Lính đánh thuê Trung Quốc vạch trần những bí mật ẩn giấu của quân đội Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Nga đang có lợi thế về trang bị và quân số so với lực lượng Ukraine. Đặc biệt khi quân đội Ukraine gặp khó khăn về nguồn cung cấp đạn dược, quân đội Nga dường như đã bắt đầu chiếm thế chủ động trên chiến trường. Nhưng cho đến nay, ngoài việc đánh đổi thương vong lớn để lấy những lợi ích rất hạn chế trên chiến trường, quân đội Nga vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào. Từ những video do một số tình nguyện viên Trung Quốc gia nhập quân đội Nga đăng lên mạng xã hội, người ta dường như hiểu được từ một khía cạnh nào đó một số nguyên nhân khiến quân đội Nga gặp khó khăn trong việc tiến bộ trên chiến trường.

Mới đây, một tình nguyện viên người Trung Quốc đến từ Quảng Đông có tên trực tuyến là ‘Xiaoqiang’ đã gửi một đoạn video từ tiền tuyến của quân đội Nga, mô tả những trải nghiệm của anh và đồng đội trên tiền tuyến. Đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Anh nói: “Đại Mao (người Nga) không coi chúng tôi là con người. Chúng tôi không khác gì đội cảm tử. Họ yêu cầu chúng tôi chiếm giữ chiến hào, nhưng sau khi chiếm giữ, họ không gửi quân tiếp viện. Chúng tôi bị thương vong nặng nề. Cuối cùng, trong số hàng chục người chỉ còn lại sáu bảy người, chiến hào bị ném bom, nhiều người của chúng tôi thiệt mạng, tôi bị thương bởi bảy quả bom từ thiết bị không người lái, may mắn mà còn sống. Tôi muốn bảo mọi người đừng tới đây, đừng bao giờ tới đây…”

Lời nói của anh ấy rất giàu thông tin. Rõ ràng, người Nga coi những người lính đánh thuê Trung Quốc này như bia đỡ đạn. Chúng ta sẽ nói về lý do tại sao tình nguyện viên Trung Quốc hỗ trợ Nga sau, nhưng trước tiên hãy nói về tình hình chiến đấu của quân đội tiền tuyến Nga mà anh đã vô tình tiết lộ. Anh kể rằng họ được phái đi đánh chiếm chiến hào, nhưng sau khi giữ chiến hào, Nga không gửi quân tiếp viện nào để ổn định tiền tuyến khiến họ bị thương vong nặng nề, hàng chục người đi lên chỉ còn lại một số ít người.

Tình huống này rất giống với tình huống quân đội Nga tấn công Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc chiến cách đây hơn hai năm, có vẻ như tình trạng hỗn loạn của bộ chỉ huy tiền tuyến quân đội Nga về cơ bản vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Điều này có thể liên quan nhiều đến hệ thống chỉ huy của quân đội Nga và truyền thống của quân đội Nga coi những người lính cấp dưới như bia đỡ đạn.

Quân đội Nga cho rằng một hệ thống cơ sở hợp lý có thể tích hợp một cách hữu cơ giữa con người, vũ khí và trang thiết bị để phát huy tối đa chức năng tổng thể của quân đội. Vì vậy, năm 2009, quân đội Nga đã cố gắng thay đổi hệ thống tổ chức kiểu Liên Xô ban đầu với quá nhiều cấp chỉ huy dọc và các đơn vị chiến thuật khổng lồ, đồng thời thực hiện chuyển đổi các sư đoàn thành lữ đoàn nhằm nâng cao khả năng tác chiến khẩn cấp nhanh chóng của quân đội.

Họ chủ yếu cắt bỏ các đơn vị thiết giáp có trang bị lạc hậu. Có nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về việc cải cách này sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến khả năng chiến đấu của đơn vị, nhưng quả thực nó đã đạt được mục đích tinh giản bộ máy thành lập đơn vị. Tinh giản là tinh giản, nhưng mô hình chỉ huy không thay đổi căn bản, vẫn là chỉ huy thống nhất từ ​​bộ chỉ huy chiến dịch, với mệnh lệnh dọc được ban hành ở các cấp, quân đội tiền tuyến, nhất là cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, không có quyền tự chủ hành động.

Bộ chỉ huy chiến thuật của quân đội Nga vẫn dựa vào bộ đàm truyền thống, radio và thậm chí cả điện thoại di động. Do đã cũ, trục trặc và thậm chí rò rỉ thiết bị liên lạc, nhiều chiến dịch không thể nhận được hướng dẫn cụ thể để phối hợp tác chiến kịp thời, khiến quân đội tiền tuyến rơi vào tình thế khó khăn, mất mát. Vấn đề mấu chốt là ngay cả khi trục trặc liên lạc được giải quyết, lực lượng này vẫn hoạt động theo một chuỗi mệnh lệnh cứng nhắc.

Trong lịch sử, các sĩ quan và binh lính Nga đến từ các tầng lớp xã hội hoàn toàn khác nhau, hầu hết các sĩ quan đều xuất thân từ tầng lớp trên của xã hội, còn binh lính đến từ tầng lớp thấp hơn trong xã hội, vì vậy các sĩ quan không đối xử bình đẳng với binh lính. Điều này đã trở thành một truyền thống trong quân đội Nga và vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay, đặc biệt là ở chiến trường Ukraine, một số lượng lớn binh sĩ được tuyển mộ từ xã hội, thậm chí cả nhà tù và được đưa ra chiến trường sau khóa huấn luyện ngắn hạn. Mối quan hệ giữa sĩ quan và binh lính thiên về chỉ huy và bị chỉ huy. Chưa kể có những tình nguyện viên nước ngoài, như tình nguyện viên Trung Quốc đã nói, họ không được đối xử như những con người, họ giống như những đội quân cảm tử. Trên thực tế, họ chính là bia đỡ đạn.

Vào ngày 5/4, đài BBC của Anh và phương tiện truyền thông độc lập Mediazona của Nga đã tiến hành một cuộc khảo sát. Theo đó, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực, số binh sĩ Nga được xác định thiệt mạng ở Ukraine đã vượt quá 50.000 người. Nghiên cứu chỉ trích dẫn những người được xác nhận đã thiệt mạng nên gần như chắc chắn đây không phải là số người chết thực sự. BBC ước tính con số thực tế có thể lên tới hơn 100.000 người. Con số này cao hơn ít nhất gấp 10 lần so với con số được chính quyền Nga công bố. Chính quyền Nga hiếm khi công bố số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.

Trong số những người được xác nhận thiệt mạng có hàng trăm lính nghĩa vụ, theo luật pháp Nga, những người này không được ra nước ngoài chiến đấu. Một số người thiệt mạng là cựu tù nhân Nga cũng như tình nguyện viên nước ngoài. Điều này cho thấy chiến tranh đang thay đổi, không còn là khái niệm gọi là hoạt động quân sự đặc biệt nữa, trong lực lượng chính quy của Nga có rất nhiều lính nghĩa vụ, tù nhân và tình nguyện viên. BBC cho biết, 18% số người được xác nhận thiệt mạng là tù nhân, 13% là tình nguyện viên và 12% là quân nhân được điều động.

Cuộc khảo sát này xác nhận số sĩ quan Nga thiệt mạng trong chiến đấu lên tới 3.300 người, so với số binh sĩ thiệt mạng được xác nhận, số binh sĩ Nga thiệt mạng trong chiến đấu gấp khoảng 30 lần số sĩ quan.

Ngoài ra, từ những tuyên bố trái ngược nhau của các blogger quân sự Nga, cũng có thể thấy Nga đang cố gắng che đậy tình hình thực tế về thương vong nặng nề của quân đội mình. Những bình luận này một mặt cố gắng miêu tả quân đội Nga có năng lực hơn quân đội Ukraine, mặt khác chỉ trích quân đội Nga có những sai sót nghiêm trọng dẫn đến thương vong lớn cho bộ binh Nga.

Gần đây, một số blogger quân sự Nga đã bàn luận và chỉ trích các chỉ huy tiền tuyến Nga sử dụng xe bọc thép để đưa bộ binh vào các vị trí tiền tuyến, sau đó cho bộ binh xuống bộ và tấn công trực diện. Chiến thuật này không mới đối với quân đội Nga, nhưng chiến thuật khiến bộ binh không được áo giáp bảo vệ này gặp nguy hiểm dường như đã thu hút rất nhiều sự chú ý.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 8/4 cho thấy một số thành viên của Sư đoàn dù cận vệ 98 (VDV) đã sử dụng chiến thuật này ở vùng ngoại ô Chasiv Yar, phía tây Bahmut. Xe bọc thép chở bộ binh về các vị trí tiền tuyến, sau khi bộ binh xuống xe, xe bọc thép nhanh chóng sơ tán. Một đoạn video cho thấy khoảng 25 lính bộ binh Nga chen chúc trên một chiếc xe tăng bị pháo binh Ukraine bắn trúng và có thể là mìn chống tăng, buộc lính bộ binh phải chạy trốn khỏi xe tăng và băng qua địa hình trống trải mà không có chỗ che chắn. Những cảnh tượng này khiến các blogger quân sự Nga phải thốt lên rằng chiến thuật này thật là điên rồ.

Người ta cũng giải thích rằng việc sử dụng xe bọc thép để nhanh chóng vận chuyển bộ binh của Nga cho thấy thực tế là thiếu xe chiến đấu bọc thép ở một số khu vực của tiền tuyến, và do đó không thể tiến hành các cuộc tấn công dưới sự che chở của đội quân xe bọc thép. Họ cho rằng hỏa lực pháo binh Ukraine đã làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng thiết giáp Nga, đặc biệt là gần Avdiivka ở tỉnh Donetsk và Krynky ở vùng Kherson, do đó quân đội Nga đang thiếu trầm trọng xe bọc thép để có thể vận chuyển và yểm trợ cho các cuộc tấn công của bộ binh.

Tóm lại, bộ binh tiền tuyến Nga đang ở trong tình thế tồi tệ, đặc biệt là sau khi lực lượng thiết giáp bị tổn thất nặng nề, bộ binh gần như mất đi áo giáp. Điều này giải thích phần nào rằng quân đội Nga dù có lợi thế về trang bị, đạn dược và nhân sự nhưng vẫn bất lực trước quân Ukraine. Ukraine sau đó đã nhận được một lượng đáng kể bom chùm do Mỹ viện trợ, những loại đạn này vẫn có thể đối phó với các cuộc tấn công của bộ binh Nga, trong khi loại đạn có sức nổ mạnh dùng để đối phó với xe thiết giáp về cơ bản đã cạn kiệt. Đánh giá về triển vọng của cuộc chiến tranh tiêu hao này, Ukraine có thể rơi vào tình thế nguy hiểm hơn nếu không nhận được hỗ trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây trong thời gian dài.

Còn về vấn đề người Trung Quốc tình nguyện gia nhập quân đội Nga, khó có thể nói rõ nguyên nhân thực sự của từng cá nhân. Nhưng trong bối cảnh rộng lớn hơn, ảnh hưởng của nền giáo dục tẩy não và định hướng giá trị của xã hội dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc là tất yếu. Mọi người không thể tưởng tượng rằng hành động của những người này được thúc đẩy bởi các giá trị phổ quát hoặc công lý đạo đức, họ ủng hộ một cuộc chiến tranh xâm lược và hành động của họ bị thúc đẩy bởi lợi ích nhiều hơn. Họ có thể nghĩ rằng việc giúp bên mạnh hơn đánh bại bên yếu hơn là an toàn. Cũng giống như chính quyền Trung Quốc đàn áp các nhóm tín ngưỡng ôn hòa và những người bất đồng chính kiến, một số người sẽ đứng về phía chính quyền, ủng hộ chính quyền, bởi họ nghĩ làm như vậy sẽ chẳng mất gì, còn nhận được lợi ích và sự chấp thuận của chính quyền.

Theo Shishi Junshi
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Lính đánh thuê Trung Quốc vạch trần những bí mật ẩn giấu của quân đội Nga