Trung Quốc gây chiến với Mỹ từ Bắc Cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 9/7, tờ South China Morning Post của Hong Kong đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Vùng cực Trung Quốc (PRIC) có trụ sở tại Thượng Hải tiết lộ rằng “Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm thực địa và đánh giá một thiết bị nghe dưới nước. Thiết bị này sẽ được triển khai trên quy mô lớn ở Bắc Băng Dương”. Bài báo nghe có vẻ vô thưởng vô phạt này cho chúng ta biết rằng Trung Quốc có ý định phát động chiến tranh đối với Mỹ và Canada từ Bắc Cực.

Vào ngày 9/8/2021, trong một thử nghiệm thực địa, các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đã lắp đặt "hệ thống phao giám sát âm thanh bề mặt nông dưới băng vùng cực" trên một tảng băng nổi ở một khu vực xa xôi của Bắc Băng Dương. Thông tin thu được từ thiết bị này được liên kết với các vệ tinh của Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Vùng cực, một cơ quan chính phủ trung ương của Trung Quốc "lập kế hoạch và điều phối các hoạt động ở vùng cực của Trung Quốc", tuyên bố rằng các thiết bị này có thể được sử dụng để "liên lạc dưới bề mặt băng, điều hướng và định vị, phát hiện mục tiêu và tái tạo các thông số môi trường biển". Chiếc phao này “có thể được ứng dụng đại trà trong việc xây dựng mạng lưới giám sát môi trường Bắc Băng Dương”.

Theo tổ chức này, Trung Quốc "chưa bao giờ lắp thiết bị nghe lén ở đó" ngoại trừ một chiếc phao.

Tuyên bố trên là sai sự thật. Tờ Globe and Mail của Canada hồi tháng 2 đưa tin, Lực lượng Vũ trang Canada (CAF) đã gỡ bỏ các phao giám sát do Trung Quốc lắp đặt ở vùng biển Bắc Cực của Canada vào mùa thu năm ngoái.

Không có nhiều thông tin về các thiết bị Trung Quốc bị dỡ bỏ. Ông Pierre Leblanc, cựu chỉ huy Lực lượng Canada ở Bắc Cực, nói với Đài VOA rằng Canada không tiết lộ vị trí hoặc loại phao bị dỡ bỏ, nhưng rõ ràng quân đội Trung Quốc đã cài cắm chúng ở gần Hành lang Tây Bắc của Canada mà không được phép.

Hành lang Tây Bắc là một tuyến đường biển nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong Quần đảo Bắc Cực của Canada. Canada coi đây là lãnh hải của mình và được quản lý bởi luật pháp Canada.

Ông Charles Burton của Viện Macdonald-Laurier ở Ottawa nói với Viện Gatestone: “Ý định của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực Bắc Cực ở Bắc Mỹ đang ngày càng được ưu tiên dưới thời ông Tập Cận Bình”.

“Xuất phát từ lời khẳng định phi lý rằng Trung Quốc là một ‘quốc gia Cận Bắc Cực’ và lời chào hàng của ông Tập về ‘Con đường Tơ lụa ở Vùng Cực’, Trung Quốc hiện đang ngấm ngầm chuẩn bị cơ sở cho việc quân sự hóa lãnh thổ phía bắc - một khu vực phần lớn không được phòng thủ và có các tuyến đường biển trọng yếu”.

Trung tướng hồi hưu Lực lượng Vũ trang Canada (CAF) Michael Day nói với tờ Globe and Mail rằng các phao của Trung Quốc có thể đã lập bản đồ các điều kiện môi trường như đáy biển và độ dày của băng. Phao cũng có thể theo dõi chuyển động của băng, cũng như dòng hải lưu, nhiệt độ nước và độ mặn.

Tất cả những thông tin này rất cần thiết trong việc theo dõi hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Trung Quốc có ý định định vị và tiêu diệt tàu ngầm Mỹ từ không gian trước khi chúng đến được vùng biển châu Á.

Bắc Cực đang là một chủ đề nóng hiện nay và Trung Quốc cũng cố gắng kiểm khu vực này. Năm 2018, PRIC đã cố gắng mua một sân bay ở Lapland (Phần Lan). Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là đã bị chính phủ Phần Lan hủy bỏ dưới áp lực của Mỹ.

Hơn nữa, một công ty khai thác nhà nước của Trung Quốc đã tìm cách mua bất động sản gần một căn cứ do Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) điều hành, một bộ chỉ huy quân sự kết hợp giữa Canada và Mỹ đưa ra cảnh báo sớm. Thương vụ mua lại này cũng bị đình chỉ.

"Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Bắc Cực là lãnh địa của hai cường quốc hạt nhân, Hoa Kỳ và Liên Xô, nay là Liên bang Nga”, ông James Fanell thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva cho biết trong một tuyên bố.

"Hai quốc gia này đã thể hiện sự hiểu biết về cán cân quyền lực và quan sát thấy một thỏa thuận ngừng bắn khó khăn trong vùng biển của Bắc Cực. Kể từ năm 2017, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do ông Tập Cận Bình lãnh đạo, đã thể hiện rõ rằng họ muốn tiếp cận Bắc Cực và thừa nhận vị thế cường quốc của mình ở đó".

Ông Fanell chỉ ra rằng Trung Quốc đã công bố ba Hành lang Kinh tế Xanh, một trong số đó là Bắc Cực. Những hành lang này nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Không giống như Moscow và Washington, Bắc Kinh đang gia tăng sự ổn định thông qua những nỗ lực của họ ở Bắc Cực. Như ông Fanell, cũng là cựu Đại úy Hải quân Hoa Kỳ, từng là Giám đốc Hoạt động Tình báo và Thông tin tại Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chỉ ra: “Bắc Kinh ngạo mạn tin rằng họ xứng đáng có một chiếc ghế trong Hội đồng Bắc Cực để 'chỉ huy' và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như tiếp cận khu vực trọng yếu hàng đầu hành tinh này".

Cách tiếp cận “can dự” hào phóng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã dẫn đến việc Trung Quốc giành được tư cách quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực, mặc dù thực tế là không có lãnh thổ nào của Trung Quốc nằm trong hoặc cận Bắc Cực.

Có 8 quốc gia có lãnh thổ trong Vòng Bắc Cực. Ngoại trừ Nga và Thụy Điển, tất cả đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thụy Điển nên gia nhập liên minh đó trong năm nay.

Hơn nữa, ngoại trừ Nga, tất cả 5 quốc gia duyên hải ở Bắc Cực gồm: Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Hoa Kỳ - đều là thành viên NATO. Điều này mang lại cho Mỹ sức mạnh để gây ảnh hưởng đến các kết quả ở Bắc Cực, đặc biệt nếu Washington phản đối kế hoạch của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc có 2 trạm nghiên cứu cố định ở Bắc Cực, một ở quần đảo Svalbard (Na Uy) và một ở Iceland. 2 đã là quá nhiều.

Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của Bắc Cực. Nhiệt độ tăng đang làm tan chảy băng ở Bắc Cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khoan và khai thác dầu và khí đốt tự nhiên trong khu vực. Ngoài ra, băng tan cho phép tàu chở hàng và các thuyền khác di chuyển quãng đường ngắn hơn.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, Bắc Cực chủ yếu là một miếng bánh quân sự. Ngoài những chiếc phao mà họ đang cài cắm ở Bắc Cực, Trung Quốc đang tiến hành giám sát khu vực này từ trên không. Khinh khí cầu do thám bay qua 48 tiểu bang trong năm nay, ban đầu đi qua Alaska và Tây Canada.

Trung Quốc không chỉ gây áp lực lên Mỹ và Canada từ phía bắc. Mặt khác, Trung Quốc đang thiệt lập các tiền đồn quân sự ở Nam Mỹ và vùng Caribe, đồng thời thâm nhập phá hoại qua biên giới với Mexico. Chính quyền ông Biden đang cho phép một quốc gia thù địch tấn công nước Mỹ từ mọi góc độ. Một Trung Quốc đáng sợ đã trải rộng khắp Tây bán cầu.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả Gordon G. Chang là thành viên cao cấp xuất sắc tại Viện Gatestone, thành viên Ban cố vấn của viện này và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ đang cận kề của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc gây chiến với Mỹ từ Bắc Cực