Tổng thống Mỹ chào mừng ông Zelenskyy tới Nhà Trắng trong bối cảnh Quốc hội chia rẽ về viện trợ cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Nhà Trắng, nơi ông Zelenskyy tìm kiếm sự giúp đỡ liên tục cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá của mình trước cuộc xâm lược của Nga.

Ông Zelenskyy cũng đã đến thăm các chính trị gia của cả lưỡng đảng, mặc dù việc nhận được phản hồi cho yêu cầu viện trợ của ông đang tỏ ra khó khăn hơn do các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa không đồng ý về khoản tài trợ cho Ukraine trong tương lai.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ 6 của ông Zelenskyy với Tổng thống Biden và là chuyến thăm thứ 3 của ông tới Nhà Trắng.

Trong cuộc họp, Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các các năng lực phòng không trọng yếu.

Là một phần của kế hoạch ngân sách bổ sung, chính quyền ông Biden hồi tháng trước đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 24 tỷ USD tài trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu mới đang phải đối mặt với một cuộc chiến chính trị do mối lo ngại ngày càng tăng ở cả phe cánh tả và cánh hữu.

Khi được hỏi về sự ủng hộ của Quốc hội đối với nguồn tài trợ của Ukraine trong cuộc gặp song phương với ông Zelenskyy, Tổng thống Biden nói: "Tôi đang trông cậy vào phán quyết đúng đắn của Quốc hội Hoa Kỳ. Không có lựa chọn nào khác".

Kể từ tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã phân bổ 113 tỷ USD viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine và các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Khoản tài trợ hiện tại dự định sẽ kéo dài đến ngày 30/9. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan xác nhận rằng số tiền này sẽ sớm cạn kiệt.

“Chúng tôi muốn có thêm nguồn lực từ Quốc hội vào ngày 1 tháng 10 để đảm bảo rằng nguồn cung không bị gián đoạn”, ông nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 21/9.

Ông Sullivan nhấn mạnh rằng, trong khi một "nhóm thiểu số khá nhỏ có tiếng nói" bày tỏ lo ngại, thì đại đa số thành viên, bao gồm cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, muốn tiếp tục tài trợ cho Ukraine.

Hôm 21/9, hơn hai chục đảng viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đã gửi một lá thư mới tới Nhà Trắng cam kết phủ quyết bất kỳ khoản tài trợ nào cho Ukraine và yêu cầu tổng thống giải thích về việc tiền của người nộp thuế đã đi đâu.

“Người dân Mỹ xứng đáng được biết tiền của họ đã đi đâu. Cuộc phản công diễn ra như thế nào? Người Ukraine có tiến gần đến chiến thắng hơn 6 tháng trước không? Chiến lược của chúng ta là gì và kế hoạch rút lui của tổng thống là gì? Chính quyền định nghĩa chiến thắng ở Ukraine là gì?”, lá thư viết.

Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông đã từ chối yêu cầu của tổng thống Ukraine về việc phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội trong chuyến thăm của ông.

Ông McCarthy chỉ ra rằng Quốc hội “không có thời gian” do đang diễn ra các cuộc thảo luận về việc cấp vốn cho chính phủ nhằm tránh việc chính phủ phải đóng cửa vào cuối tháng.

Ông McCarthy nói với các phóng viên vào ngày 21/9: “Đơn giản là chúng tôi không có thời gian. Và đây là một tuần bận rộn. Chúng tôi đang giải quyết vấn đề kinh phí”.

Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng sẽ gặp ông Zelenskyy.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby hôm 20/9 đáp lại sự phản đối của Đảng Cộng hòa về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine, nói rằng nếu Mỹ rút quân và Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp quản Ukraine, hậu quả về nhân mạng và tiền tệ sẽ "cao hơn rất nhiều".

Ông Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hội nghị: “Tin tôi đi, cái giá phải trả để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ đắt hơn rất nhiều, cả xương máu và của cải, trong đó có máu của người Mỹ”.

“Không có cái gọi là ‘tấm séc trắng’ đối với Ukraine bởi vì mọi thứ chúng tôi cung cấp cho Ukraine đều được thực hiện với sự tham vấn đầy đủ của các thành viên Quốc hội Mỹ”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (giữa), cùng với Lãnh đạo đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer (phải) và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (trái), đến Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, ngày 21/9/2023. (Ảnh: Pedro Ugarte / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (giữa), cùng với Lãnh đạo đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer (phải) và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (trái), đến Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, ngày 21/9/2023. (Ảnh: Pedro Ugarte / AFP qua Getty Images)

Ông Zelenskyy chọc giận các đồng minh châu Âu

Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Ukraine trong tuần này là ở New York, nơi ông có bài phát biểu trực tiếp trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm chiếm đất nước của ông vào tháng 2/2022.

Ngày 19/9, ông Zelenskyy đã có bài phát biểu đầy cảm xúc trước các nhà lãnh đạo thế giới, cảnh báo họ về việc Nga ngày càng gia tăng hành động xâm lược ngoài Ukraine.

Ông Zelenskyy nói: “Sự hủy diệt hàng loạt đang diễn ra. Kẻ xâm lược đang vũ khí hóa nhiều thứ khác và những thứ đó không chỉ được sử dụng để chống lại đất nước của chúng tôi mà còn chống lại tất cả đất nước của các bạn”.

“Và mục tiêu của cuộc chiến hiện nay chống lại Ukraine là biến đất đai, con người, sinh mạng và tài nguyên của chúng tôi thành vũ khí chống lại các bạn, chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng lên án cáo buộc Nga bắt giữ trẻ em Ukraine, gọi đó là tội ác "diệt chủng".

Ông nói: "Những đứa trẻ ở Nga được dạy phải căm thù Ukraine và mọi mối quan hệ với gia đình chúng đều bị cắt đứt. Đây rõ ràng là một cuộc diệt chủng".

Mặt khác, những nhận xét của ông Zelenskyy trước Liên Hợp Quốc đã khiến một số nước châu Âu, đặc biệt là Ba Lan, tức giận.

Ngày 20/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước ông sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine nữa. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Warsaw triệu tập Đại sứ Ukraine trong bối cảnh tranh chấp về xuất khẩu ngũ cốc.

Ba Lan là đồng minh trung thành của Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện hồi năm ngoái. Đất nước này cũng đang tiếp đón 1 triệu người tị nạn Ukraine, những người đã nhận được nhiều loại viện trợ khác nhau của chính phủ.

Thủ tướng Ba Lan cho hay, thay vì gửi vũ khí cho Ukraine, Ba Lan - vốn là đồng minh trung thành của Kyiv kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 - sẽ tập trung vào việc trang bị vũ khí cho riêng mình.

Ông Morawiecki phát biểu trên đài Polsat News: “Chúng tôi không còn chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang cần trang bị cho Ba Lan những loại vũ khí hiện đại hơn”.

Ông nói: “Nếu muốn tự vệ, anh phải có thứ gì đó để tự vệ. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc đó, và đó là lý do tại sao chúng tôi tăng đơn đặt hàng [vũ khí]”.

Tổng thống Zelenskyy nói rằng trong khi Ukraine đang nỗ lực duy trì các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc thì một số nước châu Âu lại giả vờ đoàn kết và gián tiếp ủng hộ Nga. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Ba Lan, quốc gia luôn ủng hộ Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

“Ngay cả bây giờ, khi Nga làm suy yếu Sáng kiến ​​​​Ngũ cốc Biển Đen, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đảm bảo sự ổn định lương thực. Và thật đáng báo động khi một số nước ở châu Âu thể hiện tinh thần đoàn kết như trên một sân khấu chính trị bằng những câu chuyện ly kỳ về ngũ cốc. Họ dường như đang đóng vai diễn riêng của mình, nhưng trên thực tế, họ đang trải đường cho ‘diễn viên Moscow’”, ông Zelenskyy phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trong bài phát biểu thường niên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới sát cánh cùng Ukraine.

Ông nói: “Chúng ta phải đáp trả hành động gây hấn trắng trợn này ngay hôm nay để ngăn chặn những kẻ xâm lược trong tương lai”.

“Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, sẽ tiếp tục sát cánh cùng những người dân dũng cảm của Ukraine khi họ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do của mình”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mỹ chào mừng ông Zelenskyy tới Nhà Trắng trong bối cảnh Quốc hội chia rẽ về viện trợ cho Ukraine