Chuyên gia: Bằng cách phản đối Nhật Bản xả nước thải hạt nhân, Trung Quốc muốn đạt được ‘lợi thế ngoại giao'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia đến từ Đại học Hitotsubashi cho rằng điều quan trọng đối với Nhật Bản là phải giữ được niềm tin của cộng đồng quốc tế, hơn là lo lắng về sự phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia cụ thể.

Hôm 24/8, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ thủy sản của Nhật Bản sau khi Tokyo bắt đầu xả nước phóng xạ ra Thái Bình Dương.

Tokyo đã vạch kế hoạch xả nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi từ 2 năm trước và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc bật đèn xanh vào tháng trước. Việc xả thải là một bước quan trọng trong công tác cho ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi sau khi nó bị phá hủy bởi trận sóng thần kinh hoàng vào năm 2011.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố rằng việc xả thải của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, và rằng tác động phóng xạ đối với con người và môi trường sẽ là "không đáng kể".

Công ty Điện lực Tokyo, doanh nghiệp sở hữu nhà máy, cho biết nước thải đã qua xử lý đã được xả ra vùng biển cách bờ khoảng 0,6 dặm (1 km), bắt đầu vào khoảng 1 giờ chiều thứ 5 (24/8). Nhật Bản đã pha loãng 1 tấn nước đã qua xử lý hạt nhân trong khoảng 1.200 tấn nước biển, chứa trong một bể lớn, và sau đó thực hiện các phép đo cuối cùng về nồng độ triti (triti là một đồng vị phóng xạ của hydro). Kết quả cho thấy mức phát thải tối đa là 63 becquerel triti/lít, thấp hơn nhiều so với mức 10.000 becquerel triti/lít (becquerel là đơn vị đo cường độ phóng xạ) - mức tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định cho nước uống.

Một tiếng rưỡi sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ, một số quốc gia châu Á đã bình luận về vụ việc. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo nói với công chúng rằng, nếu các chuyên gia trên thế giới đồng ý rằng việc xả thải tuân theo các tiêu chuẩn khoa học và thủ tục quốc tế thì họ không cần phải lo lắng. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đây là vấn đề khoa học và Đài Bắc tôn trọng quan điểm của các chuyên gia. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng họ hiểu tính chuyên nghiệp của IAEA.

Tuy nhiên, ngành thủy sản và người tiêu dùng cá ở các nước láng giềng của Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối và quan ngại. Ở Nhật Bản cũng có người phản đối chương trình xả nước thải của chính phủ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phản đối mạnh mẽ động thái này. Các phương tiện truyền thông nhà nước gọi nước thải đã qua xử lý của Nhật Bản là “nước thải hạt nhân”. Ngoài ra, cơ quan hải quan Trung Quốc đã ra thông báo rằng họ sẽ đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản bắt đầu từ ngày 24/8.

ĐCSTQ muốn đạt được ‘lợi thế ngoại giao'

Bình luận về lập trường cứng rắn của ĐCSTQ, giáo sư Nobumasa Akiyama đến từ Đại học Hitotsubashi - chuyên gia về chính trị quốc tế và chính sách hạt nhân - nói với hãng truyền thông NHK của Nhật Bản như sau: “Bề ngoài, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ với lý do lo ngại rằng việc xả thải sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, bằng cách liên tục duy trì sự phản đối đối với việc Nhật Bản xả nước thải, họ nhắm mục đích đạt được lợi thế ngoại giao".

Ông Akiyama cho rằng điều quan trọng đối với Nhật Bản là giữ được niềm tin của cộng đồng quốc tế, hơn là lo lắng về sự phản đối mạnh mẽ từ một số quốc gia cụ thể.

“Điều này không có nghĩa là việc đối thoại là không còn cần thiết, dù độ an toàn đã được khoa học chứng minh; đúng hơn là cần phải đạt được cả an toàn khoa học và cả an sinh xã hội. Điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản không nên hài lòng với việc nhiều nước không lên tiếng phản đối, mà phải kiên nhẫn cung cấp thông tin mà các nước muốn biết từ quan điểm của họ”, ông nói.

Phản ứng của Tokyo và IAEA

Đáp lại lệnh cấm hải sản của Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên rằng, thông qua các kênh ngoại giao, ông đã yêu cầu Trung Quốc đảo ngược quyết định. Về sự an toàn của nước thải đã qua xử lý, ông sẽ kêu gọi phía Trung Quốc dựa vào bằng chứng khoa học và cho phép các chuyên gia thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này.

Tokyo cũng đã phân bổ 80 tỷ yên (khoảng 550 triệu USD) hỗ trợ ngành đánh bắt cá trong nước và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Kishida cũng cho hay, IAEA vào hôm 24/8 đã ra tuyên bố rằng nồng độ triti trong nước thải đã qua xử lý thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn. IAEA cũng sẽ phát hành dữ liệu giám sát thường xuyên trong tương lai gần, và cung cấp tất cả các loại dữ liệu cho cộng đồng quốc tế, mục đích là tăng cường tính minh bạch.

Tháng trước, IAEA đã mở văn phòng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi để liên tục theo dõi và đánh giá khách quan xem nước thải có đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hay không. Cơ quan này cũng thiết lập một cơ chế để thường xuyên truyền đạt thông tin liên quan về nước thải tới Hàn Quốc, đồng thời hoan nghênh các chuyến thăm của các chuyên gia Hàn Quốc tới văn phòng của họ tại Fukushima.

ĐCSTQ kích động tinh thần chống Nhật

Trong cuộc họp báo ngày 24/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên án mạnh mẽ Nhật Bản về vụ xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Những lời lăng mạ Nhật Bản tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc trong nhiều ngày. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) - cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, viết trên mạng xã hội Weibo như sau: "Hãy hướng hỏa lực của chúng ta vào... Nhật Bản".

Do ĐCSTQ liên tục kích động tinh thần bài Nhật và gây bất ổn xã hội, vào ngày 24/8, Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã gửi email tới các công dân Nhật Bản đang sống ở Trung Quốc, nhắc nhở họ phải cảnh giác hơn và rằng có “khả năng xảy ra những biến cố bất ngờ”.

Chỉ số triti của nước thải Trung Quốc

Một nghiên cứu cho thấy việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý sẽ không gây khó khăn gì cho Trung Quốc đại lục. Vào năm 2021, giáo sư và học giả Zhang Jianmin của Đại học Thanh Hoa, cùng với một số chuyên gia khác, đã thực hiện một nghiên cứu mô phỏng việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân; họ đã công bố kết quả trên Tạp chí Khoa học Quốc gia.

Kết quả cho thấy, do dòng hải lưu, nước đã qua xử lý hạt nhân của Nhật Bản sẽ phải mất 240 ngày mới đến được bờ biển Trung Quốc.

Chuyên gia năng lượng hạt nhân người Trung Quốc Li Jianmang, hiện sống ở Hà Lan, đã đăng một bài trên Weibo, trích dẫn một số dữ liệu khoa học, nói rằng nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng bài đăng của ông đã bị xóa trong vòng 3 giờ và tài khoản của ông bị tạm khóa.

Theo NHK, Fukushima Daiichi thải ra 22 nghìn tỷ becquerel triti hàng năm, trong khi một số nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc thải ra nhiều triti hơn Fukushima.

Đầu tháng này, ông Wang Chongde của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Đài Loan nói trong một cuộc phỏng vấn với Liberty Times rằng, dựa trên dữ liệu năm 2019, tổng lượng triti thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân trong một năm của Trung Quốc lớn gấp 7-8 lần so với của Nhật Bản.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bằng cách phản đối Nhật Bản xả nước thải hạt nhân, Trung Quốc muốn đạt được ‘lợi thế ngoại giao'