Lãnh đạo G7 cảnh báo Trung Quốc về 'hậu quả' trước hành vi 'cưỡng ép kinh tế'

Giúp NTDVN sửa lỗi

An ninh kinh tế là trọng tâm chính trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản), trong đó các nhà lãnh đạo vạch ra các hành động để chống lại ‘sự cưỡng ép kinh tế’ và các thông lệ phi thị trường của Bắc Kinh.

Hôm 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý, đã công bố chiến lược của nhóm nhằm chống lại "sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ cưỡng bức kinh tế" của chính quyền Bắc Kinh.

Tuyên bố an ninh kinh tế của các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ: “Thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại về các vụ cưỡng ép kinh tế nhằm lợi dụng các điểm yếu và sự phụ thuộc về kinh tế, đồng thời làm suy yếu các chính sách đối ngoại và đối nội cũng như vị thế của các thành viên G7 cũng như các đối tác trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng các nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách cưỡng ép các thành viên G7 và các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả các nền kinh tế nhỏ, sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả”.

"Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự cưỡng ép kinh tế và kêu gọi tất cả các quốc gia tránh sử dụng phương thức này”.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 20/5 rằng các nhà lãnh đạo đã quyết định sử dụng "một bộ công cụ chung" để đối phó với sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc.

"Những công cụ an ninh kinh tế này bao gồm các bước để tăng cường khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng của chúng tôi. Những công cụ này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ các công nghệ nhạy cảm, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư ra nước ngoài”, ông Sullivan cho hay.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là giảm thiểu rủi ro hơn là tách rời khỏi Trung Quốc.

“Các cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc, chúng tôi cũng không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc”, theo thông cáo của Hội nghị thượng đỉnh G7 công bố hôm 20/5.

“Một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế sẽ có ích cho toàn cầu. Chúng tôi không tách rời hoặc hướng nội. Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa".

Tận dụng sức mạnh kinh tế

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để thúc đẩy tham vọng thay đổi trật tự thế giới.

Ví dụ, sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của của đại dịch Covid-19 vào tháng 4/2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố các biện pháp trừng phạt thương mại đối với một số sản phẩm của Úc.

Một nhân viên làm rượu vang do Úc sản xuất (trên kệ trưng bày bên phải) tại một cửa hàng ở Bắc Kinh vào ngày 18/8/2020, cùng ngày mà chính quyền Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Úc sau khi nước này mở cuộc điều tra nhập khẩu rượu từ Úc quốc gia, loạt đạn mới nhất trong cuộc tranh cãi gay gắt sau khi chính phủ Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Vào thời điểm đó, cựu Ngoại trưởng Liz Truss của Vương Quốc Anh đã cảnh báo rằng sự cưỡng ép kinh tế của chính quyền Trung Quốc đối với Úc đã đóng vai trò như một “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các quốc gia khác.

Trước đây, đã có nhiều ví dụ về sự cưỡng ép của Trung Quốc, đặc biệt là với Nhật Bản, quốc gia đã chứng kiến các lô hàng kim loại đất hiếm của Trung Quốc bị chặn do tranh chấp lãnh thổ vào năm 2010. Hàn Quốc đã bị Trung Quốc tẩy chay thương mại vào năm 2017 sau khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Gần đây, Bắc Kinh đã đáp trả Litva vì nỗ lực thắt chặt quan hệ với Đài Loan.

Trung Quốc gần đây cũng đã gây áp lực lên các công ty Mỹ. Để phản ứng trước việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, Bắc Kinh đã khởi xướng một cuộc điều tra đối với nhà sản xuất chip nhớ Micron. Hơn nữa, vào tháng 3, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào trụ sở Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz, một công ty thẩm định của Mỹ, và bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc. Sau đó, cảnh sát Trung Quốc đã thẩm vấn nhân viên tại chi nhánh Thượng Hải của công ty tư vấn Mỹ Bain & Co.

Trong khi đó, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã đưa ra cảnh báo về sự cưỡng ép kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

“Chúng ta nên hiểu rõ về thách thức ngày càng tăng mà chúng ta phải đối mặt. Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh kinh tế chiến lược và có phối hợp", ông Sunak nói trong bài phát biểu của mình trước cuộc họp vào ngày 20/5.

Để giải quyết những vấn đề này, các nhà lãnh đạo G7 đã tuyên bố thành lập “Nền tảng điều phối G7 về cưỡng chế kinh tế” mới.

Nền tảng mới “sẽ giải quyết việc sử dụng ngày càng nhiều và nguy hiểm các biện pháp kinh tế cưỡng chế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác”, ông Sunak nói.

‘Trực tiếp và thẳng thắn’

Trong khi đó, ông Sullivan đã bác bỏ quan điểm cho rằng tuyên bố của G7 sẽ gây tổn hại cho quan hệ Mỹ - Trung.

“Tôi cho rằng quý vị sẽ thấy ngôn ngữ của phía Trung Quốc khá đơn giản. Ngôn ngữ không thù địch hay vô cớ mà rất trực tiếp và thẳng thắn. Đó là một chính sách đa chiều, phức tạp cho một mối quan hệ phức tạp với một quốc gia thực sự quan trọng".

Ngoài ra, để đáp lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo G7 có kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, nhóm đã cam kết huy động 600 tỷ USD tài trợ công và tư nhân cho cơ sở hạ tầng vào năm 2027.

Trong cuộc họp về cơ sở hạ tầng và đầu tư tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đã huy động được hơn 30 tỷ USD đầu tư cho đến nay.

“Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”, ông Biden nói.

Các nhà lãnh đạo cũng hứa hẹn sẽ không phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng và thực hiện các bước để xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch đa dạng và linh hoạt.

Theo một nguồn thạo tin, các nhà lãnh đạo G7 năm nay thống nhất hơn về Trung Quốc so với hai năm trước. Nguồn tin nói với The Epoch Times rằng, G7 đã đạt được nhiều tiến bộ và sự đồng thuận về những bước cụ thể mà nhóm này có thể thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất đồng về cách thức triển khai các hành động này. Nỗ lực này đòi hỏi các chính phủ phải đổi mới hơn để vượt qua sự khác biệt, người này nói thêm.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng đưa ra bình luận liên quan đến Đài Loan trong thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh.

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là điều không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Không có sự thay đổi nào về lập trường cơ bản của các thành viên G7 đối với Đài Loan, bao gồm cả các chính sách một Trung Quốc đã nêu. Chúng tôi kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển", các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố.

Theo chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh, "Vươn tới Nam bán cầu" là một điểm nhấn quan trọng của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Trọng tâm này nhằm mục đích tăng cường tiếp cận với Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, phần còn lại của Châu Á và Thái Bình Dương để bù đắp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các khu vực này.

Với mục đích đó, các đại diện đến từ Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam, Comoros (đại diện cho Liên minh châu Phi) và Quần đảo Cook (đại diện cho Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương) đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay với con số kỷ lục.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo G7 cảnh báo Trung Quốc về 'hậu quả' trước hành vi 'cưỡng ép kinh tế'