Phân tích: Phương Tây suy ngẫm về quyền lực của Tổng thống Nga sau vụ binh biến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau vụ binh biến Wagner ở Nga, phương Tây tin rằng sự quyền kiểm soát của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Moscow đã suy yếu nghiêm trọng. Giới phân tích cũng cảnh báo rằng các chính phủ phương Tây cần chuẩn bị tinh thần cho những bất ổn và rủi ro tiềm tàng có thể nảy sinh từ một nước Nga thời hậu Putin.

Cuộc binh biến chóng vánh ở Nga vào ngày 24/6 do ông trùm của nhóm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin lãnh đạo đã phơi bày sự suy yếu về quyền lực của ông Putin đối với nước Nga. Vào ngày 28/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng âm mưu binh biến đã làm suy yếu quyền lực của ông Putin. Tuy nhiên, khi trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Biden nói rằng "rất khó để nói" quyền lực của ông Putin đã xói mòn đến mức nào.

Hôm 26/6, ông Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Vương quốc Anh, nói với The Express rằng tình huống này là một "yếu tố nguy hiểm thay đổi cuộc chơi" đối với ông Putin và thời gian của nhà lãnh đạo Nga là hữu hạn.

“Khi nhà lãnh đạo Nga phải ngăn chặn một cuộc đảo chính bằng cách cung cấp cho người lãnh đạo cuộc đảo chính một nơi lưu vong thay vì trực tiếp đánh bại ông ta, điều này chứng tỏ rằng quyền lực của Điện Kremlin đang bị rút cạn”, ông Ellwood lập luận.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell cũng đưa ra cảnh báo vào ngày 26/6 trong cuộc họp của Hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng Ngoại giao EU, nhấn mạnh nguy cơ bất ổn ở Nga sau sự cố binh biến Wagner. Sự bất ổn này không chỉ làm xói mòn năng lực quân sự của Nga mà còn ảnh hưởng đến cả cấu trúc chính trị của nước này.

Quan điểm của ông Borrell đã nhận được sự ủng hộ từ các ngoại trưởng Đức, Áo và Luxembourg có mặt tại cuộc họp ở Luxembourg.

Trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội cùng ngày, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss nói: "Vương Quốc Anh và các đồng minh của mình, bao gồm người Ukraine, người Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic - cần đảm bảo rằng chúng ta có kế hoạch trong trường hợp Nga sụp đổ”.

Nga đối mặt với viễn cảnh chia cắt

Hôm 20/3, Viện Montaigne, một tổ chức tư vấn của Pháp, đã công bố một báo cáo phân tích những hậu quả tiềm ẩn của một thất bại quân sự đối với hệ thống quyền lực từ trên xuống dưới của nhà lãnh đạo Nga, vốn đã được áp dụng trong hai thập kỷ qua.

Báo cáo nhấn mạnh khả năng nảy sinh những biến động nghiêm trọng đối với bối cảnh chính trị của nước Nga. Hơn nữa, tình hình kinh tế của nước này có thể ngày càng trở nên khó khăn hơn nữa, trong khi nguy cơ xung đột quy mô lớn giữa các lực lượng quân sự, cơ quan tình báo, Lực lượng Vệ binh Quốc gia và các tổ chức bán quân sự ngày càng lớn.

Theo nghiên cứu, Nga có 89 chủ thể liên bang, trong đó có 21 nước cộng hòa tự trị không thuộc Slavic. Báo cáo nhấn mạnh rằng không phải tất cả công dân Nga (Rossiiskii) đều là người dân tộc Nga (Russkii) và tỷ lệ người dân tộc Nga (hiện nay là 80%) đang giảm dần.

Nếu chính quyền trung ương mất quyền kiểm soát, thì các quận biên giới chịu nhiều thương vong nhất trong cuộc chiến này, cũng như các khu vực nghèo khó nơi dân số Nga bị thu hẹp, có khả năng sẽ tính đến việc ly khai khỏi liên bang. Các khu vực giàu có khác có lịch sử khát vọng dân tộc chủ nghĩa, như hai nước cộng hòa bên sông Volga là Tatarstan và Bashkortostan, cũng có thể ẩn chứa nhiều lo ngại.

Theo báo cáo, Nga là một quốc gia bị chia cắt về địa lý, kinh tế, xã hội và khu vực, với rất ít thành phố phát triển, các thực thể hành chính nhỏ và các vùng nội địa rộng lớn nghèo nàn và cô lập. Do đó, bất kỳ sự phân mảnh nào mà nước này trải qua đều có thể dẫn đến sự hỗn loạn, những tác động lâu dài, xung đột và bạo lực có thể leo thang. Tình huống này có thể dẫn đến việc các tổ chức liên bang tách rời hoàn toàn, trong khi các tổ chức khác hợp nhất để thành lập các liên bang mới.

Mối đe dọa về vũ khí hạt nhân ở Nga

Theo một bài xã luận ngày 26/6 đăng trên tạp chí Foreign Policy, Washington cần chuẩn bị cho sự hỗn loạn tiềm tàng ở Nga, trong đó khía cạnh thách thức nhất là phối hợp các phản ứng quốc tế để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga.

Bài báo nhấn mạnh rằng Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng như một số lượng lớn các chương trình vũ khí sinh học. Việc mua trái phép các loại vũ khí này sẽ là một thảm họa. Để ngăn chặn điều này, bài báo đề xuất nên đầu tư vào việc tăng cường khả năng phát hiện tại các cửa khẩu biên giới khu vực. Hơn nữa, Mỹ nên sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận thực tế với các nhà môi giới quyền lực của Nga. Họ là những người có thể tiếp cận với những vũ khí này, tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Tuy nhiên, theo một bài báo do Viện Montaigne của Pháp công bố vào tháng 3, nguy cơ vũ khí hạt nhân do sự chia rẽ của Nga gây ra có thể không nghiêm trọng như thời kỳ Liên Xô tan rã.

Nga đã triển khai khoảng 7.000 vũ khí ra bên ngoài đất nước trong sự cố đó. Ngoài các căn cứ hải quân, năng lực hạt nhân của Nga hiện đang tập trung ở các khu vực miền trung và miền nam của liên bang này, cũng như dọc theo các tuyến giao thông chính do chính quyền trung ương kiểm soát chặt chẽ (mặc dù vị trí gần biên giới sẽ gây ra rủi ro nếu bị phá hủy nghiêm trọng).

Đối phó với nước Nga thời hậu Putin

Về nước Nga thời hậu Putin, ông Janusz Bugajski, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Jamestown ở Washington, nói rằng phương Tây nên tuyên bố công khai mong muốn hợp tác với Nga bất kể kết quả chính trị ra sao khi ông Putin từ chức. Chiến lược này đòi hỏi phải công khai thúc đẩy sự đa dạng, dân chủ, chủ nghĩa liên bang, quyền công dân và chủ quyền của nhiều nước cộng hòa và khu vực. Nỗ lực này cũng bao gồm việc thuyết phục các công dân Nga rằng họ sẽ không bị cô lập trên toàn cầu.

Hôm 1/7, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu Phó Giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô, nói với The Epoch Times rằng các hành động hiện tại của Nga là dấu hiệu cho thấy nước này đã thất bại trong việc xóa bỏ hoàn toàn tàn dư của chủ nghĩa cộng sản.

Bằng cách coi phương Tây là một kẻ thù hư cấu, Nga tự đặt mình vào thế chống lại thế giới tự do và các nguyên tắc phổ quát, do đó củng cố vị thế địa chính trị của mình. Việc xem xét các vấn đề của Nga thông qua lăng kính của những lý tưởng phổ quát, cũng như sự cần thiết phải loại bỏ tàn dư cộng sản, sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới.

Ông Lý Nguyên Hoa cũng nhận định rằng sự tan rã của Nga có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông nói rằng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, nhiều nước phương Tây đã bắt tay với nhau để kiểm soát Nga, chuyển trọng tâm ra khỏi việc chiến đấu với ĐCSTQ. ĐCSTQ đã bí mật ủng hộ Nga, hy vọng rằng Nga sẽ tiếp tục đối đầu với xã hội phương Tây hoặc đóng vai trò làm phân tán sự chú ý của phương Tây đối với Trung Quốc.

Ông Lý nhấn mạnh rằng nếu Nga sụp đổ như một rào cản, thì thế giới tự do sẽ có thể tập trung nhiều nguồn lực hơn để bao vây ĐCSTQ. Viễn cảnh này khiến ĐCSTQ lo ngại vì những lời kêu gọi công lý có thể đẩy nhanh sự giải thể của nó, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Phương Tây suy ngẫm về quyền lực của Tổng thống Nga sau vụ binh biến