Trung Quốc nhắm mục tiêu công nghệ Đức qua 'cửa sau'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do việc mua lại các công ty công nghệ ngày càng khó khăn, Trung Quốc đang áp dụng phương pháp ‘cửa sau’ để tăng khả năng tiếp cận công nghệ của Đức, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Kinh tế (IW) từ Cologne.

Theo phân tích, doanh thu giấy phép của Đức từ Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2022 so với năm 2014 và tăng hơn 4 lần kể từ năm 2020.

Ông Juergen Matthes, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu và khu vực của IW cho biết: “Có một dấu hiệu ban đầu rõ ràng rằng các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm một cách thức mới để tiếp cận với công nghệ của Đức”.

"Giấy phép công nghệ là một cách để Trung Quốc thâm nhập vào lĩnh vực này qua cửa hậu”, ông nói.

Với việc nền kinh tế Đức vẫn đang bị tổn thương do cắt đứt quan hệ với Nga, Berlin đã tái cơ cấu chiến lược đối với Bắc Kinh, hướng tới cách tiếp cận "giảm thiểu rủi ro" nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá mức; đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của nước này với tư cách là một thị trường trọng yếu đối với nhiều doanh nghiệp.

Do đó, các hoạt động đầu tư và tiếp quản trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc gần đây đã bị Đức “sờ gáy”.

Năm ngoái, việc Cosco của Trung Quốc đấu thầu đầu tư vào một bến cảng ở Hamburg đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị trước khi được chấp nhận với số cổ phần thấp hơn so với dự kiến.

Các phương thức hợp pháp để Trung Quốc có được chuyên môn của Đức

Nghiên cứu cáo buộc rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có thể xin phép hợp pháp để khai thác công nghệ Đức thông qua các thỏa thuận cấp phép.

Những giấy phép này cho phép các công ty Trung Quốc khai thác hợp pháp những công nghệ của Đức. Chúng có thể độc quyền hoặc không độc quyền, có nghĩa là bên cấp phép (công ty Đức) có thể cấp giấy phép cho một hoặc nhiều bên được cấp phép (doanh nghiệp Trung Quốc).

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc quan tâm đến nhiều công nghệ của Đức, bao gồm ô tô, sản xuất máy móc, hóa chất và dược phẩm, cũng như công nghệ điện tử và chất bán dẫn

Trong khi Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và “ấp ủ” kế hoạch đầy tham vọng trong việc trở thành quốc gia dẫn đầu về xe điện, xe tự lái và di chuyển thông minh, quốc gia này cũng đang nỗ lực hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất của mình để trở nên cạnh tranh hơn trong phân khúc sản phẩm và dịch vụ cao cấp.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tìm cách mua lại công nghệ và chuyên môn của Đức trong các lĩnh vực này, chẳng hạn như hệ thống pin, hệ thống truyền động, cảm biến, phần mềm và thiết kế.

Mặc dù hầu hết các thỏa thuận như vậy được xem là không có vấn đề gì và giấy phép có thể mang lại lợi ích cho cả bên cấp phép và bên được cấp phép bằng cách khuyến khích chuyển giao kiến thức, đổi mới và hợp tác, nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây ra nhiều mối lo ngại.

Điều này đặc biệt đúng nếu bên cấp phép mất quyền kiểm soát công nghệ hoặc nếu bên được cấp phép sử dụng công nghệ này cho các mục đích quân sự hoặc thù địch.

Rủi ro bảo mật và cạnh tranh

Chẳng hạn, nếu Trung Quốc có được quyền tiếp cận các công nghệ nhạy cảm, quan trọng đối với an ninh và quốc phòng của Đức, thì điều đó có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và lợi ích của Berlin.

Trung Quốc cũng có thể sử dụng công nghệ được cấp phép để thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị và gây ảnh hưởng ở các khu vực mang lại lợi ích sống còn đối với Đức, chẳng hạn như Châu Phi hoặc Châu Á.

Do đó, các chuyên gia lo ngại và khuyến nghị rằng Berlin và Bắc Kinh phải đàm phán và giám sát việc cấp phép sao cho phù hợp để đảm bảo rằng chúng phục vụ lợi ích của cả hai bên mà không làm tổn hại đến lợi ích chung.

Tuy nhiên, rủi ro bảo mật chỉ là một trong những mối lo ngại khi Trung Quốc tiếp cận công nghệ Đức.

Một số người lo ngại rằng việc chuyển giao giấy phép này có thể khiến các doanh nghiệp Đức mất đi lợi thế cạnh tranh. IW thậm chí còn lo ngại rằng các đối thủ Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ đã được cấp phép để sản xuất hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn hoặc tốt hơn. Điều này có thể làm giảm thị phần và doanh thu của các công ty Đức, cũng như khả năng đổi mới và tạo ra công nghệ mới của họ.

Việc cho phép Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Đức cũng có thể dẫn đến việc đánh mất quyền sở hữu trí tuệ. Theo IW, các công ty Đức có thể phải đối mặt với những thách thức hoặc tranh chấp pháp lý liên quan đến quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ ở Trung Quốc, nơi luật pháp và việc thực thi luật đôi khi yếu hoặc không đồng đều.

Một số người cũng lo ngại rằng Trung Quốc có thể đánh cắp hoặc làm suy yếu công nghệ của Đức thông qua hoạt động gián điệp công nghiệp hoặc tấn công mạng.

Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi Đức bắt đầu phản ứng với mánh khóe cấp phép của Trung Quốc bằng cách cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để giám sát chặt chẽ hơn đối với các đối tác như vậy, đặc biệt là trong các ngành nhạy cảm nơi công nghệ mang ý nghĩa quân sự hoặc địa chính trị.

Cải cách Luật Kiểm toán

Theo nhật báo Handelsblatt, Bộ Kinh tế Đức đang xem xét sửa đổi luật kiểm toán đầu tư, hiện chỉ điều chỉnh các khoản đầu tư trực tiếp và các thương vụ mua lại của các công ty nước ngoài.

Theo đó, cải cách có thể bao gồm các yêu cầu khắt khe hơn về hợp đồng cấp phép, chẳng hạn như hạn chế thời hạn, phạm vi và khả năng chuyển nhượng của giấy phép công nghệ.

Đức cũng đang theo đuổi chính sách “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc, với mục tiêu đa dạng hóa các đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng để giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Đức tìm cách tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, đổi mới và an ninh với các quốc gia và khu vực khác, bao gồm Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Tuy nhiên, Đức coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm và là đối tác của nhiều công ty tại Berlin, nên quốc gia châu Âu này đang cố gắng cân bằng lợi ích kinh tế với các giá trị chính trị và mối quan tâm an ninh trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo dự báo của The Observatory of Economic Complexity, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Đức vào năm 2023 dự kiến đạt khoảng 274 tỷ USD (250 tỷ Euro), cao hơn một chút so với mức 269 tỷ USD vào năm 2021. Cán cân thương mại của Đức được dự báo là âm, do xuất khẩu từ Trung Quốc sang Đức dự kiến sẽ vượt qua nhập khẩu từ Đức khoảng 11 tỷ USD.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc nhắm mục tiêu công nghệ Đức qua 'cửa sau'