Mỹ, Nhật, Philippines lần đầu tập trận hải quân chung trên biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 6/6, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận ba bên đầu tiên ở Biển Đông nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng trước các hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đài GMA News đưa tin, 400 nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển của ba nước đã tham gia cuộc tập trận hàng hải Kaagapay kéo dài một tuần, bắt đầu từ ngày 1/6 ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan của Philippines.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã triển khai 4 tàu tham gia cuộc tập trận ba bên, trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Nhật Bản triển khai 2 tàu USCG Cutter Stratton và Akitsushima tương ứng.

“Sự kiện lần đầu tiên lực lượng bảo vệ bờ biển của ba quốc gia tham gia vào cuộc tập trận sẽ mang lại cơ hội vô giá để tăng cường quản lý hàng hải toàn cầu thông qua trao đổi nghiệp vụ và hoạt động kết hợp”, sĩ quan chỉ huy của tàu Stratton, Đại úy Brian Krautler cho biết khi bắt đầu cuộc tập trận.

“Cùng với các đối tác kiên định của chúng tôi, chúng tôi sẽ thể hiện các tiêu chuẩn hoạt động hàng hải chuyên nghiệp, dựa trên quy tắc để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", ông Krautler tiếp tục.

Trong một tuyên bố, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết mục tiêu của họ là tăng cường khả năng tương tác thông qua các cuộc diễn tập liên lạc và điều động, cũng như huấn luyện thực thi pháp luật hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các cuộc diễn tập vượt biên.

Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Nhật Bản, ông Kenichi Matsuda, cho biết quốc gia của ông "sẽ thúc đẩy hợp tác một cách cụ thể với Philippines để tăng cường khả năng an ninh hàng hải và tự do hàng hải".

 

Theo phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Armand Balilo, Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải 3 bên với tư cách quan sát viên. Ông nhấn mạnh rằng cuộc tập trận không nhằm chống lại Trung Quốc hay các tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

"Đây là hoạt động thường lệ giữa các lực lượng tuần duyên. Không có gì sai khi tổ chức các cuộc tập trận với các đối tác của quý vị", ông Balilo phát biểu trước báo giới hôm 1/6.

Các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tham gia cuộc tập trận hàng hải ba bên với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Hoa Kỳ, cách bờ biển tỉnh Bataan ở phía Tây Philippines 15 hải lý (khoảng 28 km), hôm 6/6/2023. (Ảnh: Jes Aznar/Getty Images)
Các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tham gia cuộc tập trận hàng hải ba bên với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Hoa Kỳ, cách bờ biển tỉnh Bataan ở phía Tây Philippines 15 hải lý (khoảng 28 km), hôm 6/6/2023. (Ảnh: Jes Aznar/Getty Images)

Đàm phán Quốc phòng 4 bên Mỹ - Nhật - Philippines - Úc

Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng các nước: Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Úc đã tổ chức cuộc hội đàm 4 bên đầu tiên bên lề diễn đàn an ninh Ðối thoại Shangri-La lần thứ 20 (SLD20) tại Singapore.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các bộ trưởng quốc phòng đã thảo luận về "các vấn đề khu vực cùng quan tâm và cơ hội mở rộng hợp tác" nhưng không đi sâu vào chi tiết.

“Các Bộ trưởng Quốc phòng cũng khẳng định rằng họ chia sẻ tầm nhìn về một 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở', đồng thời cùng nhau nỗ lực để đảm bảo tầm nhìn đó tiếp tục phát triển”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez cho biết “tính ưu việt của pháp quyền” phải được duy trì cùng với việc “tiếp tục theo đuổi đối thoại và chủ nghĩa đa phương” để duy trì hòa bình.

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, ông Galvez đã kêu gọi tất cả các bên tuân theo Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016 để “bảo vệ trật tự toàn cầu trên biển và duy trì các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”.

Theo đó, phán quyết ngày 12/7/2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với thực tế toàn bộ Biển Đông. Phán quyết này nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn không thay đổi các hành vi của mình.

Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ ngày càng hung hăng ở Biển Đông, bằng chứng là sự hiện diện của hơn 100 tàu dân quân biển Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vào tháng 4/2023.

Tháng trước, PCG đã lắp đặt 5 phao định hướng để đánh dấu chủ quyền của họ đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông như một phần trong nỗ lực chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong lãnh hải của họ.

Vào tháng 2/2023, Philippines và Mỹ đã nhất trí nối lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở vùng biển tranh chấp, vốn đã bị đình chỉ dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2016.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ với Philippines "bằng mọi giá" và sẵn sàng hỗ trợ quá trình hiện đại hóa các năng lực quân sự của Philippines.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với ông Galvez ở Manila hôm 2/2, ông Austin cho hay: “Chúng tôi tiến hành hơn 500 hoạt động phòng thủ chung mỗi năm”.

Ông cho biết thêm: “Và như Tổng thống [Joe] Biden đã nói rõ, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Philippines là không thể lay chuyển”.

Philippines và Hoa Kỳ là đồng minh theo Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951, trong đó quy định rằng hai quốc gia sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ, Nhật, Philippines lần đầu tập trận hải quân chung trên biển Đông