Hành động xâm nhập liên tục của Trung Quốc vào vùng biển Đài Loan là 'chiêu trò hù dọa'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ ngày 15/3 đến 16/3, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển xung quanh Kim Môn, khu vực do Đài Loan kiểm soát. Đây là hành động vi phạm tiếp theo sau sự kiện tương tự vào ngày 14/3, khi bốn tàu Trung Quốc đi vào vùng cấm của Kim Môn.

Theo các nhà phân tích, động thái này của Trung Quốc nhằm thể hiện chủ quyền và có thể được coi là chiến lược tuyên truyền trong nước hơn là một mối đe dọa thực sự.

Sáng ngày 16/3, Cơ quan Quản lý Hải dương thuộc Ủy ban Hải dương Đài Loan xác nhận các tàu Trung Quốc mang số hiệu 14608, 2202, 2203 và 14604 đã vi phạm vùng biển Kim Môn. Hải quân Đài Loan đã đáp trả bằng cách triển khai tàu tuần tra theo dõi tình hình và cảnh báo các tàu xâm nhập. Các tàu Trung Quốc sau đó đã rút lui vào lúc 10:06 sáng.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan lên tiếng chỉ trích các hành động xâm nhập thường xuyên của Cảnh sát biển Trung Quốc vào vùng biển Đài Loan. Họ cho rằng những hành động này gây nguy hiểm cho an toàn và trật tự hàng hải, đặc biệt là trong bối cảnh giao thông đường biển dày đặc trong khu vực.

Trước khả năng xảy ra tai nạn hàng hải, Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan kêu gọi Trung Quốc dừng ngay các hành động khiêu khích này để bảo vệ an toàn cho tất cả các tàu thuyền qua lại khu vực.

Vụ việc mới nhất này là một ví dụ điển hình cho mô hình lặp đi lặp lại của Trung Quốc, với việc các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Kim Môn dưới chiêu bài “tuần tra thực thi pháp luật".

Chỉ một ngày trước đó, vào ngày 15/3, Trung Quốc đã phái bốn tàu Cảnh sát biển đến cùng khu vực. Theo thông cáo từ phía Trung Quốc, mục đích của các cuộc tuần tra này là "bảo vệ quyền, lợi ích và sự an toàn của ngư dân Trung Quốc, bao gồm cả những người đến từ khu vực Đài Loan".

Đây là hành động phi quân sự thứ hai của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan trong vòng 24 giờ. Người phát ngôn của Chính quyền Đài Loan nhận xét rằng các hoạt động đối kháng liên tục của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và áp lực của nước này đối với Đài Loan là những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng lâu đời, phá hoại hòa bình và ổn định toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Vào ngày 14/2, căng thẳng dai dẳng trên vùng biển giữa Kim Môn thuộc Đài Loan và Hạ Môn thuộc Trung Quốc lại bùng phát. Một tàu cao tốc Trung Quốc xâm nhập vùng cấm của Kim Môn và bị lực lượng Tuần duyên Đài Loan truy đuổi, dẫn đến sự cố tàu lật úp và hai người thiệt mạng.

Sự việc thu hút sự chú ý bởi khu vực này vốn nhạy cảm do vị trí địa lý gần gũi giữa hai bờ eo biển, chỉ cách nhau khoảng 2,2 km. Cùng với đó, tình trạng đối đầu quân sự kéo dài giữa hai bên càng khiến căng thẳng leo thang.

Luật pháp Đài Loan về quan hệ hai bờ eo biển quy định tàu thuyền từ Trung Quốc đại lục không được phép xâm nhập vùng cấm hoặc hạn chế của Đài Loan mà không có sự cho phép. Đối với các đảo ngoài khơi như Kim Môn và Mã Tổ, vùng biển trong phạm vi 12 hải lý (22,2 km) được coi là vùng hạn chế, trong khi vùng biển trong phạm vi 6 hải lý (11,1 km) là vùng cấm.

Sau vụ việc tàu cao tốc Trung Quốc xâm nhập vùng cấm của Kim Môn, Văn phòng Sự vụ Đài Loan tại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi rằng không có "vùng cấm hoặc hạn chế" nào trong khu vực này.

Tiếp đó, Cục Cảnh sát Biển Phúc Kiến thông báo kế hoạch tăng cường "các cuộc tuần tra thực thi pháp luật thường xuyên" tại khu vực lân cận. Đáng chú ý, họ đã thực hiện hành động lên tàu kiểm tra cưỡng bức du thuyền du lịch Đài Loan "Kim Môn - Hạ Môn" vào ngày 19/2.

‘Ý định khẳng định chủ quyền của Trung Quốc là rõ ràng’

Trong những diễn biến gần đây, các nhà phân tích quân sự Đài Loan nhấn mạnh vào sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Hiện nay, lực lượng này có hơn 70 tàu có trọng tải trên 3.000 tấn và được trang bị tương đương với các tàu hải quân.

Việc Trung Quốc ban hành Luật Cảnh sát Biển năm 2021, cho phép sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển, đã khẳng định lập trường cứng rắn của họ tại các vùng biển khu vực, bao gồm cả các khu vực nhạy cảm như Đông Sa và Nam Sa.

Cách tiếp cận này gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng và cả Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc sử dụng các tàu trọng tải lớn trong các cuộc xâm nhập, đặc biệt là tàu 2202 và 2203 thuộc Cục Cảnh sát Biển số 2, cho thấy sự leo thang có chủ ý của họ trong việc thực thi yêu sách chủ quyền phi pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà phân tích quân sự Đài Loan Triệu Lệ Nghi (Chi Le-Yi) nhận định rằng những hành động này là “ý định của [Bắc Kinh] nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền”.

Ông Chi cũng chỉ ra rằng việc phân định vùng hạn chế được Bộ Quốc phòng Đài Loan thiết lập vào năm 1992. Tuy nhiên, những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc lại được thúc đẩy bởi việc Đài Loan bác bỏ Đồng thuận 1992. Điều này cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong động lực của quan hệ hai bờ eo biển, với sự gia tăng căng thẳng và đối đầu.

Ông Chi bày tỏ lo ngại về các hành động hung hăng trên biển của Trung Quốc. Ông phân tích đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm củng cố "Nguyên tắc Một Trung Quốc" - lập trường đang vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ từ Đài Loan và Hoa Kỳ. Nỗ lực định hướng dư luận này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với áp lực nội bộ và tìm cách giảm bớt bất ổn địa chính trị bằng cách khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc.

Theo ông Chi, chiến lược của Bắc Kinh là hoạt động trong "vùng xám", lợi dụng sự mơ hồ để sử dụng tàu Cảnh sát biển trá hình dưới vỏ bọc thực thi luật hàng hải thay vì hành động quân sự hung hăng.

Ông Chi nhận định: "Trung Quốc tuyên bố tàu Cảnh sát biển của họ không phải là tàu quân sự mà là để thực thi luật hàng hải. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù Cảnh sát biển và các tàu của họ chủ yếu chịu trách nhiệm thực thi quyền trên biển, họ cũng thực hiện các nhiệm vụ khác như phối hợp với quân đội trong các hoạt động tác chiến".

“Do đó, chúng ta không nên chỉ xem đây là vấn đề về quyền tài phán eo biển. Chúng ta cần nhìn xa hơn để xem liệu có sự triển khai phối hợp trước với các hoạt động quân sự, bao gồm cả việc thu thập thông tin tình báo hay không".

Nhà phân tích cũng chỉ ra những hạn chế của Đài Loan trong việc đối phó với các cuộc xâm nhập này. Đài Loan bị giới hạn trong các phản ứng phi quân sự và phải tuân thủ các quy định về việc xua đuổi lịch sự.

Trong khi đó, Trung Quốc lợi dụng những cuộc xâm nhập này để thu thập thông tin tình báo có giá trị. Sự bất cân xứng này không chỉ làm suy yếu chủ quyền của Đài Loan mà còn gây ra những rủi ro an ninh đáng kể, tiềm ẩn khả năng Trung Quốc có những hành động hung hăng hơn trong khu vực.

Ông Chi cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở rộng "các cuộc tuần tra thực thi pháp luật" vào vùng biển xung quanh Kim Môn có thể dẫn đến các hành động tương tự ở các khu vực chiến lược quan trọng khác như Mã Tổ và Bành Hồ.

Việc mở rộng này không chỉ vi phạm chủ quyền của Đài Loan mà còn phá vỡ hiện trạng lâu đời trên eo biển, gây ra những tác động sâu rộng đến ổn định và an ninh khu vực. Tình hình này cần được quan sát thận trọng, vì nó có thể báo hiệu một sự thay đổi theo hướng hung hăng hơn và có khả năng leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự rộng lớn hơn.

Cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc cho rằng hành động của Trung Quốc là lừa bịp để lôi kéo dư luận trong nước.

Trái ngược với phân tích của ông Chi, ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá hải quân Trung Quốc, lại bày tỏ sự hoài nghi về tính thực chất của các hoạt động quân sự Trung Quốc. Ông cho rằng mục đích chính của họ là phô trương sức mạnh cho người dân trong nước hơn là một mối đe dọa thực sự. Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Yao nhấn mạnh tác động hạn chế của việc Trung Quốc triển khai tàu Cảnh sát biển và coi đây là hành động không hiệu quả.

Ông Diêu Thành nhận xét: "Trung Quốc có làm gì cũng không có tác dụng nhiều; nó chỉ để trình diễn cho khán giả trong nước thôi. Ngay cả khi họ gửi thêm hàng chục, hàng trăm tàu Cảnh sát biển đi chăng nữa thì cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Hơn nữa, đe dọa ngư dân là vô nghĩa. ĐCSTQ đã thực sự bảo vệ quyền và lợi ích của người dân từ khi nào?"

Ông Diêu Thành cũng chỉ ra rằng năng lực của Cảnh sát biển Trung Quốc bị hạn chế đáng kể so với các lực lượng quân sự. Do đó, trong các cuộc chạm trán với tàu tuần tra Đài Loan, họ chủ yếu sử dụng các biện pháp không gây chết người như vòi rồng, vì tàu Cảnh sát biển không được trang bị vũ khí hạng nặng.

Ông Diêu Thành cũng đề cập đến tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, nhấn mạnh sự sẵn sàng bảo vệ lãnh hải của Đài Loan. Theo đó, các chỉ huy quân sự Đài Loan có quyền phản ứng dứt khoát, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực, nếu tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải 12 hải lý (22,2 km) của Đài Loan và phớt lờ cảnh báo rút lui.

Nhấn mạnh vào việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, bao gồm việc triển khai Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ cho các hoạt động huấn luyện chung tại Đài Loan, ông Diêu Thành lập luận rằng những diễn biến này đã làm giảm đáng kể các mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc.

Theo ông Diêu, các hành động quân sự của Trung Quốc phần lớn mang tính biểu tượng, nhằm phô trương sức mạnh hơn là tạo ra thách thức thực sự đối với Đài Loan. Ông kết luận: "Tất cả chỉ là những lời đe dọa giả tạo. Họ chỉ cử một vài tàu đến đây để trình diễn cho người dân xem. Họ không thể đe dọa Đài Loan”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hành động xâm nhập liên tục của Trung Quốc vào vùng biển Đài Loan là 'chiêu trò hù dọa'?