NATO tuyên bố sẽ sát cánh với Ukraine 'chừng nào còn cần thiết'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (25/11), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh này sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine để chống lại sự gây hấn của Nga cho đến 'chừng nào còn cần thiết'.

Phát biểu với các phóng viên ở Brussels, Bỉ, trước cuộc họp với các ngoại trưởng ở Bucharest vào tuần tới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “sẽ không lùi bước”. Đồng thời, ông kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ cho Ukraine thông qua “Gói hỗ trợ toàn diện” của NATO, trong đó gửi các thiết bị quan trọng đến quốc gia bị chiến tranh tàn phá như nhiên liệu, hỗ trợ y tế, cùng các nguồn lực khác.

"Hỗ trợ Ukraine là vì lợi ích an ninh của chúng tôi", ông Stoltenberg tuyên bố và nói thêm rằng "không thể có nền hòa bình lâu dài nếu kẻ xâm lược giành chiến thắng".

NATO không cung cấp vũ khí, nhưng các thành viên của tổ chức an ninh gồm 30 quốc gia đã cung cấp các thiết bị phi sát thương cho Ukraine, mặc dù ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, cần tăng cường viện trợ cho Kyiv khi mùa đông đang cận kề.

“Tại cuộc họp của chúng tôi ở Bucharest, tôi sẽ kêu gọi thêm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ giúp Ukraine chuyển đổi từ thiết bị thời 'Liên Xô cũ' sang các tiêu chuẩn, học thuyết và hình thức huấn luyện hiện đại của NATO", ông nói với các phóng viên.

Ông Stoltenberg sẽ tham dự một hội nghị ở thủ đô Romania vào tuần tới để thảo luận về việc mở rộng hợp tác với các ngoại trưởng từ NATO cũng như các thành viên ngoài NATO, bao gồm Bosnia và Herzegovina, Moldova và Georgia.

Hội nghị thượng đỉnh tại Bucharest sẽ kéo dài hai ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 30/11. Hội nghị này được tổ chức gần 15 năm sau khi NATO hứa hẹn rằng, một ngày nào đó Ukraine và Georgia sẽ trở thành thành viên của liên minh này, một cam kết khiến Nga vô cùng tức giận.

Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia Bắc Âu mới gia nhập liên minh quân sự này, cũng sẽ tham gia các cuộc thảo luận ở Bucharest, theo người đứng đầu NATO. Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, đã đến lúc hai nước "hoàn tất quá trình gia nhập liên minh và được chào đón với tư cách là thành viên chính thức của NATO".

Những thách thức do Trung Quốc đặt ra

Ông Stoltenberg cho hay, các ngoại trưởng cũng sẽ đề cập đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong cuộc họp vào tuần tới. Người đứng đầu NATO cho rằng, điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các thành viên của liên minh quân sự.

“Trung Quốc không phải là đối thủ. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng chứng kiến Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hóa quân sự đáng kể, bao gồm các hệ thống vũ khí tiên tiến, tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân mới", ông Stoltenberg nói.

“Chúng tôi đã thấy Trung Quốc và Nga đang ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Chúng tôi thấy cách Trung Quốc cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu. Chúng tôi đã thấy điều đó trong các cuộc thảo luận về mạng 5G. Và chúng tôi cũng thấy cách Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của NATO, cách họ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như cách họ đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ và các nhà báo", ông nói

Ông Stoltenberg cho hay, “khả năng phục hồi” và đảm bảo phương Tây duy trì “lợi thế công nghệ” so với Trung Quốc là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Trung Quốc đang “đầu tư mạnh vào các hệ thống mới, công nghệ tiên tiến”.

NATO đã công bố một khái niệm chiến lược mới vào mùa hè năm ngoái tại Madrid, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một mối lo ngại về an ninh đối với liên minh này.

Hội nghị thượng đỉnh tháng 6 diễn ra trong bối cảnh tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan đang ngày càng gia tăng, gây nguy hiểm cho tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ của Đài Loan.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế với quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp riêng.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

NATO tuyên bố sẽ sát cánh với Ukraine 'chừng nào còn cần thiết'