Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một cái giá mang tính chiến lược mà phương Tây sẽ phải trả — đã và đang phải trả — cho việc họ không có lập trường đạo đức chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đảng này thi hành chính sách diệt chủng và các hình thức bức hại khác đối với chính người dân của mình.

Phương Tây chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh vì họ đã xây dựng được thanh thế toàn cầu nhờ lập trường đạo đức ủng hộ tự do và phẩm giá con người; và do đó, đã thu hút được những bộ óc tốt nhất và có được những biện pháp hiệu quả nhất. Ngay cả các đối thủ của phương Tây cũng hiểu rằng, tính bất hợp pháp của họ có liên quan trực tiếp đến việc các nước này từ chối nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống, niềm tin và quyền cá nhân của công dân của họ.

Uy tín và tính hợp pháp phái sinh từ “các giá trị phương Tây” bắt đầu trở nên chập chờn và mờ nhạt khi các chính phủ phương Tây - từ Washington đến Canberra và Berlin, đến Ottawa - bắt đầu tìm kiếm lợi ích kinh tế từ ĐCSTQ; và để đạt được chúng, họ gạt bỏ các giá trị đạo đức của họ, trở thành đối tác của ĐCSTQ với vị thế yếu hơn Bắc Kinh.

Vì vậy, có phải tất cả chúng ta - những người đang sống trên khắp thế giới - đều phải chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng đang được tiến hành đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vì chúng ta không lên tiếng chống lại điều đó?

Tại sao một số người phương Tây chấp nhận bằng chứng về tội ác diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng lại không nhận ra tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công?

Rõ ràng, những người Duy Ngô Nhĩ đau khổ được một số cơ quan tình báo phương Tây bảo vệ là bởi vì Tân Cương, hiện trực thuộc Trung Quốc, nằm trên khu vực địa lý quan trọng nối Trung Quốc với Pakistan và phần lớn Trung Á.

Chống lại nạn diệt chủng đối với các học viên Pháp Luân Công không mang lại lợi ích gì cho các cơ quan tình báo phương Tây.

Một số người cho rằng những gì đang được thực hiện để đàn áp Pháp Luân Công không phải là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi của ĐCSTQ đáp ứng đủ định nghĩa của Liên Hợp Quốc năm 1948 về tội ác diệt chủng, đó là:

  • Giết các thành viên của một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.
  • Gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên trong nhóm.
  • Cố tình gây ra các điều kiện sống bất lợi đối với nhóm để dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ hoặc một phần của nhóm.
  • Áp đặt các biện pháp ngăn ngừa sinh đẻ đối với các thành viên trong nhóm.

Tất cả những điều này đang được ĐCSTQ thực thi đối với các học viên Pháp Luân Công. Ngoài ra, ĐCSTQ còn sử dụng vũ khí tình báo và ngoại giao, cũng như sự thâm nhập của họ ở các phương tiện truyền thông xã hội, để săn lùng các học viên Pháp Luân Công ngay cả sau khi những người này đã trốn khỏi Trung Quốc, ra nước ngoài sinh sống trong hòa bình.

ĐCSTQ ngấm ngầm nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công để phục vụ ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng bí mật đang rất phát triển ở Trung Quốc, cưỡng chế các học viên bị bắt giữ phải “hiến tặng” các cơ quan nội tạng quan trọng; vì những người tu luyện Pháp Luân Công được biết đến là có lối sống lành mạnh nên nội tạng của họ dễ tiêu thụ trên thị trường. ĐCSTQ không đơn độc trong vụ việc này; các nhà chức trách ở Kosovo cũng có liên quan đến các hoạt động bắt cóc và “giết người để lấy tạng” ở Balkan và Ý.

đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp bị đàn áp thảm khốc, Pháp Luân Công là gì, biểu tình ủng hộ Pháp Luân Công, thỉnh nguyện hòa bình chống đàn áp Pháp Luân Công, các nạn nhân của ĐCSTQ, nạn mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công và người có đức tin, thu hoạch nội tạng bán giá cao, cấy ghép tạng
Các học viên Pháp Luân Công tham gia lễ diễu hành nhân dịp 24 năm Bắc Kinh tiến hành đàn áp dã man môn tu luyện tinh thần này ở Trung Quốc, tại Khu phố Tàu ở New York, Mỹ, ngày 15/07/2023. (Ảnh: Mark Zou/The Epoch Times)

“Tội ác” mà Pháp Luân Công bị cáo buộc gây ra cho ĐCSTQ — khiến môn tu luyện trở thành mục tiêu của đảng — chỉ đơn giản là những người theo môn tập này có suy nghĩ độc lập với ĐCSTQ, và điều đó gây nên sự bất an cho đảng. ĐCSTQ coi việc các học viên Pháp Luân Công từ chối khuất phục [về tư tưởng] là mối đe dọa đối với tính hợp pháp của đảng, bởi vì tinh thần hòa bình và độc lập của nhóm tu luyện này tương phản rõ ràng với tính độc tài và chuyên chế của đảng. Pháp Luân Công nêu bật thực tế rằng ĐCSTQ chưa bao giờ có được sự công nhận hợp pháp từ người dân Trung Quốc và cũng thiếu “khế ước xã hội” (social contract) với người dân Trung Quốc.

Ngày nay, 90 năm sau khi nạn diệt chủng Holocaust bắt đầu, người ta vẫn chỉ trích phương Tây vì đã quay lưng lại với những người tị nạn Do Thái từ nước Đức và mặc nhiên để họ chết trong các trại tử thần của Đức Quốc xã.

Ngay cả bây giờ, các chính trị gia vẫn cảm thấy xấu hổ vì đã từ chối thừa nhận rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tham gia cuộc diệt chủng chống lại công dân Armenia của họ trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.

Và cũng ít người quan tâm đến việc sử dụng thuật ngữ diệt chủng để mô tả những gì mà các nhóm quyền lực ở vùng Oromo và Tigray tại Ethiopia sử dụng để trừng phạt các dân tộc Amhara và Afar của Ethiopia. Thế giới đã cẩn thận định nghĩa tội diệt chủng nhưng sau đó lại từ chối thừa nhận điều đó ngay cả khi nhìn thấy khuôn mặt, cơ thể và ngôi nhà trống rỗng của các nạn nhân.

đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công, Pháp Luân Đại Pháp bị đàn áp thảm khốc, Pháp Luân Công là gì, biểu tình ủng hộ Pháp Luân Công, thỉnh nguyện hòa bình chống đàn áp Pháp Luân Công, các nạn nhân của ĐCSTQ, nạn mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công và người có đức tin, thu hoạch nội tạng bán giá cao, cấy ghép tạng
Các học viên Pháp Luân Công tham gia buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân bị bức hại ở Trung Quốc, tại Đài tưởng niệm Washington, Mỹ, ngày 16/07/2021. (Ảnh: Samira Bouaou /The Epoch Times)

Diệt chủng là vết nhơ đối với lương tâm của toàn nhân loại — không chỉ những kẻ phạm tội. Đó là điều mà tất cả các dân tộc trên thế giới có nghĩa vụ ngăn chặn thông qua các điều khoản của Liên hợp quốc. Ngày nay, ít người có thể nói rằng họ không biết gì về nạn diệt chủng đang xảy ra ở Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công, ngoài nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

ĐCSTQ đã xác định rằng khái niệm “Trung Quốc mới” chỉ phản ánh suy nghĩ của những kẻ độc tài, và phiên bản hiện được chấp nhận của khái niệm này là “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Các phương tiện truyền thông và chính trị gia trên thế giới, cũng như các cơ quan tình báo toàn cầu, đã có gần ¼ thế kỷ — chính xác là 24 năm, tính đến ngày 20/07/2023 — chứng kiến một ví dụ nổi bật về cách ĐCSTQ đàn áp theo kiểu diệt chủng công dân của mình chỉ vì đức tin của người dân. ĐCSTQ bắt đầu đặt Pháp Luân Công ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1999; đảng trở nên lo sợ khi môn tu luyện ngày càng được người dân ưa chuộng và khi môn tập không tuân theo chính sách vô thần của đảng. Nhưng ĐCSTQ không thực hành chủ nghĩa vô thần; họ thực hành một tôn giáo thế tục hơn, đó là tôn thờ đảng và sự lãnh đạo của đảng.

Trung Nam Hải bắt đầu cuộc đàn áp bằng việc xác định Pháp Luân Công là kẻ thù của nhà nước. Đảng đã không thể rút lại phán quyết này vì nếu làm thế, họ sẽ bị coi là thừa nhận đã làm sai. Đảng tự dồn mình vào chân tường. Nhưng không có lý do gì để các chính phủ nước ngoài, và quan trọng hơn là các cá nhân và tập đoàn nước ngoài, ủng hộ chế độ diệt chủng của ĐCSTQ.

Nhiều thập kỷ sau khi biết sự thật, người ta tin rằng thế giới sẽ không giao dịch với Đức Quốc xã nếu thế giới biết về các trại tập trung của Đệ tam Đế chế. Nhưng có bằng chứng rất thuyết phục rằng, trên thực tế, nhiều người trên thế giới đã biết về tội ác của Adolf Hitler, nhưng vẫn kiềm chế để không đối đầu với ông ta cho đến khi ông ta đẩy nước Đức vào tình trạng chiến tranh chống lại quân Đồng minh.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới chìm sâu hơn nhiều trong chủ nghĩa duy vật (materialism) và chủ nghĩa đổi chác (transactionalism) so với thế giới cuối những năm 1930. Vì vậy, hiện nay, chúng ta hợp lý hóa sự vô đạo đức của mình bằng cách nói rằng nó có lợi cho nền kinh tế của chính chúng ta, và chúng ta bịt tai trước tiếng kêu cứu của các nạn nhân. Trong các xã hội hiện đại, chúng ta đã trở nên ít nhạy cảm với nạn bạo lực hàng loạt hơn là thế hệ ông bà của chúng ta.

Vấn đề đặt ra sau đó là liệu phương Tây có thể lấy lại phẩm giá và sự cao quý của mình — nhờ thế tạo dựng lại được sức hấp dẫn lâu đời trước một thế giới đang gặp khó khăn — bằng cách kiên quyết chống lại tội ác diệt chủng Pháp Luân Công hay không. Và với việc làm như vậy, phương Tây cũng sẽ được mở rộng tầm mắt trước nạn diệt chủng đang được tiến hành để chống lại các dân tộc khác ở Trung Quốc, châu Phi, Balkan và những nơi khác.

Với lập trường vững chắc ủng hộ Pháp Luân Công, việc mất doanh thu từ nền kinh tế của ĐCSTQ trong thời gian ngắn sẽ được bù đắp nhiều hơn bởi sự thăng hoa về đạo đức của phương Tây.

Nhưng câu hỏi không chỉ là liệu chúng ta [phương Tây] có thể cứu các học viên Pháp Luân Công hay không, mà là liệu chúng ta có thể tự cứu mình bằng cách chìa tay ra với họ hay không.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Thủy Tiên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).



BÀI CHỌN LỌC

Sự im lặng đáng xấu hổ của phương Tây