Tổng thống Biden bắt đầu chuyến công du 3 quốc gia châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày tới 3 quốc gia Châu Âu, với chặng dừng chân ở Vương quốc Anh. Tại đây, ông sẽ gặp Vua Charles III và Thủ tướng Rishi Sunak tại Lâu đài Windsor.

Sau đó, ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Vilnius, Litva, vào ngày 11/7 và 12/7. Theo Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo NATO sẽ cố gắng đương đầu với "những thách thức lớn của thời đại" trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, bao gồm các mối quan ngại về an ninh từ Nga và vấn đề biến đổi khí hậu.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tới Helsinki để kỷ niệm việc Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.

Chuyến công du châu Âu của ông Biden phần nào bị lu mờ bởi quyết định gần đây của ông khi chuyển bom chùm cho Ukraine, vũ khí bị cấm ở hơn 100 quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Theo một nghiên cứu Giám sát Bom mìn và Bom chùm, 97% nạn nhân bom, đạn chùm là thường dân, trong đó phần lớn là trẻ em.

“Tôi phải mất một thời gian mới bị thuyết phục để đưa ra quyết định đó”, ông Biden nói với đài CNN trong cuộc phỏng vấn ngày 9/7 về quyết định gửi bom chùm tới Ukraine.

Các tổ chức nhân quyền đã phản ứng nhanh chóng với quyết định này của Washington, trong đó Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố rằng bom chùm là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống dân thường, thậm chí rất lâu sau khi xung đột kết thúc”.

Ông chủ Nhà Trắng dự kiến sẽ giải quyết những vấn đề này trong các cuộc gặp của ông ở London và Vilnius.

Chính phủ Anh bị chỉ trích vì mời Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ đăng quang của Vua Charles III
Vua Charles III đội vương miện, tại lễ đăng quang của ông ở Tu viện Westminster, London, Anh, ngày 06/05/2023. (Ảnh: Richard Pohle - WPA Pool/Getty Images)

Gặp gỡ Vua Charles

Hôm 10/7, ông Biden cũng sẽ đến gặp Vua Charles III tại lâu đài Windsor ở phía tây London, nơi cố nữ hoàng Elizabeth II từng tiếp đón hai cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump.

Hai bên dự kiến thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu với các nhà hảo tâm và nhà đầu tư tại lâu đài, chủ đề mà vua Charles III đã vận động và lên tiếng trong hơn 5 thập niên.

Lâu đài Windsor, lâu đài lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, là nơi ở của các vị vua và hoàng hậu Anh trong hơn 1.000 năm.

Vì mục đích cải tạo, Cung điện Buckingham, nơi ở chính thức ở London của các quốc vương của Vương quốc Anh kể từ năm 1837, đã bị loại trừ làm địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa ông Biden và Vua Charles. Cung điện được cho là sẽ sẵn sàng cho nhà vua chuyển đến sau khi dự án sửa chữa và phục hồi trị giá 369 triệu bảng Anh (470 triệu USD) kết thúc vào năm 2027.

“Hệ thống cáp điện, hệ thống ống nước và hệ thống sưởi của Cung điện đã không được tu sửa kể từ những năm 1950”, theo trang web của Cung điện.

Không rõ liệu Hoàng hậu Camilla có tham gia cuộc gặp với ông Biden hay không.

Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ không tham dự lễ đăng quang của Vua Charles; thay vào đó là Đệ nhất phu nhân Jill Biden.

Phát biểu trước báo giới hôm 7/7, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay ông Biden sẽ tham gia một diễn đàn trong chuyến thăm Lâu đài Windsor. Diễn đàn này "tập trung vào huy động tài chính khí hậu, đặc biệt là loại bỏ tài chính tư nhân, để triển khai và thích ứng năng lượng sạch ở các nước đang phát triển".

Tổng thống cũng sẽ gặp ông Sunak tại số 10 Phố Downing, dinh thự và văn phòng chính thức của Thủ tướng Anh, trong thời gian ở London. Đây là lần gặp thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Sunak nhậm chức hồi tháng 10/2022.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) phát biểu trong cuộc họp báo ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào ngày 8/6/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak (trái) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) phát biểu trong cuộc họp báo ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào ngày 8/6/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Ngày 8/6, ông Rishi Sunak đã có chuyến công du đầu tiên đến nước Mỹ trên cương vị Thủ tướng Anh. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Đại Tây Dương, trong đó nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt, như: trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G và 6G, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học, với cam kết nới lỏng những rào cản bảo hộ, thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng và hợp tác trong bảo vệ dữ liệu.

Ngoài ra, hai nước cam kết tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu, hợp tác với nhau về công nghệ tương lai, đồng thời hạn chế đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu sang các quốc gia có rủi ro cao như Trung Quốc.

Ông Sullivan nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo sẽ "tham vấn về nhiều vấn đề song phương và toàn cầu”.

Hội nghị thượng đỉnh NATO

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius năm nay diễn ra vào thời điểm then chốt, một số người coi đây là cuộc họp quan trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, hoặc có thể kể từ khi thành lập NATO vào năm 1949.

Ukraine dự kiến sẽ là một chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, theo đó các thành viên của NATO se tranh luận về đảm bảo an ninh, tư cách thành viên trong tương lai của Kyiv và hỗ trợ cho đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh NATO vào năm ngoái, nhưng các quốc gia thành viên cho biết Ukraine không thể gia nhập NATO cho đến khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại một thành viên của NATO "sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại cả khối".

Ông Biden nói với đài CNN rằng cuộc chiến với Nga phải kết thúc trước khi NATO kết nạp Ukraine.

Ông tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng có sự đồng thuận trong nội bộ NATO về việc kết nạp Ukraine vào giai đoạn này, giữa lúc xảy ra chiến tranh”.

“Đó là một cam kết mà tất cả chúng ta đã thực hiện, bất kể điều gì xảy ra. Nếu chiến tranh đang diễn ra, thì tất cả chúng ta đều ở trong cuộc chiến. Chúng tôi đang có chiến tranh với Nga".

Biden cũng cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh NATO phải tìm ra "con đường hợp lý" để Ukraine đủ điều kiện trở thành thành viên của liên minh quân sự.

Chủ đề nâng cao mục tiêu chi tiêu của các quốc gia thành viên, vốn là ưu tiên của cựu Tổng thống Donald Trump, cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp ở Vilnius năm nay.

Các thành viên NATO đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội gần một thập kỷ trước. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn chưa thực hiện cam kết này.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn mục tiêu 2% là mức sàn chứ không phải mức trần. Chỉ có 7 quốc gia đạt được mục tiêu chi tiêu 2% vào năm 2022: Hoa Kỳ, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Ba Lan và Vương quốc Anh.

Tư cách thành viên của Thụy Điển cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, khi quốc gia Bắc Âu này cố gắng gia nhập NATO nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Washington vào năm tới, trùng với lễ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự này.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden bắt đầu chuyến công du 3 quốc gia châu Âu