Nhật Bản trượt xuống nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, Ấn Độ dự kiến vượt Đức trong vài năm tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dữ liệu tăng trưởng kinh tế mới nhất xác nhận rằng Nhật Bản đã tụt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, phản ánh ảnh hưởng của đồng Yên yếu và tình trạng dân số già hóa của nước này.

Sau đợt suy thoái nghiêm trọng vào mùa hè, nền kinh tế Nhật Bản đã quay trở lại mức tăng trưởng hàng năm là 1,2% trong quý 4, nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm tính bằng đồng đô la gần như chắc chắn sẽ kém Đức. Đồng thời, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản trong vài năm tới.

Ông Hideo Kumano, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life, cho biết, nguyên nhân chính khiến GDP của Nhật Bản giảm là do biến động tỷ giá hối đoái.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nhật Bản đã giảm từ 6,3 nghìn tỷ USD vào năm 2012 xuống còn khoảng 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023 tính bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, điều này phần lớn là do sự mất giá của đồng yên Nhật, đã giảm từ mức dưới 80 yên đổi một đô la Mỹ vào thời điểm đó xuống còn khoảng 141 yên vào năm ngoái.

Tuy nhiên, tính theo đồng Yên Nhật, nền kinh tế Nhật Bản có thể đã tăng trưởng hơn 12% trong giai đoạn này.

Theo IMF, Ấn Độ có khả năng vượt Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027. So với Ấn Độ và Nhật Bản, Đức có những đặc điểm chung như dân số già đi, thiếu tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào xuất khẩu và công nghiệp ô tô.

Đức đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động ngày càng tăng, nhưng Nhật Bản đang đi xa hơn trong xu hướng suy giảm cơ cấu dân số. Tổng dân số Nhật Bản đã liên tục giảm từ khoảng năm 2010. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài và tỷ lệ sinh vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế dân số, dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp tục.

Ngược lại, dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài thập kỷ tới.

Nếu Ấn Độ có thể nới lỏng hơn nữa các quy định và giảm thuế để thu hút đầu tư nhiều hơn, họ sẽ có thể vượt xa Trung Quốc, đặc biệt là khi các doanh nghiệp muốn giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc.

Theo Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản trượt xuống nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, Ấn Độ dự kiến vượt Đức trong vài năm tới