Chủ tịch Hạ viện Séc tới Đài Loan bất chấp áp lực từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp áp lực từ Trung Quốc, hôm 25/3, Cộng hòa Séc đã cử một phái đoàn gồm 150 thành viên đến Đài Loan nhằm tăng cường quan hệ song phương và thể hiện sự ủng hộ đối với hệ thống dân chủ của Đài Loan.

Đây là phái đoàn lớn nhất từ ​​​​trước đến nay của Cộng hòa Séc tới hòn đảo tự trị. Chuyến công du kéo dài 5 ngày (từ 25/3 đến 30/03) gồm 150 người, trong đó có đại diện của khoảng 100 công ty, đại diện giới khoa học, luật gia. Chủ tịch Hạ viện Séc Marketa Pekarova Adamova, dẫn đầu phái đoàn, khẳng định Đài Loan là “đối tác thân thiết” của quốc gia Châu Âu.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 27/3, Chủ tịch Hạ viện Séc cho biết hai bên sẽ cùng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc giống nhau, “trong đó, điều cốt yếu nhất là tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời đảm bảo rằng hai nước chung tay để chống lại các áp lực từ bên ngoài”.

Bà Adamova tái khẳng định lập trường của chính phủ Séc rằng duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là lợi ích của tất cả các nền dân chủ trong cộng đồng quốc tế, cũng như an ninh toàn cầu, theo văn phòng của bà Thái Anh Văn.

Chủ tịch Hạ viện Séc cũng lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Bà Thái Anh Văn đã hoan nghênh chuyến thăm Đài Loan của phái đoàn Séc "dưới áp lực mạnh mẽ" của Bắc Kinh. Bà tin tưởng hai bên có thể trở thành đối tác vững chắc trong việc duy trì dân chủ và tự do đồng thời mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, an ninh khu vực.

“Đài Loan và Cộng Hòa Séc đều đã trải qua chế độ độc tài và hiểu sâu sắc rằng dân chủ không đến một cách dễ dàng, vì vậy chúng ta cần trở thành đối tác vững chắc của nhau trên con đường bảo vệ dân chủ và tự do”, bà Thái Anh Văn cho biết trong buổi tiếp đón lãnh đạo Hạ Viện Séc.

Cộng hòa Séc không có quan hệ chính thức với Đài Loan. Hầu hết các quốc gia đều né tránh các tương tác công khai cấp cao với Đài Loan để tránh làm phật ý Trung Quốc.

Hồi tháng 1/2023, Tổng thống mới đắc cử của Séc Petr Pavel bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt sau khi ông nhận cuộc điện đàm từ bà Thái Anh Văn. Quyết định siết chặt quan hệ với Đài Loan của Tổng thống Cộng Hòa Séc là một khác biệt rõ rệt so với nỗ lực thu hút đầu tư từ các công ty Trung Quốc của người tiền nhiệm.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández tại Phủ Tổng thống vào ngày 13/11/2021. (Ảnh Phủ Tổng thống cung cấp)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández tại Phủ Tổng thống vào ngày 13/11/2021. (Ảnh Phủ Tổng thống Đài Loan cung cấp)

Honduras cắt đứt quan hệ với Đài Loan

Chuyến thăm của phái đoàn Séc tới Đài Loan diễn ra ngay sau khi Honduras quyết định cắt đứt quan hệ với quốc đảo này để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Bà Thái dự kiến sẽ khởi hành chuyến thăm quan trọng tới Hoa Kỳ, Guatemala và Belize vào ngày 29/3. Vào cuối hành trình, bà dự kiến ​​gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại Los Angeles.

Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cho biết ông “rất nghi ngờ” về thời điểm Honduras đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Phát biểu trước báo giới, ông Ngô Chiêu Nhiếp nói rằng: “Dường như Trung Quốc đang cố ý làm điều này”, ngụ ý rằng Bắc Kinh tác động đến quyết định “xoay trục” của Honduras.

Bà Thái nói trong một tuyên bố video rằng Đài Loan sẽ không cạnh tranh với Trung Quốc trong chính sách Ngoại giao bằng đồng đô la “vô nghĩa”.

Chính sách “Ngoại giao bằng đồng đô la” là chính sách của Mỹ trong quan hệ đối ngoại, nhằm thông qua viện trợ kinh tế, tiền tệ và đầu tư để bành trướng ra bên ngoài, lôi kéo các nước vào quỹ đạo của mình

Lãnh đạo Đài Loan khẳng định: “Người dân Đài Loan đã chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng tôi không bao giờ chùn bước trước các mối đe dọa. Sự hợp tác và liên kết của Đài Loan với các đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng quốc tế sẽ chỉ tăng chứ không hề giảm".

Từ lâu Hoa Kỳ đã để mắt đến các động thái mở rộng dấu ấn ở sân sau của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách dụ dỗ các đồng minh Trung Mỹ của Đài Loan. Washington cũng nhiều lần cảnh báo các nước không nên tin vào những lời hứa viện trợ của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng bất kể quyết định của Honduras ra sao thì điều quan trọng hơn cả là các quốc gia cần để mắt đến việc ĐCSTQ “thường tung ra những ‘lời hứa có cánh’ để đổi lấy sự công nhận ngoại giao nhưng rốt cuộc đó chỉ là ‘lời hứa gió bay’”.

“Bất kể quyết định của Honduras là gì, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng sự can dự của chúng tôi với Đài Loan sao cho phù hợp với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Đài Loan hiện chỉ còn duy trì quan hệ chính thức với 13 quốc gia. Hầu hết họ đều là đều là các quốc đảo nhỏ bé ở vùng Trung và Nam Mỹ, bao gồm:

  • Vùng Mỹ Latin và Caribbe: Belize, Haiti, St Kitts & Nevis, St Vincent & the Grenadines, Guatemala, Paraguay và Saint Lucia
  • Châu Phi: Swaziland
  • Châu Âu: Tòa thánh Vatican
  • Vùng Thái Bình Dương: Nauru, Tuvalu, Quần đảo Marshall và Palau.

Phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Séc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha đã tuyên bố Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối mọi hình thức liên lạc chính thức giữa Đài Loan và các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đại sứ quán cũng khẳng định động thái này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến cam kết tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” và tổn hại quan hệ Trung Quốc - Cộng hòa Séc.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch Hạ viện Séc tới Đài Loan bất chấp áp lực từ Trung Quốc