Nga bổ sung 235 nhà báo và chính trị gia Úc vào danh sách cấm nhập cảnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Nga hôm 18/4 đã mở rộng danh sách cấm các công dân Úc nhập cảnh vào nước này, nâng tổng số cá nhân bị trừng phạt lên 235 người. Đáng chú ý, danh sách này bao gồm cả cựu Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, cùng nhiều chính trị gia khác.

Đây được xem là động thái đáp trả việc Úc áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng rẽ đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Úc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt từ năm 2014 sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, sau đó được gia hạn vào đầu năm 2022 sau cuộc xâm lược Ukraine và tiếp tục gia hạn vào năm 2023 khi tình hình leo thang.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng kể từ cuộc xâm lược vào năm 2022, đã có hơn 444.000 quân nhân Ukraine thiệt mạng và bị thương.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc tính đến tháng 2/2024, hơn 28.000 thường dân và 5.962 nhân viên cứu trợ và tình nguyện viên nước ngoài đã thiệt mạng do các lực lượng Nga gây ra.

Trước đó, vào năm 2022, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Úc, Chính phủ Nga đã công bố danh sách cấm nhập cảnh đối với 41 nhà báo, nhà vận động hành lang quốc phòng và thành viên hội đồng địa phương Úc. Danh sách này bao gồm cả lãnh đạo các nhà thầu quân sự Thales Úc, DroneShield và BAE Systems.

Các lệnh trừng phạt của Úc bao gồm hạn chế xuất nhập khẩu và cung cấp một số mặt hàng nhất định, cùng với các hạn chế đối với các hoạt động thương mại tại Úc như giao dịch bất động sản và lệnh cấm đi lại đối với những người được "chỉ định" có liên hệ với chính phủ của Tổng thống Putin. Việc buôn bán vũ khí, một số hàng xa xỉ và máy móc sử dụng trong thăm dò dầu mỏ cũng bị cấm.

Danh sách này bao gồm cả Phó Thủ hiến bang Victoria, Ben Carroll, Bộ trưởng Tài chính Tim Pallas, Lãnh đạo phe đối lập John Pesutto, Nghị sĩ Đảng Lao động Paul Mercurio, Nghị sĩ độc lập Moira Deeming và cựu Phó Thủ hiến Đảng Lao động James Merlino.

Ngoài ra, danh sách này còn bao gồm nhiều chính trị gia Nam Úc, bao gồm cựu Thủ hiến Đảng Tự do Stephen Marshall, Phó Thủ hiến Susan Close, Bộ trưởng Tài chính Stephen Mullighan, Bộ trưởng Năng lượng Tom Koutsantonis, Bộ trưởng Y tế Chris Picton, Bộ trưởng Dịch vụ Nhân sinh Natalie Cook và Lãnh đạo phe đối lập David Speirs.

Nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng lệnh trừng phạt này được cho là liên quan đến những bình luận của cựu Thủ hiến Victoria, Daniel Andrews, vào năm 2022 khi ông công khai tuyên bố sẽ hỗ trợ người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga bằng cách cung cấp nơi trú ẩn an toàn tại Victoria.

Vào tháng 2/2022, ông Andrews đã viết trên Twitter: "Hàng chục nghìn người Ukraine đang phải rời bỏ nhà cửa. Victoria sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ Liên bang để chào đón các gia đình đang tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời hoặc định cư lâu dài tại bang của chúng tôi".

Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc cấm nhập cảnh đối với các nhà báo và những nhân vật có quan điểm công khai, bao gồm cả các chính trị gia, là hệ quả của việc họ thúc đẩy "các biện pháp trừng phạt mang động cơ chính trị". Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc đây là một phần của "chiến dịch bài Nga của phương Tây".

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nga từ lâu đã có những hạn chế đối với hoạt động của các nhà báo nước ngoài trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là khi họ đưa tin về các vấn đề chính trị.

Trong những năm gần đây, Nga đã gia tăng đàn áp đối với các phương tiện truyền thông độc lập thông qua các biện pháp bị các tổ chức bảo vệ tự do báo chí lên án rộng rãi.

Các nhà phê bình cho rằng những biện pháp này nhằm mục đích bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến và hạn chế luồng thông tin đến với công chúng Nga.

Một trong những biện pháp này là yêu cầu các nhà báo nước ngoài phải có giấy phép đặc biệt từ chính phủ Nga để hoạt động tại nước này. Quá trình cấp phép này ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhiều nhà báo phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài hoặc bị từ chối thẳng thừng.

Ngoài ra, Nga cũng đã thông qua luật pháp hạn chế khả năng hoạt động của các cơ quan truyền thông nước ngoài trên lãnh thổ nước này.

Cụ thể, vào năm 2017, Nga đã thông qua luật yêu cầu các tổ chức truyền thông nước ngoài phải đăng ký là "đại lý nước ngoài" nếu họ nhận tài trợ từ nước ngoài và tham gia vào "các hoạt động chính trị" trên lãnh thổ Nga.

Năm 2022, Nga tiếp tục siết chặt kiểm soát hoạt động của các nhà báo nước ngoài bằng cách ban hành luật mới. Theo đó, các nhà báo nước ngoài làm việc cho các cơ quan truyền thông được coi là "đại lý nước ngoài" buộc phải trải qua quy trình sàng lọc đặc biệt của cơ quan an ninh Nga.

Để được cấp phép, các nhà báo nước ngoài phải cung cấp thông tin cá nhân chi tiết, bao gồm hồ sơ tài chính và thông tin về các thành viên gia đình. Quy trình này thường rất phức tạp và tốn thời gian, dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc cấp phép hoặc thậm chí bị từ chối.

Moscow cho rằng việc siết chặt các quy định đối với nhà báo nước ngoài là cần thiết để đáp trả chiến dịch "bài Nga" của phương Tây. Nga tin rằng chiến dịch này nhằm phát tán thông tin sai lệch và gây bất ổn cho nước Nga.

Theo thông báo chính thức đăng tải trên trang web của Bộ Nội vụ Nga, nước này đã ra quyết định cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với 235 công dân Úc. Lý do được đưa ra là những cá nhân này là thành viên hội đồng địa phương tại Úc và đã tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy "chương trình nghị sự bài Nga" tại nước họ.

"Do chính quyền Canberra không có ý định từ bỏ đường lối chống Nga và tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt mới, Nga sẽ tiếp tục cập nhật 'danh sách cấm nhập cảnh'".

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã áp dụng khuyến cáo du lịch đối với công dân Úc đến Nga từ năm 2022.

Khuyến cáo nêu rõ: "Chính quyền Nga đã đưa ra các tuyên bố mang tính chỉ trích và thù địch nhắm vào các nước phương Tây”.

"Chính quyền địa phương có thể thể hiện thái độ thù địch hơn đối với người nước ngoài trên lãnh thổ Nga và có khả năng áp dụng luật pháp địa phương một cách tùy tiện”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga bổ sung 235 nhà báo và chính trị gia Úc vào danh sách cấm nhập cảnh