Nhật Bản nhận vô số cuộc gọi ác ý từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương vào ngày 24/8, nước này đã phải đối mặt với vô số cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc. Sự việc khiến các công ty viễn thông ở Nhật Bản phải thiết lập các đường dây nóng khẩn cấp chuyên dụng.

Các cuộc gọi kiểu này đã làm nhiều người dân Nhật Bản cảm thấy bối rối và thất vọng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản nhưng hoạt động ở Trung Quốc lại phải đối mặt với làn sóng tẩy chay gay gắt.

Những cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào nhiều lĩnh vực khách nhau ở Nhật Bản, từ các cơ quan chính phủ đến các tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, nhà hàng và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Người dân Nhật Bản bình thường - những người không liên quan trực tiếp đến vấn đề xả nước thải - là những người cảm thấy căng thẳng nhất.

Tính đến ngày 29/8, chỉ riêng các cơ quan thực thi pháp luật Nhật Bản đã nhận được hơn 4.000 cuộc gọi không mong muốn từ Trung Quốc. Chủ yếu dùng tiếng Quan Thoại, những cuộc gọi này thường là những lời chỉ trích, phản đối và thậm chí xúc phạm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây do The Epoch Times thực hiện, một người đàn ông 23 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) thừa nhận đã thực hiện một cuộc gọi như vậy đến một nhà hàng mỳ tại Nhật Bản. Khi được hỏi về động cơ, anh thẳng thừng nói rằng nhà hàng đã sử dụng nước thải hạt nhân đã qua xử lý để nấu mì. Khi được hỏi làm cách nào để có được số điện thoại của nhà hàng, anh trả lời ngắn gọn: "Đó không phải việc của bạn". Về hiệu quả của chiến thuật quấy rối này, người đàn ông - người tự nhận mình là "thành viên nhàn rỗi của xã hội" - nói rằng: “Nó hiệu quả vì nó đáp ứng được nhu cầu về cảm xúc và tâm lý của tôi”.

Nhật Bản nhận vô số cuộc gọi ác ý từ Trung Quốc
Các bể chứa nước bị ô nhiễm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. (Ảnh: PHILIP FONG/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc coi tâm lý chống Nhật Bản là ‘van điều áp’

Theo Giáo sư Ako Tomoko của Đại học Tokyo, các cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc có thể là do nhiều yếu tố. Bà cho hay, những người Trung Quốc này đã phải chịu sự tuyên truyền giáo dục chống Nhật kéo dài, đồng thời bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Bà nói thêm: “Những cuộc gọi như vậy cũng đến từ những người trẻ tuổi đang tìm kiếm sự chú ý cho bản thân, vì việc chế giễu Nhật Bản sẽ thu hút sự chú ý ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, bà Tomoko nhấn mạnh rằng đằng sau những hành động này là việc người dân ngày càng mất lòng tin đối với Bắc Kinh. “Với tình trạng thất nghiệp và bất ổn kinh tế gia tăng, mức độ bất mãn ở Trung Quốc đang leo thang. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng tâm lý chống Nhật Bản như một van điều áp để chuyển hướng căng thẳng nội bộ”.

Bà Tomoko khẳng định nếu những hành động này trở nên quá nhiệt tình, làn sóng chỉ trích của công chúng có thể quay lại chống chính chế độ Trung Quốc. Bà nói: “ĐCSTQ cảnh giác với sức mạnh tập thể và có khả năng sẽ điều chỉnh lại chiến lược này của họ trong tương lai”.

Ông Korogi Ichiro - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda và chuyên gia về Trung Quốc - đồng tình với bà Tomoko. Trong một cuộc phỏng vấn với Sankei News, ông nói: “Khi thị trường bất động sản Trung Quốc sụp đổ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người dân Trung Quốc ngày càng bất bình. ĐCSTQ đang hướng sự bất mãn về phía Nhật Bản một cách có chiến lược”.

Ông Ichiro cảnh báo rằng ĐCSTQ đang ‘đi trên dây’ vì nếu quản lý yếu kém vụ việc, thì có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn. “Nền kinh tế Trung Quốc đang bấp bênh và sự bất mãn của công chúng đang sôi sục như nham thạch bên dưới bề mặt. Chúng ta đã chứng kiến những vụ việc như cuộc ‘Cách mạng Giấy trắng’ chống lại chính quyền. Nếu những nhu cầu cơ bản của người dân không thể được đảm bảo, thì làn sóng chỉ trích chính phủ có thể nổ ra bất cứ lúc nào”, ông nói.

biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo, sinh viên trường đại học biểu tình phản đối, cách mạng giấy trắng
Cuộc cách mạng Giấy trắng: sinh viên Trung Quốc giơ cao những tờ giấy trắng trong khi biểu tình phản đối chính sách zero-COVID hà khắc. (Ảnh: Epochtimes tiếng Trung)

Biện pháp của các công ty viễn thông và chính phủ Nhật Bản

Trước các cuộc gọi quấy rối ngày càng ‘gắt’ từ phía Trung Quốc, công dân Nhật Bản đã tìm đến các cơ quan thực thi pháp luật và công ty viễn thông để được hỗ trợ. Đáp lại mong mỏi của người dân, Tập đoàn Điện báo và Điện thoại Đông Nippon (NTT East) đã khánh thành “Trung tâm Xử lý Cuộc gọi Quấy rối” chuyên biệt vào ngày 29/8.

Công ty cũng đã thiết lập các đường dây nóng chuyên dụng để giải đáp thắc mắc của công chúng và đưa ra hướng dẫn về cách xác định nguồn gốc của những cuộc gọi phiền toái này. Tương tự, NTT West đã hợp tác với hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác để ra mắt “Trung tâm Từ chối Cuộc gọi Quốc tế”, qua đó cung cấp dịch vụ chặn các cuộc gọi quốc tế đến.

Chính phủ Nhật Bản coi các cuộc gọi quấy rối là điều không thể chấp nhận được và là hành vi gây rối loạn các dịch vụ công cộng. Họ đã chính thức lên tiếng phản đối thông qua các kênh ngoại giao.

Ông Takeshi Niinami - giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà điều hành Doanh nghiệp Nhật Bản - phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 29/8 rằng, những cuộc gọi ác ý này là do “các yếu tố gây căng thẳng như tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ ở Trung Quốc” thúc đẩy mà ra.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura của Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vụ việc, đặc biệt là đối với những cuộc gọi nhắm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe; ông nói đây là “vấn đề sống chết”.

Nhật Bản nhận vô số cuộc gọi ác ý từ Trung Quốc
Tấm biển ghi dòng chữ “Tạm ngưng bán tất cả các sản phẩm cá nhập khẩu từ Nhật Bản”, tại một khu vực nhiều nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/8/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Hàng hóa Nhật Bản tại Trung Quốc bị tẩy chay

Trong khi Nhật Bản phải vật lộn với các cuộc gọi quấy rối, các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc lại phải đối mặt với một loạt thách thức hoàn toàn khác. Từng nổi tiếng về chất lượng và độ an toàn, những sản phẩm gắn mác “Made in Japan” bỗng chốc trở thành điều cấm kỵ, bị tẩy chay.

Giám đốc của Nitori - chuỗi bán lẻ đồ nội thất Nhật Bản, tọa lạc ở ngoại ô Bắc Kinh - nói với Yomiuri News: “[Người Trung Quốc] ngày càng có ác cảm với các sản phẩm ‘do Nhật Bản sản xuất’”.

Phong trào “Tẩy chay Hàng hóa Nhật Bản” đang lan rộng khắp Trung Quốc đại lục, ảnh hưởng đến mọi thứ từ thực phẩm, mỹ phẩm đến nhu yếu phẩm hàng ngày. Một số nhà bán lẻ đã ngừng bán các mặt hàng này, trong khi những nhà bán lẻ khác đã ngừng mua chúng.

Một giám đốc điều hành trong ngành mỹ phẩm Nhật Bản cho hay: “Chúng tôi không chắc chắn về mức độ mà cuộc tẩy chay này sẽ lan rộng ra, nhưng tác động của nó không hề tích cực”.

Yomiuri News đưa tin rằng nhiều công ty Nhật Bản ở Trung Quốc đang bối rối trước những diễn biến gần đây và cảm thấy không chắc chắn về tương lai của các hoạt động kinh doanh của họ tại nước này.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản nhận vô số cuộc gọi ác ý từ Trung Quốc