Lãnh đạo Nhật Bản - Australia ký thỏa thuận an ninh mới nhằm đối phó Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Bảy (22/10), Nhật Bản và Australia đã ký một thỏa thuận an ninh chung cho phép hai quốc gia tăng cường hợp tác quân sự giữa những lo ngại về an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Đây được cho là thỏa thuận nhằm đáp trả sự hung hăng của quân đội Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Australia, Anthony Albanese, đã ký một tuyên bố chung (pdf) tại Perth vào thứ Bảy (22/10). Đây là phiên bản cập nhật của tuyên bố được ký kết vào năm 2017 giữa cựu Thủ tướng Australia John Howard và cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tuyên bố năm 2007 bao gồm các điều khoản về chống khủng bố, bảo vệ biên giới và thúc đẩy hợp tác trước các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên tuyên bố này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Trong cuộc gặp hồi đầu tháng 5, hai Thủ tướng Albanese và Kishida đã nhất trí hướng tới một tuyên bố an ninh chung mới nhằm tăng cường hợp tác an ninh song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sẽ cùng nhau giải quyết các thủ đoạn cưỡng bức kinh tế.

Ông Kishida cho biết trong một tuyên bố một ngày trước lễ ký kết: “Nhật Bản coi Australia là đối tác chiến lược đặc biệt, là cốt lõi trong sự hợp tác của các nước cùng chí hướng như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ".

Tuyên bố chung mới nhất nêu rõ, hai quốc gia "sẽ tham vấn đối phương về các trường hợp bất thường" đe dọa đến chủ quyền của hai nước, cũng như lợi ích an ninh trong khu vực. Đồng thời, tuyên bố cũng khẳng định Australia và Nhật Bản sẽ "cân nhắc các biện pháp để đáp trả" trước các mối đe dọa này.

Hai Thủ tướng cam kết thúc đẩy trao đổi các đánh giá chiến lược ở tất cả các cấp, "bao gồm thông qua các cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo của hai quốc gia; các cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng; đối thoại giữa các quan chức cấp cao và hợp tác về các hoạt động tình báo".

Tăng cường hợp tác với Mỹ

Tuyên bố cũng bao gồm việc củng cố hợp tác với Mỹ. Washington vốn được coi là "trụ cột quan trọng" đối với an ninh của hai quốc gia này, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai quốc gia hướng tới mục tiêu “làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực và tăng cường hơn nữa khả năng tương tác” giữa các lực lượng vũ trang thông qua các cuộc tập trận chung, tập trận đa phương với các đối tác và sử dụng chung các phương tiện chiến đấu.

Tuyên bố chung cho biết: “Việc làm sâu sắc hơn hợp tác ba bên với Mỹ là rất quan trọng nhằm tăng cường liên kết chiến lược, điều phối chính sách, tăng khả năng tương tác và năng lực chung”.

Ông Albanese cho hay, bản cập nhật tuyên bố chung đóng vai trò là “chiếc la bàn cho sự hợp tác an ninh của hai quốc gia trong thập kỷ tới”, đồng thời thúc đẩy nỗ lực của hai nước nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Ông nói trong một tuyên bố: “Mối quan hệ Australia - Nhật Bản là duy nhất và mang lại lợi ích cho cả khu vực dựa trên các giá trị và lợi ích chung của hai nước".

Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trong tuyên bố chung mới cập nhật, song động thái này được cho là nhằm đáp trả sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực và các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan.

Ông Shingo Yamagami, Đại sứ Nhật Bản tại Australia, cho biết trên Twitter rằng hai quốc gia đã cập nhật hiệp ước an ninh song phương “nhằm tăng cường khả năng răn đe do môi trường an ninh đang thay đổi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Năm nay, Nhật Bản đã đề cập đến Đài Loan trong báo cáo quốc phòng hàng năm, nói rằng sự ổn định của Đài Loan là yếu tố “quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản” và cần phải được “giám sát chặt chẽ” trong khi hợp tác với cộng đồng quốc tế.

"Trung Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ không ngần ngại thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Điều này đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết trong báo cáo công bố ngày 22/7.

ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền với một chính phủ được bầu cử dân chủ. Việc Trung Quốc tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan sau chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Dân chủ - California) vào đầu tháng 8. ĐCSTQ đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo vào eo biển Đài Loan và áp đặt phong tỏa vùng biển quốc tế của hòn đảo.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Nhật Bản - Australia ký thỏa thuận an ninh mới nhằm đối phó Trung Quốc