Triều Tiên đóng cửa các cơ quan phụ trách đối thoại với Hàn Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (16/1), Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết Triều Tiên đã quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách quản lý quan hệ với Hàn Quốc sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Hàn Quốc là “quốc gia thù địch số 1” của đất nước ông.

Các cơ quan này bao gồm: Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình (cơ quan chính của Triều Tiên chuyên xử lý các vấn đề liên Triều), Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia và Cục Du lịch Quốc tế Kumgangsan (phụ trách các dự án kinh tế và du lịch chung giữa hai miền Triều Tiên).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA, tức Quốc hội) cho biết việc thống nhất với Hàn Quốc là điều không thể khi hai nước đang rơi vào tình trạng đối đầu gay gắt.

Chính quyền Triều Tiên cho biết họ đã quyết định đóng cửa các cơ quan thúc đẩy đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, với lý do sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu coi Hàn Quốc là đối tác để thống nhất.

“Nội các và các cơ quan liên quan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ thực hiện các biện pháp thiết thực để thực hiện quyết định này”, tuyên bố cho hay.

Ông Kim Jong Un nêu khả năng 'chiếm đóng' Hàn Quốc

Ông Kim Jong Un công bố quyết định trên tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa XIV ngày 15/1, yêu cầu đất nước của ông “loại bỏ hoàn toàn” mọi ý nghĩ về việc thống nhất hoặc hòa giải với Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị sửa đổi hiến pháp đất nước, cho phép Triều Tiên theo đuổi việc "chiếm đóng, đàn áp và đòi lại Hàn Quốc" trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

“Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, điều quan trọng là phải tính đến vấn đề chiếm đóng hoàn toàn, đàn áp, đòi lại Hàn Quốc và đồng bộ vào lãnh thổ Triều Tiên", ông Kim Jong Un cảnh báo.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải truyền đạt trong giáo dục ý tưởng vững chắc rằng Hàn Quốc là “quốc gia thù địch số 1” và là “kẻ thù chính không thể thay đổi” của Triều Tiên, KCNA đưa tin.

Ông Kim kêu gọi đóng cửa “tất cả các kênh liên lạc bắc - nam dọc biên giới”, bao gồm cả việc phá hủy các tuyến đường sắt và dỡ bỏ tượng đài tôn vinh mục tiêu thống nhất.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng chế độ của ông không có ý định phát động một cuộc chiến nhưng cũng không có ý định tránh chiến tranh. Ông cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh ở Bán đảo Triều Tiên sẽ chấm dứt sự tồn tại của Hàn Quốc và mang lại “thất bại nặng nề không thể tưởng tượng nổi” cho Mỹ.

"Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta cũng không có ý định tránh nó", KCNA dẫn lời ông Kim.

Ông Kim cũng đưa ra nhận xét tương tự trong cuộc họp cuối năm của đảng cầm quyền, nói rằng mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã “gắn chặt vào mối quan hệ giữa hai quốc gia thù địch lẫn nhau”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 104 năm Phong trào vận động độc lập, ngày 1/3/2023. (Ảnh: Jung Yeon-Je - Pool/Getty Images)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 104 năm Phong trào vận động độc lập, ngày 1/3/2023. (Ảnh: Jung Yeon-Je - Pool/Getty Images)

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng những bình luận của ông Kim thể hiện bản chất “phản dân tộc và phản lịch sử” của chế độ Triều Tiên.

Ông tuyên bố đất nước ông sẽ tiếp tục duy trì thế trận phòng thủ vững chắc và Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc "gấp nhiều lần" nếu khiêu khích Hàn Quốc.

Ông nói trong một cuộc họp nội các: “Chiến thuật hòa bình giả tạo của [Triều Tiên] đe dọa chúng tôi phải lựa chọn giữa ‘chiến tranh’ và ‘hòa bình’ không còn hiệu quả nữa”.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Triều Tiên đã đóng cửa một đài phát thanh nhà nước bị nghi ngờ gửi các tin nhắn được mã hóa cho "gián điệp" của họ ở Hàn Quốc.

Hôm 15/1, nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) mới ra biển, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng đưa tin về vụ phóng, đánh dấu vụ thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này vào năm 2024, sau khi bị quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản phát hiện ra vụ phóng này một ngày trước đó.

Mặc dù vụ phóng thử được cho là thành công nhưng truyền thông nhà nước không tiết lộ bất kỳ thông tin nào khác, bao gồm cả việc nhà lãnh đạo Triều Tiên có tham dự hay không. Theo các nguồn tin, vụ phóng thử là một phần trong hoạt động phát triển vũ khí thông thường của Triều Tiên và không gây nguy hiểm cho an ninh của các nước láng giềng.

Theo Tham mưu Trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa đã bay khoảng 600 dặm (gần 1000 km) trước khi rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2024. Lần gần đây nhất, nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 nhiên liệu rắn vào ngày 18/12/2023. Vụ phóng diễn ra sau khi Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho IRBM loại mới và tiến hành ít nhất 3 cuộc thử nghiệm trong năm 2023 với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 nhiên liệu rắn.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên đóng cửa các cơ quan phụ trách đối thoại với Hàn Quốc