Bên trong chiến lược chinh phục Đài Loan và giấc mộng 'bá chủ toàn cầu' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới quan sát nhận định rằng, Trung Quốc đã và đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân với tốc độ chưa từng có, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ và an ninh toàn cầu. Nếu Mỹ không có các hành động cứng rắn ngay từ bây giờ thì chiến lược chinh phục Đài Loan và giấc mộng 'bá chủ toàn cầu' của ĐCSTQ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Vào một ngày đẹp trời hồi tháng Mười, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình xuất hiện trong bộ quân phục tại một trung tâm chỉ huy ở miền đông Trung Quốcra lệnh cho lực lượng quân sự của ĐCSTQ duy trì vị thế sẵn sàng cho mọi cuộc chiến.

Mặc dù sự hiếu chiến như vậy đã trở thành một điều quá đỗi bình thường trong chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ, nhưng mối đe dọa lờ mờ về một cuộc xâm lược Đài Loan và một cuộc gặp rất được trông chờ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, vô hình trung đã nhấn mạnh thêm những luận điệu này của ĐCSTQ.

Thật vậy, chỉ vài ngày sau, ông Tập đã gặp ông Biden ở Indonesia. Ngay sau cuộc gặp, ông Biden tuyên bố rằng không cần thiết phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời Hoa Kỳ sẽ theo đuổi chiến lược hòa bình và ổn định với Trung Quốc trên Eo biển Đài Loan.

Chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia, ĐCSTQ cũng đưa ra một tuyên bố trích dẫn lời của ông Tập. Theo tờ Global Times, ông Tập nói rằng vấn đề "hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan" và việc duy trì "một Đài Loan độc lập" là không thể đồng thời tồn tại, giống như nước với lửa.

"Hòa bình và ổn định xuyên eo biển và Đài Loan độc lập là hai vấn đề không thể hòa giải, giống như nước và lửa".

Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Tuyên bố mới nhất của ĐCSTQ đã đe dọa trực tiếp đến cái gọi là lực lượng “ly khai” ở Đài Loan. Theo đó, "lực lượng ly khai" là cụm từ mà ông Tập và ĐCSTQ dán nhãn cho Tổng thống Đài Loan và hầu như toàn bộ chính phủ được bầu cử dân chủ của hòn đảo.

Những luận điệu về chiến tranh của ĐCSTQ thời gian gần đây hoàn toàn phù hợp với tốc độ và quy mô phát triển của lực lượng quân sự nước này. Giờ đây, ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng một cuộc xâm lược của ĐCSTQ vào Đài Loan là điều không thể tránh khỏi. Và một cuộc chiến như vậy sẽ chỉ là bước đệm để Trung Quốc tiến tới thay thế Hoa Kỳ và trở thành "nhà lãnh đạo toàn cầu".

Ông James Fanell, một thành viên chính phủ tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva ở Thụy Sĩ và là cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ của Hạm đội Thái Bình Dương, giải thích rằng ĐCSTQ đang chơi một trò chơi dài hơi.

“Nhờ có sự chỉ đạo liên tục của ba nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ĐCSTQ mà Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước này được hơn 20 năm", ông Fanell nhận định.

Theo ông Fanell, lực lượng quân sự của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), có hai mục tiêu chính: chiếm Đài Loan và lật đổ Mỹ khỏi vị trí nổi bật của nước này trên trường quốc tế.

“Chương trình hiện đại hóa PLA nhằm [hiện thực hóa] chiến lược đầy tham vọng của ĐCSTQ: thay thế Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cuối cùng là nâng Trung Quốc lên vị thế là nhà lãnh đạo toàn cầu", ông Fanell nói.

“Ngày nay, nỗ lực đó đòi hỏi ĐCSTQ phải dẫn đầu trên tất cả các khía cạnh đòn bẩy của sức mạnh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, gồm cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân".

Tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (dẫn đầu), ra khơi cùng các tàu khác trong một cuộc tập trận trên biển hồi tháng 4/2018. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ưu thế toàn diện về quân sự

Phát biểu về chủ đề xây dựng quân đội thông thường hồi đầu năm, ông Dakota Wood, cựu Thủy quân lục chiến Mỹ hiện là nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại The Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói rằng quân đội Trung Quốc hiện đã lấn át quân đội Mỹ về mặt số lượng trong hầu hết mọi lĩnh vực. Ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sở hữu lợi thế ở trên bộ, trên không và trên biển trong mọi cuộc xung đột.

“Nếu xét tương quan về số lượng, điều đó rất đáng quan ngại”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/10 với đài NTD, một phương tiện truyền thông anh em của The Epoch Times.

“Hải quân Mỹ đang sở hữu dưới 300 tàu chiến. Trong số đó, 100 chiếc đang lênh đênh trên biển. Trong con số 100 này thì có khoảng 60 chiếc đang ở phía tây Thái Bình Dương. Còn riêng hải quân Trung Quốc đã sở hữu tới 360 tàu chiến. Vì vậy, nếu chỉ xét riêng về mặt số lượng thì cho dù tàu của Mỹ có tiên tiến hơn đi chăng nữa thì tỷ lệ 6 - 1 vẫn là một điểm bất lợi", ông nói.

Sự phát triển vượt bậc của hải quân Trung Quốc là kết quả của nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của các thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ, ông nhận định.

“Trọng tâm ban đầu của chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc bắt đầu từ đầu những năm 2000, chủ yếu tập trung vào vũ khí phi đối xứng như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm", ông Fanell cho hay.

Theo ông Fanell, những nỗ lực như vậy ban đầu giúp ĐCSTQ xây dựng chiến lược “chống can thiệp”. Thường được gọi là “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” ở phương Tây, chiến lược chống can thiệp được thiết kế để ngăn chặn các lực lượng Hoa Kỳ can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, chiến lược này đảm bảo không có sự can thiệp nào của phương Tây trong trường hợp ĐCSTQ xâm lược Đài Loan hoặc buộc phải giành lấy các vùng lãnh thổ được ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Ông Fanell nói thêm: “Ủy ban Quân sự Trung ương của ĐCSTQ đã ưu tiên xây dựng lực lượng hải quân trong 20 năm tới để trang bị cho PLA năng lực vượt trội nhằm chống tiếp cận và chống xâm nhập trong khu vực”.

"Chúng tôi đã chứng kiến việc ĐCSTQ sớm xây dựng lực lượng tàu ngầm của Hải quân PLA trong thời kỳ đó. Và trong thập kỷ qua, trọng tâm này đã dịch chuyển sang sản xuất hàng loạt tàu khu trục nhỏ, tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu chiến đổ bộ sàn rộng. Việc ĐCSTQ triển khai ba hàng không mẫu hạm là minh chứng cho việc kết thúc chương trình hiện đại hóa hải quân nước này".

Hai ví dụ điển hình là tàu Type 075, một tàu tấn công đổ bộ rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự trong tương lai nhằm đánh chiếm Đài Loan; và tàu Type 055, một tàu tuần dương hạng nặng hiện có khả năng phóng tên lửa hạt nhân siêu thanh nhắm vào các tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo tờ Naval News, những loại vũ khí này có thể khiến các tàu tuần dương của ĐCSTQ trở thành “tàu chiến được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới”.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 mới của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại vùng biển gần Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc vào ngày 23/4/2019. (Ảnh: Mark Schiefelbein/Pool/AFPGetty Images)

Do đó, những tàu chiến và vũ khí mới này đang giúp ĐCSTQ chuyển đổi ưu thế của hải quân nước này từ lợi thế thuần túy về số lượng sang lợi thế về chất lượng. Điều đó không chỉ ngăn Mỹ đối đầu với Trung Quốc mà còn có khả năng đánh bại lực lượng Mỹ trong cuộc chiến công nghệ cao.

Theo ông Fanell, sự tiến bộ của Trung Quốc không chỉ hạn cuộc đối với lực lượng hải quân mà còn mở rộng sang các lực lượng trên bộ và trên không.

Tuy nhiên, sự mở rộng hoạt động quân sự thông thường của ĐCSTQ không phải là khía cạnh đáng lo ngại nhất, mà nó mới chỉ là bề nổi trong tham vọng của ĐCSTQ.

Ông Fanell nói: “Trong hai năm qua, chúng tôi đã chứng kiến ​Quân ủy Trung ương Trung Quốc chuyển trọng tâm một lần nữa sang phát triển thế hệ vũ khí phi đối xứng mới như tên lửa siêu thanh và các hệ thống không người lái tấn công từ trên biển, trên không và trên bộ".

Quan trọng nhất, giới lãnh đạo ĐCSTQ được cho là tạo ra một mối đe dọa lớn nhất tính đến thời điểm này: mở rộng kho vũ khí hạt nhân, ông Fanell nói.

Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong một cuộc diễn hành quân sự ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Đột phá về vũ khí hạt nhân

ĐCSTQ đã nỗ lực không ngừng để mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trên bộ ba năng lực trên bộ, trên biển và trên không.

Việc ĐCSTQ mở rộng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ không phải là mối lo ngại duy nhất đối với Mỹ. Thật vậy, sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ vũ khí của Trung Quốc có thể gây ra một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn nhiều.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa siêu thanh (ICBM) mới của ĐCSTQ, chẳng hạn như Dongfeng-41 (DF-41), tự hào sở hữu nhiều phương tiện tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV). Các hệ thống này cho phép mỗi tên lửa được nạp nhiều đầu đạn (mỗi một tên lửa DF-41 có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân), mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ngay khi tên lửa đang ở trên quỹ đạo.

Kết quả là, mỗi một tên lửa của ĐCSTQ có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân. Như vậy, giả như ĐCSTQ đã chế tạo đủ DF-41 để lấp đầy tất cả các hầm chứa mới được xây dựng, thì kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ có thể tăng lên gấp mười bốn lần.

"Lực lượng Tên lửa PLA đã xây dựng 350 hầm chứa ICBM mới ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc trong vòng 24 tháng. Những hầm chứa bổ sung này được đánh giá là có thể được thiết kế để chứa ICBM DF-41 thế hệ mới của Trung Quốc", ông Fanell cho biết và nói thêm rằng, sự phát triển này đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc từ khoảng 250 lên hơn 3.500 đầu đạn.

Giới phân tích phương Tây không khỏi thất vọng vì không thể dám chắc chính xác số lượng vũ khí hạt nhân hoặc đầu đạn mà ĐCSTQ đang sở hữu. Bởi vì ĐCSTQ đặt tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường cùng nhau trong các hầm chứa tên lửa. Điều này khiến những con mắt tò mò không thể biết chính xác một hầm chứa tên lửa có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân và tên lửa thông thường.

Tình hình này khiến Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, khẳng định rằng ĐCSTQ đang tham gia vào một cuộc 'đột phá chiến lược' để có thể vượt mặt Hoa Kỳ.

Ông Charles Richard nói với Quốc hội Mỹ rằng, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang trải qua một “sự mở rộng chưa từng có”, và Bắc Kinh “đang duy trì tốc độ cần thiết để tăng gấp đôi kho hạt nhân của họ vào cuối thập kỷ này”.

“Khi đánh giá mức độ răn đe của Mỹ với Trung Quốc, có thể so sánh với việc con tàu đang chìm dần. Tốc độ chìm rất chậm, nhưng vẫn đang chìm, và về cơ bản Bắc Kinh đang phát triển năng lực nhanh hơn Washington", ông Richard nói.

Vị chỉ huy này gọi sự phát triển của chương trình vũ khí hạt nhân Trung Quốc là “vấn đề trong ngắn hạn”.

Ông Richard tiếp tục, "Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cho dù kế hoạch chiến đấu của chúng ta tốt đến đâu, chỉ huy của chúng ta giỏi đến mức nào và quân đội của chúng ta thiện chiến ra sao thì vẫn là không đủ. Đây là vấn đề trong ngắn hạn".

Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5B tham gia cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, hôm 1/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Có thể nói rằng đánh giá này khá "nghiệt ngã", nhưng ông Fanell rốt cuộc vẫn phải thừa nhận. Hơn nữa, ông Fanell cảnh báo rằng, một vụ nổ hạt nhân như vậy có thể báo trước một sự thay đổi trong học thuyết quân sự của ĐCSTQ liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột.

ĐCSTQ chính thức duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nghĩa là họ cam kết sẽ không khơi mào xung đột hạt nhân và không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân.

“Cho đến nay, sự thay đổi này là hoạt động hiện đại hóa quân sự gây bất ổn nhất của Trung Quốc, một sự thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tự do của Đài Loan, sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và thậm chí làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu trong ngắn hạn và dài hạn".

Vì mục đích đó, ĐCSTQ đã kiên quyết từ chối tham gia các cuộc đàm phán về không phổ biến vũ khí hạt nhân và theo học thuyết quân sự của Hoa Kỳ, ĐCSTQ đang tích cực mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của chính mình để đe dọa Hoa Kỳ.

Tương tự như vậy, ĐCSTQ tạo ra một thế giới đa cực mà trọng tâm xoay quanh chính nó với mục tiêu cuối cùng được cho là thay thế Hoa Kỳ. Do đó, trong khi Hoa Kỳ tìm kiếm các giải pháp để đối phó các tình thế khó khăn về mặt ngoại giao và quân sự nhằm duy trì hiện trạng, thì ĐCSTQ không có ý định làm bất cứ điều gì tương tự. Mục tiêu của Bắc Kinh là phá hủy hiện trạng chứ không phải bảo tồn nó.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã đề cập đến chủ đề này trong một cuộc trò chuyện ngày 29/09 tại tổ chức tư vấn Center for American Progress của Mỹ.

"Một trong những thay đổi quan trọng nhất là sự đột phá về năng lực hạt nhân của Trung Quốc", ông Kendall nói.

Ông nói thêm: “Quốc gia duy nhất có năng lực, nguồn lực và ý định chiến lược để thực sự đe dọa nước Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới … là Trung Quốc”.

Theo ông Kendall, bằng cách làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc huy động các nguồn lực quốc gia trên quy mô toàn cầu, ĐCSTQ đang đặt cơ sở cho việc gia tăng gây hấn với Đài Loan, và trên phạm vi rộng hơn là ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

'Cuộc xâm lược đang cận kề'

ĐCSTQ dự định sử dụng vũ lực áp đảo trong tương lai gần và mục tiêu đầu tiên của họ chính là Đài Loan.

ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc cần phải được thống nhất với đại lục, không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này. Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã nhiều lần công khai đe dọa về vấn đề này.

Mặt khác, Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Kể từ năm 1949, quốc đảo này đã được tự trị, và tự hào có một chính phủ dân chủ thịnh vượng và nền kinh tế thị trường sôi động.

Trong khi đó, Mỹ thừa nhận về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc nhưng không ủng hộ các yêu sách của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Đồng thời, Washington vẫn duy trì các mối quan hệ kinh tế và pháp lý với Đài Bắc và đảm bảo cung cấp cho hòn đảo này các vũ khí cần thiết để phòng thủ.

Phần lớn mối quan tâm của các nhà phân tích và chiến lược gia phương Tây tập trung vào giải pháp để Hoa Kỳ và các đồng minh của mình có thể ngăn chặn một PLA ngày càng mở rộng và tiến tới "nuốt chửng" Đài Loan.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, không có cách nào ngăn một cuộc xâm lược như vậy và giải pháp duy nhất là chiến đấu.

Chuẩn tướng Robert Spalding của Không quân Mỹ dự đoán rằng căng thẳng giữa ĐCSTQ, Đài Loan và Hoa Kỳ rồi sẽ dẫn đến một cuộc xung đột và đã quá muộn để ngăn chặn khả năng này.

Mọi chuyện sẽ được giải quyết vào thời điểm Trung Quốc sẵn sàng. Không có cách nào có thể ngăn chặn việc này, ông Spalding nhận định.

Do đó, ông Spalding tuyên bố rằng chiến lược quân sự và đối ngoại của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ rõ ràng là nhằm ngăn cản Mỹ bảo vệ Đài Loan. Bất kể kết quả ra sao, một trận chiến như vậy sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu và có thể là chiến tranh hạt nhân, ông Spalding nhận định.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn quyết tâm sử dụng vũ lực để phá hủy lối sống dân chủ của Đài Loan, theo ông Spalding. Ban lãnh đạo ĐCSTQ đủ thông minh để hiểu rằng, người dân của một Đài Loan tự do sẽ không bao giờ tự nguyện nằm dưới ách thống trị của ĐCSTQ.

Ông cảnh báo: “Khi xâm lược Đài Loan, họ sẽ không từ bỏ sức mạnh quân sự của mình. ĐCSTQ tin rằng đó là cách duy nhất để thống nhất đất nước".

Và ĐCSTQ có thể đã đúng về phương diện này, theo ông Spalding. Đài Loan có nền dân chủ thịnh vượng nhất châu Á, với nền kinh tế thị trường đẳng cấp thế giới và người dân của hòn đảo được hưởng các quyền tự do dân sự và chính trị rộng rãi.

“Không đời nào ĐCSTQ thuyết phục người dân Đài Loan thống nhất với Trung Quốc một cách hòa bình sau những gì họ đã làm với Hong Kong”, ông nói thêm, ám chỉ đến sự đàn áp tàn bạo của Bắc Kinh đối với trung tâm tài chính châu Á.

Ông nói tiếp: “Không đời nào người dân Đài Loan chọn khuất phục dưới ách thống trị của ĐCSTQ. Mọi người đều rất ngạc nhiên. Câu hỏi duy nhất là "Khi nào cuộc xâm lược đó sẽ xảy ra?".

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Mỹ phải thừa nhận một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra

Ông Fanell cho rằng việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh như vậy vẫn khả thi, mặc dù điều đó sẽ cần có sự can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ của Mỹ.

Ông Fanell nói thêm: “Để giải quyết mối nguy hiểm này, trước tiên Hoa Kỳ phải thừa nhận rằng mối đe dọa này đang hiện hữu và nó phải chi phối chương trình nghị sự của 'toàn bộ chính phủ Mỹ' bất kể đảng nào đang cầm quyền".

"Trong lĩnh vực quân sự, Hoa Kỳ phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia của mình, dịch chuyển từ chiến lược hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc sang chiến lược chống lại ĐCSTQ. Mỹ đang trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ".

Để đạt được mục tiêu đó, ông Fanell thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua dự luật mở rộng quy mô của hải quân Mỹ lên ít nhất 355 tàu chiến, tương tự như mức tăng khổng lồ vào năm 1940. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã mở rộng sức mạnh hàng hải của mình để đánh bại Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II.

Tương tự như vậy, ông nói rằng, Hoa Kỳ sẽ cần trang bị những vũ khí có khả năng đánh chìm các hạm đội của PLA cho Đài Loan, Nhật Bản và các đồng minh khác của họ. Trong khi Quốc hội Mỹ trước đây đã phê duyệt nhiều thương vụ như vậy, ông nhận thấy rằng các thủ tục hành chính quan liêu cùng những hạn chế đang trì hoãn dòng vũ khí chảy về Đài Loan.

Ông Fanell nói thêm: “Bộ máy hành chính quan liêu phải được dỡ bỏ và vũ khí phải bắt đầu luân chuyển ngay trong năm nay”.

Cuối cùng, ĐCSTQ đã gây chiến với Mỹ, mặc dù đây là một cuộc Chiến tranh Lạnh, ông nhận định. Và nếu Mỹ không thừa nhận sự tồn tại của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thì nước này sẽ có rất ít cơ hội thắng trận hoặc tránh được một cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu.

Theo ông Fanell, chỉ thông qua sự phát triển và hiện đại hóa của chính mình, Hoa Kỳ mới có thể hy vọng duy trì vị trí lãnh đạo của thế giới tự do.

Ông Fanell nói thêm: “Cuối cùng, Hoa Kỳ phải phát triển cả lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân, cũng như một tổ chức chỉ huy và kiểm soát kết hợp đối với cả hai lực lượng này”.

Nỗ lực này là điều thiết yếu để buộc giới lãnh đạo ĐCSTQ cân nhắc về một cuộc xâm lược Đài Loan, cũng như những dự định bành trướng quân sự tương tự, ông Fanell kết luận.

Huyền Anh biên dịch

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bên trong chiến lược chinh phục Đài Loan và giấc mộng 'bá chủ toàn cầu' của Trung Quốc