Nhà Trắng tuyên bố cuộc chiến Nga - Ukraine không rơi vào 'bế tắc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới lãnh đạo Mỹ tin rằng Ukraine và Nga chưa rơi vào thế bế tắc trong cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu, và các quan chức Ukraine đang thay đổi cách tiếp cận với thực tế mới trên thực địa.

Phát biểu trước báo giới hôm 22/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay, chính quyền ông Biden không coi cuộc xung đột hiện tại rơi vào thế bế tắc, đồng thời nói thêm rằng các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến quân ở miền đông và miền nam Ukraine.

Ông Sullivan cho hay: "Không, chúng tôi không tin rằng cuộc xung đột đã đi vào bế tắc. Như tôi đã tuyên bố trước đây, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực chiếm lãnh thổ như một phần của cuộc phản công này và chúng ta đang thấy họ [Ukraine] chiếm lãnh thổ một cách có phương pháp và có hệ thống”.

"Người Ukraine đang hoạt động theo chiến thuật và thời gian biểu của họ, đạt được tiến bộ phù hợp với các quyết định chiến lược và hoạt động của chỉ huy và lãnh đạo của họ, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ”.

Trận địa mìn của Nga gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine

Chính quyền ông Biden đã phải đối mặt với ngày càng nhiều câu hỏi về việc tiếp tục viện trợ cho cuộc phản công của Ukraine, vốn đã bị đình trệ phần lớn do các bãi mìn dài hàng trăm km của Nga và không có khả năng đạt được ưu thế trên không đối với vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine.

Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington hôm 1/7, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, cuộc phản công của Ukraine đang "tiến triển đều đặn, [các binh lính Ukraine] thận trọng vượt qua các bãi mìn rất khó khăn... 500 mét một ngày, 1.000 mét một ngày, 2.000 mét một ngày, đại loại thế”.

Do đó, Đại tướng Lục quân Mỹ cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine đang diễn ra chậm hơn dự kiến, nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

"Lý thuyết và thực tế là hai câu chuyện khác nhau. Chiến dịch phản công của Ukraine sẽ kéo dài 6, 8, hoặc 10 tuần. Sẽ rất khó khăn, rất lâu dài và rất khốc liệt. Mọi người không nên ảo tưởng về điều đó, cần nhớ rằng Kyiv phải đối đầu với một đối thủ rất mạnh", ông Milley nói.

Tướng Milley nói thêm rằng phần lớn nguyên nhân khiến cuộc phản công của Ukraine chậm lại là do Nga tạo ra các bãi mìn trên khắp miền đông Ukraine, tiếp tục sát hại các binh lính Ukraine và phá hủy các phương tiện chiến đấu.

Tướng Milley nói về các công sự của Nga: “Họ có rất nhiều thời gian để chuẩn bị”.

Khi được hỏi thẳng thừng liệu cuộc phản công có thất bại hay không, ông Milley trả lời: “Còn lâu mới thất bại. Còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy".

Phát biểu trước báo giới hôm 18/7, ông nói thêm: “Cuộc phản công này còn kéo dài. Sẽ rất khó khăn. Sẽ rất đẫm máu".

Thế bế tắc rõ ràng đã dẫn đến những cuộc không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa ngày càng gia tăng, trong đó cả hai bên chuyển sang tấn công các mục tiêu phi quân sự, dẫn đến việc Moscow và Kyiv cáo buộc lẫn nhau là khủng bố.

Về phía chính quyền ông Biden, ông Sullivan cho rằng mức độ đáp trả của Nga đã trở nên rõ ràng khi Mỹ và các đối tác thảo luận với Ukraine về khả năng phản công.

Theo ông, các lực lượng vũ trang Ukraine đang phản ứng kịp thời trước mọi rào cản không lường trước được.

“Các đối tác trong liên minh, bao gồm cả Hoa Kỳ, những nước đang tham khảo ý kiến ​​​​của quân đội Ukraine và thúc đẩy cuộc phản công, chắc chắn đã tính đến các hệ thống phòng thủ nhiều lớp mà người Nga đã xây dựng, bao gồm cả thực tế là sẽ có các bãi mìn trong các vành đai phòng thủ đó và các bãi mìn đó, đồng thời người Nga có thể bổ sung chúng sung sau cục diện bế tắc”, ông Sullivan nói.

"Người Ukraine đã điều chỉnh chiến lược của riêng họ để đối phó với các bãi mìn này dựa trên kinh nghiệm thực chiến, vốn luôn khác biệt so với kế hoạch tác chiến và họ đã điều chỉnh cho phù hợp”.

Đan Mạch, Hà Lan chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine

Vấn đề ưu thế trên không sẽ sớm được giải quyết, mặc dù có lẽ không kịp cho cuộc phản công năm nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hồi đầu tuần tuyên bố rằng lãnh đạo Hà Lan và Đan Mạch đã đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, mang lại tia hy vọng sống còn cho quốc gia đang bị bao vây này.

Ukraine vẫn luôn mong đợi phương Tây gửi máy bay phản lực hiện đại trong nhiều tháng, nhưng nỗ lực này vấp phải sự ngăn cản của Mỹ. Washington lo ngại rằng Kyiv sẽ sử dụng máy bay này để tấn công lãnh thổ Moscow, từ đó khiến cuộc chiến ở châu Âu leo thang hơn nữa.

Ông Zelenskyy cho biết trong một tuyên bố với các lực lượng Ukraine: "[F-16 chắc chắn sẽ mang lại năng lượng, sự tự tin và động lực mới cho các binh lính và dân thường. Tôi chắc chắn rằng nó sẽ mang lại những kết quả mới cho Ukraine và toàn bộ [châu Âu]”.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã gặp Zelenskyy và đi thị sát một căn cứ không quân của Hà Lan. Tại đây, ông Rutte tuyên bố rằng máy bay có thể đi vào hoạt động trước mùa đông.

Ông Rutte nói thêm: "Những chiếc F-16 sẽ không giúp ích gì cho nỗ lực chiến tranh lúc này. Dù sao thì đó cũng là một cam kết lâu dài từ Hà Lan”.

"Chúng tôi muốn chúng đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Không phải trong tháng tới - điều đó là không thể - mà có lẽ là ngay sau đó”.

Không quân Hà Lan hiện sở hữu tổng cộng 42 chiếc F-16. Giống như Đan Mạch, nước này có quyền cho đi hầu hết hoặc toàn bộ số máy bay kể trên vì nước này đang chuyển đổi sang máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thế hệ thứ năm tiên tiến hơn. Số máy bay kể trên sẽ được chuyển đến Ukraine hoặc được giữ lại cho mục đích huấn luyện.

Hà Lan không nói rõ sẽ gửi bao nhiêu chiếc cho Ukraine, nhưng Tổng thống Ukraine Vladimir Zelenskyy tuyên bố rằng ông đã nhận được cam kết từ Hà Lan và Đan Mạch cung cấp tổng cộng 61 chiếc F-16 khi ông thăm hai quốc gia này vào ngày 20/8.

"Ông Mark Rutte và tôi đã đồng ý về số lượng F-16 sẽ được cung cấp cho Ukraine sau khi huấn luyện các phi công và kỹ sư của chúng tôi. 42 chiếc và đây mới là khởi đầu", Tổng thống Zelensky viết trên Telegram sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, theo trang The Kyiv Independent.

Cũng theo hãng tin này, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cam kết cung cấp 19 chiếc F-16 cho Ukraine, trong đó có 6 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay. Bà Frederiksen cho hay Ukraine sẽ nhận thêm 8 chiếc F-16 vào năm 2024 và 5 chiếc còn lại vào năm 2025

Bà Frederiksen nói với ông Zelenskyy tại một cuộc họp báo ở Đan Mạch: “Chúng tôi biết rằng tự do của các bạn là tự do của chúng tôi. Chúng tôi cũng biết rằng các bạn cần nhiều [vũ khí] hơn”.

Về vai trò của Nhà Trắng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông Sullivan nói rằng Hoa Kỳ sẽ không ngừng nỗ lực trong việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho quốc gia Đông Âu này.

Ông Sullivan nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục. Để tìm ra những công cụ nào cần thiết giúp Ukraine đạt được tiến bộ? Làm cách nào để chúng tôi cung cấp những công cụ đó càng sớm càng tốt? Làm cách nào để chúng tôi cung cấp chương trình huấn luyện cần thiết để họ có mọi thứ họ cần? Đó là điều chúng tôi sẽ tiếp tục làm”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng tuyên bố cuộc chiến Nga - Ukraine không rơi vào 'bế tắc'