Bình luận về kết quả của 2 giờ hội đàm giữa ông Biden và ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lịch sử cho chúng ta biết gì về những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc?

Bài bình luận

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, 2 giờ hội đàm của ông ấy với ông Tập Cận Bình ở San Francisco là khoảng thời gian tuyệt vời. Ông Biden cho biết ông Tập đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao, giảm xuất khẩu fentanyl sang Hoa Kỳ và không quân sự hóa trí tuệ nhân tạo.

Chỉ vài ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự hào tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để cả hai nước “đẩy nhanh” quá trình chuyển đổi từ than, dầu và khí đốt sang các nguồn năng lượng xanh như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Lịch sử cho chúng ta biết gì về những thỏa thuận như vậy với Trung Quốc?

Dưới đây là một số điều mà các phương tiện truyền thông dòng chính sẽ không nói cho quý vị.

Đường dây nóng và Trao đổi quân sự cấp cao

Các cuộc trao đổi trước đây về quân sự [giữa Mỹ và Trung Quốc] đều tuân theo một khuôn mẫu tiêu chuẩn. Lầu Năm Góc thường háo hức thực hiện thỏa thuận bằng cách mời các phái đoàn Trung Quốc đến thăm — chính xác là đến do thám — tàu chiến và cơ sở sản xuất hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, thay vì làm điều tương tự, phía Trung Quốc chỉ cho phép người Mỹ đến xem những gì mà một vị tướng Mỹ đã mô tả là “rác rưởi”.

Còn tuyên bố của Tổng thống Biden rằng “[ông Tập] và tôi đã đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể nhấc điện thoại, gọi trực tiếp, và chúng tôi sẽ được lắng nghe ngay lập tức” thì sao?

Tổng thống Biden, nếu ông ấy biết, thì đã quên rằng các đường dây nóng chưa bao giờ có tác dụng với Trung Quốc. Khi Tổng thống Bush cố gắng gọi cho Đặng Tiểu Bình trong vụ thảm sát Thiên An Môn, ông Đặng đã từ chối bắt máy. Khi một phi công lái máy bay chiến đấu liều lĩnh của Trung Quốc gây ra vụ va chạm giữa không trung với máy bay giám sát EP-3 của Mỹ, Bắc Kinh một lần nữa từ chối trả lời các cuộc điện thoại liên tiếp đến từ Washington.

Khả năng ông Tập sẽ nhận cuộc điện thoại của Tổng thống Biden trong trường hợp xảy ra khủng hoảng là bao nhiêu?

Là không (0).

Cuộc khủng hoảng Fentanyl

Fentanyl - loại chất gây nghiện bất hợp pháp nguy hiểm nhất từng được tạo ra - đã biến toàn bộ các khu phố ở các thành phố lớn tại Mỹ thành nơi giống như các ổ thuốc phiện ngoài trời của thế kỷ 21. Ước tính có khoảng 109.000 người Mỹ chết vì sử dụng ma túy quá liều — nhiều cái chết là do fentanyl — vào năm 2022 và con số này ngày càng tăng. Đây là thảm họa ma túy chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Hầu hết người Mỹ đều biết rằng fentanyl đến từ các cơ sở sản xuất do các băng đảng Mexico điều hành. Điều họ không biết là nếu không vận chuyển tiền chất hóa học fentanyl từ Trung Quốc, việc sản xuất thuốc phiện trong các cơ sở đó sẽ bị đình trệ. Và nếu không có Trung Quốc giúp rửa hàng tỷ đô-la lợi nhuận, thì các băng đảng sẽ ngập trong tiền mặt và không thể che giấu, tiền của họ không thể mang theo cũng như không thể dùng để đầu tư.

Bình luận về kết quả của 2 giờ hội đàm giữa ông Biden và ông Tập
Các túi nhỏ đựng fentanyl tại Phòng thí nghiệm Khu vực Đông Bắc của Cơ quan Chống Ma túy ở New York, Mỹ, ngày 8/10/2019. (Ảnh: Don Emmert/AFP qua Getty Images)

Giờ đây, Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông đã đạt được một cam kết về mặt nguyên tắc từ "nhà độc tài" Trung Quốc - theo như cách ông ấy gọi ông Tập - nhằm trấn áp các nhà sản xuất và xuất khẩu fentanyl và tiền chất của nó ở Trung Quốc.

Điều chắc chắn đúng đó là, nếu ông Tập muốn, ông ấy có thể xử lý các băng đảng trong thời gian ngắn hơn thời gian mà fentanyl cần để làm trái tim của một người ngừng đập. Thực tế là không có công ty tư nhân nào tồn tại ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể phủ nhận điều này, nhưng họ biết chính xác công ty dược phẩm nào ở Trung Quốc đang sản xuất và vận chuyển các hóa chất cần thiết để sản xuất fentanyl.

Việc họ tiếp tục cho phép điều đó diễn ra trong hơn một thập kỷ cho thấy rằng đây là hành động có chủ ý: Bắc Kinh đang sử dụng các băng đảng ma túy để tiến hành một loại chiến tranh ủy nhiệm chống lại Hoa Kỳ và công dân Hoa Kỳ. Và, như một phần thưởng bổ sung, khi số lượng người Mỹ thiệt mạng tăng lên, thì lợi nhuận của Trung Quốc cũng tăng lên theo.

Nếu như Tổng thống Biden áp đặt thuế quan trừng phạt lên Trung Quốc cho đến khi nước này chấm dứt hành vi gây hấn bằng ma túy chống lại Hoa Kỳ, thì ông Tập có thể đã hành động. Nhưng không, cuộc chiến tranh hóa học chống lại kẻ thù lớn của Trung Quốc – là Hoa Kỳ – sẽ tiếp tục được Bắc Kinh tiến hành.

Thỏa thuận về không quân sự hóa trí tuệ nhân tạo

Từng có thông tin cho rằng cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đều cam kết cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vũ khí tự động, chẳng hạn như máy bay không người lái, cũng như trong việc kiểm soát và triển khai đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Biden chắc chắn đã đưa ra cam kết như vậy trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với ông Tập, nhưng ông Tập đã im lặng. Rõ ràng, chưa có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.

Bình luận về kết quả của 2 giờ hội đàm giữa ông Biden và ông Tập
Các robot được trưng bày trong Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 7/7/2023. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Nói cách khác, Tổng thống Biden dường như đã từ bỏ một lợi thế to lớn về công nghệ mà… chẳng đổi lại được gì. Chúng ta [Mỹ] sẽ ngừng nghiên cứu về ứng dụng quân sự của AI trong khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại tiếp tục tiến lên phía trước. Lợi thế công nghệ cao mà chúng ta đang có sẽ bị xói mòn khi Trung Quốc đuổi kịp và vượt qua chúng ta.

Cũng không có giá trị gì kể cả khi ông Tập ký một thỏa thuận chính thức. ĐCSTQ sẽ đơn giản là lừa dối trong khi chúng ta một lần nữa phải cầm một tờ giấy vô giá trị.

Thỏa thuận chung về khủng hoảng khí hậu

Phấn khích với thành công trong thỏa thuận về AI, Tổng thống Biden còn đồng ý làm tê liệt hoạt động sản xuất năng lượng của Mỹ. Ông cho biết, hai nước sẽ cùng nhau chống lại “biến đổi khí hậu”, đồng thời cùng nhau đóng cửa ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Vì năng lượng gió và năng lượng mặt trời là các nguồn năng lượng không đáng tin cậy nên thỏa thuận thiếu sáng suốt của chính quyền Biden sẽ khiến người Mỹ phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn, khiến các nhà máy bị đóng cửa và công nhân mất việc làm. Ngoài ra, cảnh quan nước Mỹ sẽ bị làm cho xấu đi với những chiếc Cuisinart khổng lồ giết chết chim [để bảo vệ các cối xay gió] và những cánh đồng pin mặt trời xấu xí - thứ có tuổi thọ ngắn, không thể tái chế và rất tốn kém để sản xuất ra.

Tổng thống Biden có thể không nhớ, nhưng chắc chắn có người trong chính quyền của ông còn nhớ rằng, chỉ 2 năm trước, ông Tập đã đưa ra cam kết tương tự là “kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện chạy bằng than” ở Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ông Tập đã tăng số lượng nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng ở Trung Quốc, từ 127 nhà máy vào năm 2019–2020 lên 182 vào năm 2021–2022.

Nói cách khác, kết quả có thể xảy ra nhất của thỏa thuận này là, khi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Mỹ bị nghiền nát và chúng ta buộc phải cầu nguyện cho gió thổi và cho mặt trời chiếu sáng, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng 2 nhà máy điện than mỗi tháng.

Ngay cả khi Tổng thống Biden không làm vậy, ông Tập vẫn biết rằng việc tiếp cận năng lượng giá rẻ là sự khác biệt làm nên sự giàu có hay nghèo đói. Và ông ấy không phải chịu đựng “nỗi lo lắng về khí hậu”.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng viết một cuốn sách bán chạy nhất có tên “The Art of the Deal” (Nghệ thuật Đàm phán). Tổng thống Biden nên viết một cuốn sách có tựa đề “The Art of the Sell-Out” (Nghệ thuật Phản bội - tạm dịch).

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Steven W. Mosher là Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số và tác giả của cuốn sách “Khủng bố ở châu Á: Tại sao giấc mộng Trung Hoa lại là mối đe dọa mới đối với trật tự thế giới” (Bully of Asia: Why China’s Dream is the New Threat to World Order). Ông Mosher có bằng cao cấp về Hải dương học, Nghiên cứu Đông Á và Nhân chủng học. Là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc, ông được Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ lựa chọn để trở thành nhà khoa học xã hội Mỹ đầu tiên nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc vào năm 1979.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận về kết quả của 2 giờ hội đàm giữa ông Biden và ông Tập