Ủy ban Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt Thụy Điển vào NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (26/12), Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển sau 19 tháng trì hoãn do Ankara đòi hỏi một số nhượng bộ liên quan đến an ninh từ Stockholm.

Theo hãng tin Reuters, sau 4 giờ thảo luận, bao gồm các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề khác, Ủy ban đối ngoại, do Đảng AK cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát, đã bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thụy Điển đệ trình vào năm ngoái. Động thái này của Stockholm được cho là để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine.

Bước tiếp theo là một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Quốc hội, nơi Đảng của ông Erdogan cũng chiếm đa số. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng vài tuần.

Nếu đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, Tổng thống Erdogan sẽ ký luật ban hành chính thức, qua đó khép lại một quá trình đã kéo dài suốt 19 tháng qua khiến một số đồng minh của Ankara thất vọng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa quốc gia này với phương Tây cũng phải đối mặt với không ít thử thách.

Tuy nhiên, ông Fuat Oktay, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại, đã dập tắt kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng tại Đại hội đồng.

Ông nói với các phóng viên: “Quyết định đệ trình yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển lên Đại hội đồng đã được thực hiện ngay bây giờ, nhưng điều này không nên được hiểu như (một dấu hiệu) rằng nỗ lực này sẽ được thông qua tại Đại hội đồng với tốc độ nhanh như vậy. Không có điều đó đâu”.

Sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển hoan nghênh động thái này và mong muốn được gia nhập NATO.

Ông Boris Ruge, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, cho biết trên nền tảng xã hội X rằng sự chấp thuận của ủy ban là “tin tức tuyệt vời”.

Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Phân tích 3 cuộc bầu cử gây ảnh hưởng đến hình thế toàn cầu năm 2023
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra tuyên bố sau cuộc họp nội các về chiến sự Nga - Ukraine, tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 28/02/2022. (Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống / Getty Images)

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong hơn một thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng rằng Thụy Điển cung cấp nơi ẩn náu và "môi trường hoạt động tự do" cho những phần tử bất đồng chính kiến ​​mà nước này liệt vào danh sách khủng bố.

Trong số đó có các thành viên của phong trào Gülen, một tổ chức tôn giáo mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đã cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính vào năm 2016 để gây bất ổn cho chính phủ của Tổng thống Erdogan; cũng như các chính trị gia người Kurd tham gia vào một cuộc nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự phẫn nộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính sách tị nạn của Thụy Điển đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi người Thụy Điển, sau hơn 200 năm giữ thái độ trung lập không liên kết, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Để trở thành thành viên NATO, cần phải có sự nhất trí của tất cả 31 quốc gia thành viên của liên minh này.

Trong khi đó, Ankara đã phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO, viện dẫn chính sách di cư của nước này. Hungary cũng từ chối tư cách thành viên của Thụy Điển để phản đối các khoản phạt tham nhũng và các hình phạt khác của Liên minh châu Âu.

Để giải quyết các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển đã đồng ý dẫn độ những nghi phạm khủng bố bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã, mặc dù nhiều trường hợp vẫn bị trì hoãn do phán quyết của tòa án.

Thụy Điển cũng đã sửa đổi Hiến pháp và củng cố các quy định chống khủng bố như một phần của một loạt các biện pháp mới có hiệu lực vào ngày 1/6.

Phát biểu trước báo giới ngày 4/7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thái độ, Hungary sẽ không cản trở tiến trình này nữa.

Ngày 6/7, ông Stoltenberg đã hội đàm với các Ngoại trưởng và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan tại Brussels, Bỉ.

Trong một cuộc họp báo khác vào ngày 6/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh rằng Thụy Điển cần phải thực thi các sửa đổi đối với luật chống khủng bố của nước này.

Ông Erdogan đã gửi đề xuất của Thụy Điển tới quốc hội vào tháng 10, nhưng cũng đặt điều kiện Mỹ cần chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara. Sau cuộc gọi với Tổng thống Biden trong tháng này, ông Erdogan cho biết Washington đang xem xét việc phê chuẩn.

Nhà Trắng ủng hộ thương vụ này, mặc dù hiện chưa có khung thời gian rõ ràng để Quốc hội Mỹ phê duyệt. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số phản đối của quốc hội về việc trì hoãn việc mở rộng NATO.

Chính sách ngoại giao cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong 18 tháng qua cũng khiến một số thành viên NATO khó chịu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Không giống như các đồng minh, Ankara duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow cũng như Kyiv và không phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ủy ban Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt Thụy Điển vào NATO