Anh tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (United Kingdom Royal Air Forces - RAF) đã thông báo sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự với nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho đến tháng 12, trong đó có Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một chuyến bay gồm 4 máy bay chiến đấu Typhoon (Cuồng phong) và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không Voyager của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã đến Úc để tham gia Cuộc tập trận Pitch Black ở Darwin cùng với 100 máy bay khác và 2.500 binh lính đến từ 17 quốc gia khác nhau.

Vương Quốc Anh triển khai mở rộng lực lượng song song với việc Hải quân Hoàng gia Anh kỷ niệm một năm hiện diện thường trực trong khu vực cùng với hai tàu tuần tra HMS Tamar và HMS Spey.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cũng xác nhận khả năng RAF hiện diện lâu dài trong khu vực và thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc duy trì mối quan hệ lịch sử với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“An ninh và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là điều tối quan trọng. Cùng với các cuộc tập trận Pitch Black và sự hiện diện bền bỉ của Hải quân Hoàng gia ở Thái Bình Dương, chúng tôi sẵn sàng thể hiện cam kết và trách nhiệm chung trên toàn khu vực, đồng thời tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ của Vương Quốc Anh với bạn bè và đồng minh”, ông nói.

Động thái tăng cường sự hiện diện của Vương quốc Anh diễn ra sau khi chính phủ Anh xác định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, an ninh, cũng như tham vọng toàn cầu của Vương quốc Anh trong việc ủng hộ các xã hội tự do và rộng mở.

Lý do về sự can dự quân sự ngày càng tăng của Vương quốc Anh xuất phát từ việc cựu Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố trong một bài báo hồi tháng 7/2021 rằng, tầm nhìn của chính phủ Vương quốc Anh là tăng cường hiện diện vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với tư cách là đối tác châu Âu rộng lớn nhất, sự hiện diện tích hợp nhất nhằm hỗ trợ thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi, chia sẻ các giá trị và đảm bảo an ninh vào năm 2030.

Bài báo cho biết: “Chúng tôi sẽ theo đuổi cam kết sâu rộng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ủng hộ sự thịnh vượng chung và ổn định khu vực, phát triển các mối quan hệ ngoại giao và thương mại bền chặt hơn”.

Châu Âu can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực để chống lại Trung Quốc

Vương quốc Anh không phải là cường quốc châu Âu duy nhất tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp và Đức cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự trong khu vực.

Ngoài ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết họ đang chuyển sang tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực như một đối trọng với lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 4 tuyên bố, tổ chức này sẽ tăng cường can dự trong khu vực để chống lại hành động gây hấn và quân sự hóa của Bắc Kinh.

“Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã cùng với Moscow đặt câu hỏi về quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường riêng của mình”, ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình”.

Trong khi đó, Pháp gần đây đã chứng tỏ khả năng ứng phó nhanh chóng với xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, một đội ngũ của Không quân Pháp có thể bay từ Paris đến New Caledonia chỉ trong 72 giờ, vượt qua quãng đường hơn 16.600 km (10.315 dặm). Điều này đã chứng tỏ năng lực của Pháp trong việc tham gia nhanh chóng vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo Thiếu tướng Stephane Groen, tham mưu trưởng quân đội Pháp, “Việc chúng tôi đang cố gắng triển khai lực lượng không quân ở Thái Bình Dương” là một ví dụ cụ thể cho thấy quyết tâm của Pháp trong việc đảm bảo chủ quyền của các nước trong khu vực được bảo vệ.

"Pháp có thể phóng chiếu sức mạnh trên không để bảo vệ lãnh thổ của mình hoặc bảo vệ lãnh thổ của các đồng minh", Thiếu tướng Stephane Groen, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tác chiến Không quân và Vũ trụ Pháp, nói với tờ Nikkei Asia hôm 12/9.

Ông Michito Tsuruoka, phó giáo sư về an ninh quốc tế và chính trị châu Âu tại Đại học Keio của Nhật Bản cho biết, việc tái tham gia vào khu vực là một chiến lược tích cực cho các cường quốc châu Âu.

Trong một bài báo được tờ The Diplomat đăng tải vào năm 2021, ông Michito Tsuruoka nhận định rằng, nếu các đồng minh tập trung vào các mối đe dọa và thách thức khác nhau trong các khu vực xung đột khác nhau, thì có khả năng cao là nó sẽ dẫn đến "khoảng cách nhận thức giữa họ ngày càng tăng", gây khó khăn cho việc "phối hợp hoạt động về các vấn đề rộng lớn hơn như Trung Quốc hoặc Nga".

Ông Tsuruoka nhận định, khoảng cách địa lý không còn là lá chắn để châu Âu tự vệ khỏi các hành vi hung hăng của Trung Quốc nữa.

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của việc phóng chiếu sức mạnh của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì xét về sức mạnh thì châu Âu có ít hơn so với quân đội Mỹ. Washington từng triển khai hàng chục nghìn binh lính và hàng chục tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một số người đang kêu gọi châu Âu nên tập trung vào việc bảo vệ châu Âu trước Nga để Mỹ có thể tập trung vào Trung Quốc.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Anh tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương