Hong Kong thông qua luật an ninh mới, Anh - Mỹ lên án và lo ngại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã thông qua Điều 23 vào thứ Ba (ngày 19/3), sự việc này đang gây xôn xao dư luận quốc tế. Bộ Ngoại giao Anh đã đưa ra tuyên bố nghiêm khắc lên án động thái của chính quyền Hong Kong vì đã làm suy yếu hơn nữa các quyền lợi và sự tự do mà Hong Kong được hưởng trước đây. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ lo ngại trước phạm vi quy định rộng rãi và mơ hồ của Điều 23.

27 năm sau khi chủ quyền của Hong Kong được Vương quốc Anh chuyển giao cho Bắc Kinh, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã nhất trí thông qua "Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia" (thường được gọi là Dự luật Lập pháp Điều 23 trong "Luật Cơ bản") vào tối ngày 19/3 theo giờ địa phương.

Cùng với "Luật An ninh Quốc gia”, dự luật này được cho là sẽ trở thành một đạo luật khác của chính quyền Hong Kong nhằm vào các tội phạm an ninh quốc gia.

Điều 23 quy định: “Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ tự ban hành luật để nghiêm cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai quốc gia, xúi giục nổi loạn, lật đổ Chính quyền nhân dân Trung ương và trộm cắp bí mật nhà nước, cấm các tổ chức hoặc đoàn thể mang tính chính trị của nước ngoài tiến hành các hoạt động chính trị tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, cấm các tổ chức hoặc đoàn thể mang tính chính trị tại Đặc khu Hành chính Hong Kong thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc đoàn thể mang tính chính trị của nước ngoài".

Anh: Điều 23 sẽ tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận, hội họp và truyền thông ở Hong Kong

Ngoại trưởng Anh David Cameron đã ra tuyên bố cho biết: "Là một thành phố quốc tế, danh tiếng của Hong Kong [có được là] dựa trên sự tôn trọng pháp quyền, sự độc lập về thể chế, mức độ tự trị cao, cũng như việc bảo vệ quyền lợi và sự tự do của tất cả người dân cư trú và làm việc ở Hong Kong. Luật mới này, được thông qua một cách vội vã trong quá trình lập pháp, sẽ gây những hậu quả sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực này.

"Các định nghĩa rộng rãi về an ninh quốc gia và sự can thiệp từ bên ngoài [trong Điều 23] sẽ gây khó khăn hơn cho những người sống, làm việc và kinh doanh ở Hong Kong. Nó sẽ không thể mang lại sự đảm bảo chắc chắn cho các tổ chức quốc tế hoạt động ở đó (bao gồm cả các sứ đoàn ngoại giao). Nó sẽ làm cho văn hóa tự kiểm duyệt - hiện đang bao trùm lên bố cục chính trị và xã hội của Hong Kong - trở nên mạnh mẽ hơn nữa và tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí.

"Tác động tổng thể của luật an ninh quốc gia mới của Hong Kong là, nó sẽ làm suy yếu hơn nữa các quyền lợi và sự tự do mà thành phố này được hưởng trước đây. Nó đã phá hoại các nghĩa vụ quốc tế mang tính ràng buộc mà Hong Kong phải thực hiện, bao gồm ‘Tuyên bố chung Trung - Anh’ và ‘Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’.

“Tôi kêu gọi chính quyền Hong Kong tôn trọng các quyền lợi và sự tự do được ‘Luật Cơ bản’ trao tặng, duy trì mức độ tự chủ và pháp quyền cao, đồng thời hành động phù hợp với các cam kết quốc tế và nghĩa vụ pháp lý của họ".

Ngoại trưởng Anh David Cameron ở London hôm 11/3/2024, vào cuối buổi lễ tưởng niệm Ngày Thịnh vượng chung hàng năm. (DANIEL LEAL/AFP qua Getty Images)

Mỹ: Điều 23 có thể đẩy nhanh việc phong bế xã hội Hong Kong

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi cho rằng, hành động này có thể đẩy nhanh việc phong bế Hong Kong - một xã hội từng cởi mở. Chúng tôi lo ngại trước phạm vi quy định rộng rãi và mơ hồ của Điều 23.

“Chúng tôi cho rằng, luật này được Hội đồng Lập pháp [Hong Kong] thông qua một cách nhanh chóng sau khi rút ngắn thời gian lấy ý kiến ​​của công chúng và bầu chọn một cách phi dân chủ. Chúng tôi cũng cho rằng, nhiều từ ngữ và các hành vi phạm tội được nêu ra [trong luật này] chưa rõ ràng, chúng cực kỳ mơ hồ, họ sử dụng các thuật ngữ như 'sự can thiệp từ bên ngoài', điều này vô cùng mơ hồ”.

Ông Patel cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang phân tích luật này để nghiên cứu những rủi ro tiềm ẩn và tác động của nó đối với công dân Hoa Kỳ, cũng như mức độ ảnh hưởng có thể có của luật này tới các lợi ích khác của Mỹ.

Ông Patel từ chối trả lời việc liệu Quốc hội Mỹ có còn coi Hong Kong là một thực thể độc lập hay không và liệu Điều 23 có dẫn đến những thay đổi chính sách của chính quyền ông Biden hay không.

Ông Patel nói: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm trong việc làm xói mòn quyền tự trị như đã hứa với Hong Kong, chúng tôi sẽ không ngần ngại lên tiếng. Chúng tôi sẽ thực hiện các hành động khác nếu tình hình yêu cầu”.

Sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Hong Kong trong những năm gần đây đã bị quốc tế lên án. Năm 1997, khi Vương quốc Anh bàn giao chủ quyền của Hong Kong cho Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa sẽ thực hiện “Một quốc gia, Hai chế độ” cho Hong Kong, đảm bảo Hong Kong sẽ được hưởng quyền tự trị cao trong 50 năm sau đó và cho phép Hong Kong tiếp tục duy trì mô hình phương Tây. Tuy nhiên, sau khi chủ quyền của Hong Kong được chuyển giao, “Một quốc gia, Hai chế độ” đã dần mất đi hình dáng và giờ đây đã hoàn toàn biến dạng.

Sự thất hứa của Bắc Kinh đã gây ra sự phản kháng mạnh mẽ trong nhân dân Hong Kong, có thể thấy qua các cuộc biểu tình quy mô lớn liên tiếp của người dân Hong Kong trong những năm gần đây: Năm 2014, người dân Hong Kong đã tổ chức phong trào bất bạo động mang tên “Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình” (còn được gọi là Phong trào Ô dù) để giành lại quyền bầu cử thực sự; năm 2019, các cuộc biểu tình dân chủ chống luật dẫn độ lại nổ ra ở Hong Kong.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong thông qua luật an ninh mới, Anh - Mỹ lên án và lo ngại