Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đóng góp chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 19/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã lên án mạnh mẽ sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nhấn mạnh vai trò của Bắc Kinh trong việc kéo dài cuộc chiến tranh phi nghĩa của Moscow tại Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Trung Quốc hiện là quốc gia đóng góp chính cho khả năng phòng thủ của Nga".

Ông nêu rõ: "Chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc cung cấp cho Nga máy công cụ, chất bán dẫn và các mặt hàng lưỡng dụng khác, giúp Nga tái thiết cơ sở công nghiệp quốc phòng vốn đã bị suy yếu nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu".

Ngoại trưởng Blinken cảnh báo rằng hành động của Bắc Kinh đang "tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc không thể vừa giúp đỡ Nga, vừa duy trì mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường áp lực lên chính phủ Trung Quốc để chấm dứt sự hỗ trợ cho Nga.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng bày tỏ quan ngại tương tự, khẳng định: "Nếu Trung Quốc công khai theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga, quốc gia đang tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại Ukraine, ... chúng tôi không thể chấp nhận điều này".

Ngoại trưởng Blinken cho biết Washington đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc và các quốc gia khác về hậu quả của việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine. Theo quan chức Mỹ, Trung Quốc hiện chưa cung cấp viện trợ sát thương cho Nga, nhưng đang hỗ trợ Nga tăng cường năng lực quân sự để duy trì cuộc chiến tranh tại Ukraine kể từ năm 2022.

Tuy nhiên, phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bác bỏ cáo buộc này. Bắc Kinh khẳng định họ không phải là bên tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine và lặp lại lập trường về việc duy trì bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga.

Chuyên gia: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bị Phó Thủ tướng Hà Lập Phong lấn át trong ủy ban tài chính
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong khi bắt đầu cuộc gặp song phương tại khách sạn Ritz Carlton ở San Francisco, California, Mỹ, vào ngày 9/11/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

‘Những hậu quả nghiêm trọng’

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng.

Trong cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong tại Bắc Kinh, bà Yellen nhấn mạnh rằng các công ty Trung Quốc có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu họ cung cấp hỗ trợ vật chất cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Ông Antonio Graceffo, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, đã viết trong một bài xã luận gần đây trên The Epoch Times rằng: "Sự hậu thuẫn của ĐCSTQ cho phép Nga duy trì hoạt động dây chuyền lắp ráp và sản xuất vũ khí với tốc độ tối đa".

"Giữa việc nhập khẩu trang thiết bị quân sự của Trung Quốc và nguồn thu từ thương mại và đầu tư của Trung Quốc, bộ máy quân sự của Nga hiện đã quay trở lại mức trước chiến tranh. Hoa Kỳ và các đồng minh đang hỗ trợ Ukraine cầm cự càng lâu càng tốt để khiến Nga trở nên kiệt quệ", ông Graceffo lập luận.

"Tuy nhiên, sự hậu thuẫn của ĐCSTQ đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho Moscow. Việc ĐCSTQ hỗ trợ nền kinh tế và sản xuất quân sự của Nga đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang phi truyền thống, đưa Hoa Kỳ và các đồng minh vào thế đối đầu chi tiêu với Bắc Kinh".

Chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc và nhà bình luận của The Epoch Times, ông Chu Hiểu Huy, khẳng định Hoa Kỳ đã nắm giữ đầy đủ bằng chứng về việc Bắc Kinh cung cấp viện trợ sát thương cho Nga, qua đó tạo cơ sở cho các biện pháp tiếp theo.

"Dựa trên những phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chính phủ Hoa Kỳ đã thu thập được một bộ tài liệu toàn diện chứng minh sự hỗ trợ của ĐCSTQ dành cho Nga, và việc ĐCSTQ cung cấp viện trợ sát thương cho Nga đã được xác nhận", ông Chu nhấn mạnh. "Bước tiếp theo là buộc ĐCSTQ phải chịu ‘những hậu quả nghiêm trọng'".

Ông Chu Hiểu Huy dự đoán "những hậu quả nghiêm trọng" có thể bao gồm việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nhiều công ty Trung Quốc hơn, hạn chế quyền tiếp cận công nghệ cao của ĐCSTQ, phong tỏa tài sản của ĐCSTQ và các gia đình của các quan chức cấp cao ĐCSTQ ở nước ngoài, cũng như trừng phạt các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ.

Kể từ cuối năm 2023, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines đã phối hợp với Ngoại trưởng Blinken để hoàn thiện và công bố một báo cáo theo yêu cầu của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ (NDAA).

Báo cáo này tập trung vào tình trạng tham nhũng sâu rộng và tài sản ẩn giấu của các quan chức cấp cao ĐCSTQ tại Hoa Kỳ, bao gồm cả Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Báo cáo dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới, theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ những ngày gần đây.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đóng góp chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga