Nhật Bản lo ngại về kế hoạch tuần tra thường nhật của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bài báo về quần đảo Senkaku đang tranh chấp đã xuất hiện trên trang nhất của tờ Kyodo News của Nhật Bản kể từ ngày 01/01/2024. Theo bài báo, vào cuối tháng 11/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ thị cho Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc rằng họ sẽ không nhượng bộ về vấn đề quần đảo Senkaku.

Quần đảo Senkaku, còn được gọi là "Quần đảo Điếu Ngư" ở Trung Quốc, nằm ở Biển Hoa Đông và hiện là một phần của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này từ năm 1971 và ĐCSTQ đã lợi dụng tranh chấp này để thúc đẩy thái độ chống Nhật Bản và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc.

Nhật Bản nói rằng quần đảo này đã được sáp nhập vào lãnh thổ nước này từ năm 1895 và hiện vẫn là một phần của Nhật Bản theo luật pháp quốc tế kể từ Thế chiến II.

Theo bài báo của tờ Kyodo News, kể từ năm 2024, ĐCSTQ sẽ điều động tàu tới vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku hàng ngày. Tại đây, họ sẽ lên tàu và kiểm tra các tàu cá Nhật Bản nếu cần thiết.

Đây là lần đầu tiên có thông tin tiết lộ rằng Bắc Kinh có ý định kiểm tra các tàu đánh cá Nhật Bản. Nếu đúng như vậy, điều này có thể dẫn đến những cuộc đụng độ với tàu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, khiến căng thẳng leo thang.

Liên quan đến bài viết này, The Epoch Times đã điều tra các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc và phát hiện ra rằng vào ngày 1/12 năm ngoái, Tân Hoa Xã đã đưa tin rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát trụ sở Bộ chỉ huy Biển Hoa Đông của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc vào ngày 29/11/2022. Ông Tập đã kêu gọi tăng cường chủ quyền hàng hải và khả năng thực thi pháp luật của Trung Quốc, cũng như bảo vệ lãnh thổ và các lợi ích của Trung Quốc.

Mặc dù bài báo không đề cập đến quần đảo Senkaku nhưng một ngày trước đó, các tàu Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã cảnh báo các tàu Nhật Bản “xâm phạm trái phép” vào vùng biển của quần đảo tranh chấp. Bắc Kinh còn yêu cầu Tokyo dừng mọi “hoạt động phi pháp” trong khu vực.

Mặc dù The Epoch Times không thể xác minh nguồn tin của tờ Kyodo News, nhưng hàng loạt hành động của ĐCSTQ dường như đã chứng thực điều đó.

Phản hồi trước bài báo của tờ Kyodo News, ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá hải quân Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông Tập đang tìm cách “gieo rắc xung đột khắp mọi nơi để đánh lạc hướng lực lượng quân sự Hoa Kỳ” nhằm mục đích là cuối cùng tiến tới việc đạt được mục tiêu “thống nhất” Đài Loan.

Ông Diêu nói: “Mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ là rất rõ ràng”.

“Chiến tranh Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, trong khi Xung đột Israel - Hamas đã bắt đầu. Hai cuộc xung đột này đã tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên và sự tập trung của tình báo quân sự Mỹ”, ông Diêu lập luận.

“Nếu ĐCSTQ phát động xung đột với Philippines và sau đó gây chiến với Nhật Bản, thì trọng tâm quân sự của Hoa Kỳ sẽ bị chia rẽ. Cuối cùng sẽ đến lượt Đài Loan”.

Ông Diêu Thành tin rằng ĐCSTQ sẽ tìm cách gieo rắc xung đột khắp mọi nơi để quân đội Hoa Kỳ không thể đối phó cùng một lúc. Theo lập trường của ĐCSTQ, Quần đảo Senkaku, Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông đều là những khu vực có thể khuấy động xung đột nhằm mục đích làm phân tán nguồn lực của quân đội Mỹ.

Mục tiêu cuối cùng mà ĐCSTQ mong muốn đạt được là thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Mối quan ngại của Nhật Bản

Vào ngày 31/12/2023, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản xác nhận rằng 4 tàu Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đang ở trong vùng tiếp giáp của Quần đảo Senkaku, cách lãnh hải Nhật Bản khoảng 22 km. Các tàu chiến của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã hiện diện tại khu vực này trong 352 ngày vào năm 2023, đánh dấu thời lượng hiện diện cao nhất của lực lượng này kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa quyền sở hữu quần đảo Senkaku vào năm 2012.

Vào ngày 1/1, Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc tiếp tục điều động 4 tàu đến vùng tiếp giáp của Quần đảo Senkaku, một trong số đó được trang bị súng máy. Vào thời điểm đó, các tàu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản đã cảnh báo các tàu Trung Quốc không được tiếp cận lãnh hải Nhật Bản.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược lâu dài và từng bước ở quần đảo Senkaku, cố gắng chứng tỏ quyền kiểm soát và chủ quyền đối với các đảo tranh chấp thông qua các hành động của mình. Những động thái như vậy khiến Nhật Bản lo ngại.

Vào tháng 9 năm ngoái, Philippines đã dỡ bỏ thành công rào chắn nổi do Trung Quốc lắp đặt gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông vì hành vi này vi phạm luật pháp quốc tế, gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải và xâm phạm chủ quyền của Philippines. Quốc gia này cũng thường xuyên phải đối mặt với sự sách nhiễu và đe dọa của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp.

Tàu tuần duyên Trung Quốc chặn một tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines khi tàu này tiến gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông đang tranh chấp, ngày 22/9/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Tàu tuần duyên Trung Quốc chặn một tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines khi tàu này tiến gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông đang tranh chấp, ngày 22/9/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Hai tháng trước khi Philippines dỡ bỏ rào chắn, Trung Quốc đã lắp đặt một phao khảo sát rộng 10m ở vùng biển thuộc quần đảo Senkaku, nằm ở phía Nhật Bản trên đường trung tuyến giữa lãnh hải của Trung Quốc và Nhật Bản. Phao quan sát đại dương của Trung Quốc thu thập dữ liệu hàng hải và truyền dữ liệu qua vệ tinh tới Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc.

Dù chính phủ Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc tháo phao nhưng Nhật Bản không tự ý tháo phao như Philippines đã làm. Nhật Bản đơn giản chọn cách giám sát sự việc này để tránh leo thang với Trung Quốc.

Sự chiếm đóng âm thầm trên thực tế

Theo lập trường của Nhật Bản, động thái của Trung Quốc khi đặt phao trong vùng tiếp giáp của Nhật Bản và sự xâm nhập vào lãnh hải của Nhật Bản là bước khởi đầu cho một chiến thuật “chiếm đóng âm thầm trên thực tế”.

Kể từ tháng 2 năm ngoái, Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi các tàu đánh cá Nhật Bản “xâm phạm trái phép” vào lãnh hải của Trung Quốc.

Kể từ đó đến nay đã xảy ra 17 vụ bám đuôi và trục xuất tàu cá Nhật Bản đang đánh cá quanh quần đảo Senkaku.

Ngoài ra, có hai diễn biến mới đã thu hút sự chú ý của Nhật Bản.

Đầu tiên là việc các tàu Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã ở lại vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku lâu hơn trước, có lần tăng lên hơn 80 giờ trong một dịp vào năm ngoái.

Thứ hai, kể từ tháng 3, các tàu Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã tích cực bật hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System - AIS) sau khi đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Trước đây, các tàu Trung Quốc sẽ tắt AIS sau khi đi vào khu vực để không bị phát hiện

AIS là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tin rằng, thông qua các động thái của mình, Trung Quốc đang tìm cách tuyên bố quyền sở hữu quần đảo Senkaku thông qua các hành động của mình.

Dư luận ở Nhật Bản

Theo một cuộc thăm dò của Văn phòng Nội các Nhật Bản được thực hiện vào tháng 12, 78,4% số người được hỏi (3.000 người trên 18 tuổi) lo ngại về vấn đề Quần đảo Senkaku, tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu vào năm 2013.

Trong khi đó, nhiều người trong giới báo chí Nhật Bản kêu gọi năm 2024 là năm Nhật Bản khẳng định chủ quyền một cách hợp pháp đối với quần đảo Senkaku.

Trong thông điệp đầu năm mới 2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản và sẽ bảo vệ vững chắc lãnh thổ và không phận của mình.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản lo ngại về kế hoạch tuần tra thường nhật của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku