài phát biểu hồi năm ngoái, ông không đề cập đến những tranh chấp lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Thay vào đó, ông định vị Nhật Bản là đối tác của các quốc gia tự do và dân chủ.

Ông Yoon cũng đề cập đến Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác ba bên giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù ông không chủ trương thống nhất hai miền Triều Tiên nhưng ông cũng nhiều lần lên án Bình Nhưỡng.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm ký kết hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên và kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Ông Yoon khẳng định mối quan hệ Mỹ - Hàn là một liên minh hòa bình dựa trên lý tưởng chung về tự do và dân chủ, đồng thời mở rộng sang cả Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ông Yoon cũng khuyến khích hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như các nỗ lực ba bên nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc đã hội đàm tại Trại David gần thủ đô Washington (Mỹ), đánh dấu một cột mốc mới trong liên minh địa chính trị giữa ba nước.

Triều Tiên phóng hai tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm sáng 12/3/2023. (Ảnh: sentdefender/Twitter)

Triều Tiên tăng tốc phát triển vũ khí tối tân

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 14/8 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát nhiều nhà máy quân sự khác nhau đang phát triển "tên lửa chiến thuật" và bệ phóng tên lửa di động trong suốt hai ngày bắt đầu từ ngày 12/8.

Ông Kim đã công bố mục tiêu nâng cao năng lực của các tên lửa đạn đạo hiện có và trang bị cho họ lực lượng vũ trang của riêng họ. Đây là lần thứ hai Triều Tiên đưa tin về việc ông Kim đi thị sát các cơ sở quân sự trong năm nay.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự chung vào ngày 21/8. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chọn thời điểm này để phô trương sức mạnh quân sự của chế độ này. Theo United Daily News của Đài Loan, Triều Tiên có thể đang phát đi tín hiệu về ý định xuất khẩu vũ khí sang Nga.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã tăng tốc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí tối tân. Chế độ này đã nhiều lần thử nghiệm các bệ phóng tên lửa cỡ nòng lớn, tên lửa hành trình tiên tiến và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Vào tháng 7, ông Kim đã kêu gọi sản xuất hàng loạt động cơ vũ khí chiến lược tiên tiến để cách mạng hóa việc phát triển vũ khí chiến lược mới.

 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu trong Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 ở Kubinka, ngoại ô Moscow, Nga, ngày 15/8/2023. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP qua Getty Images)
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu trong Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 ở Kubinka, ngoại ô Moscow, Nga, ngày 15/8/2023. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP qua Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bất ngờ thăm Nga

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đại tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11). Đây là chuyến đi thứ hai của ông đến Nga trong năm nay.

Trong khuôn khổ hội nghị, Tướng Lý Thượng Phúc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu. Có thông tin cho rằng, tại hội nghị, Tướng Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đã bước vào kỷ nguyên mới và tiếp tục phát triển bền vững, trong khi Tướng Shoigu tuyên bố rằng mối quan hệ Nga - Trung không chỉ dừng lại ở cấp độ đồng minh, mà thậm chí còn vượt xa mức độ quan hệ chiến lược trên mọi phương diện.

Hai Bộ trưởng quốc phòng đã thiết lập một thỏa thuận ngầm về vấn đề Đài Loan. Cả hai đều cho rằng phương Tây đang gia tăng căng thẳng về vấn đề Đài Loan.

Sau khi thăm Nga, ngày 16/8, Tướng Lý Thượng Phúc đã đến thăm Belarus và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, Tướng Viktor Khrenin, đồng thời hai nước đang tìm cách mở rộng hợp tác quân sự. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã gặp tướng Lý Thượng Phúc và công bố kế hoạch tập trận chung song phương vào năm tới.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục tăng cường liên minh với Triều Tiên.

Hôm 27/7, Triều Tiên kỷ niệm “Ngày Chiến thắng” với sự tham dự của cả Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Lý Hồng Trung (Li Hongzhong) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Shoigu, thể hiện một liên minh 3 bên nhằm đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.

Theo phân tích của tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hong Kong, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga sẽ trở nên đoàn kết hơn nhằm phản đối chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Biden gọi lãnh đạo ĐCSTQ là 'Những kẻ xấu xa'

Tại một buổi gây quỹ chính trị ở Utah (tiểu bang miền tây của Hoa Kỳ) hôm 10/8, Tổng thống Biden đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là “quả bom hẹn giờ”, đồng thời gọi giới lãnh đạo ĐCSTQ là “những kẻ xấu xa”, nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang gặp “rắc rối” vì tăng trưởng kinh tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục.

“Họ có vài vấn đề. Điều đó không tốt bởi vì khi những người xấu gặp vấn đề, họ sẽ làm những điều tồi tệ”, Tổng thống Biden nói, theo một phóng viên.

"Trung Quốc là một quả bom hẹn giờ", ông tuyên bố.

Nhận xét này đã dấy lên sự phản đối từ chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh Washington nối lại quan hệ với Bắc Kinh.

Hôm 11/8, hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã cáo buộc các nhà lập pháp Hoa Kỳ và truyền thông phương Tây lợi dụng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc để "nói xấu" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 17/8 cho biết 11 tàu (6 tàu Trung Quốc và 5 tàu Nga) đã di chuyển về phía bắc từ Thái Bình Dương tới Biển Hoa Đông, băng qua giữa đảo Okinawa của Nhật Bản và Komiyajima.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tàu chiến của cả hai nước cùng đi qua hai hòn đảo của Nhật Bản. Tokyo coi đây là một mối đe dọa và rủi ro an ninh, do đó sẽ tiếp tục duy trì hoạt động giám sát xung quanh vùng biển của mình.

Hôm 15/8, tờ New York Times đã đăng một bài xã luận trong đó tuyên bố rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng trở nên đàn áp và hung hãn khi quyền lực của họ ngày càng gia tăng. Bài viết ám chỉ tham vọng của hai nhà lãnh đạo trong việc vẽ lại bản đồ Á - Âu, có thể là Ukraine hoặc Đài Loan. Ấn bản này lập luận rằng ngoại giao khó có thể thay đổi suy nghĩ của hai nhà lãnh đạo Trung - Nga.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Nhật - Hàn thắt chặt quan hệ đối tác trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động