Tổng thống Biden nói với các doanh nghiệp rằng Mỹ vẫn 'đóng vai trò quan trọng’ trong khu vực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm thứ Năm (16/11), Tổng thống Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ là một ‘cường quốc Thái Bình Dương’ và vẫn sẽ đóng một vai trò ‘quan trọng’ đối với tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

“Chúng ta sẽ không đi đâu cả”, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào ngày 16/11, một ngày sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình.

Ông chủ Nhà Trắng nói rằng trong nhiều thập kỷ, cam kết của Washington đối với khu vực này là công cụ thúc đẩy tăng trưởng mang tính chuyển đổi, đảm bảo dòng chảy thương mại mở và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Tổng thống cũng nói rằng trong cuộc gặp ngắn ngủi hôm 15/11, ông đã giải thích với ông Tập vè lý do tại sao Mỹ lại “can dự sâu sắc” vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Đó là bởi vì chúng tôi là một quốc gia Thái Bình Dương. Và nhờ chúng tôi mới có hòa bình và an ninh trong khu vực, từ đó quý vị mới có thể phát triển. Tuy nhiên, ông ấy [ông Tập] không đồng tình [với quan điểm này]", Tổng thống Biden nói.

Ông nói thêm: “Hoa Kỳ vẫn [đóng vai trò] quan trọng đối với tương lai của khu vực và khu vực này quan trọng hơn bao giờ hết đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Tổng thống cho biết hơn 60% hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ đến các nền kinh tế APEC, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong ba thập kỷ tới.

Mỹ tìm kiếm 'mối quan hệ ổn định' với Trung Quốc

Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không có ý định tách rời khỏi nước này.

Ông nói: “Tôi cũng có ý định quản lý sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một cách có trách nhiệm. Đó là những gì thế giới mong đợi ở chúng tôi. Và tôi hứa với quý vị, đó là những gì chúng tôi đang làm”.

Trong khi Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì "mối quan hệ ổn định" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông cũng cho rằng Washington có thể đưa ra những chính sách kinh tế tốt hơn Bắc Kinh.

Ông nói: “Khi nói đến việc duy trì một sân chơi kinh tế bình đẳng và bảo vệ tài sản trí tuệ của quý vị, chúng tôi có những khác biệt đáng kể với Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề đó bằng các chính sách thông minh và ngoại giao mạnh mẽ”.

Quan hệ Mỹ - Trung đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại do những bất đồng về vấn đề Đài Loan, Biển Đông, thương mại, an ninh, công nghệ, cùng nhiều vấn đề khác.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp trong Tuần lễ các nhà lãnh đạo Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Woodside, California, ngày 15/11/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp trong Tuần lễ các nhà lãnh đạo Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Woodside, California, ngày 15/11/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Chính quyền ông Biden đã tìm kiếm các cuộc tiếp xúc cấp cao với ĐCSTQ để xoa dịu căng thẳng, trong đó gần đây nhất là cuộc hội đàm của Tổng thống Biden với ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 15/11, cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai của họ kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái.

Hai bên đã đồng ý khôi phục liên lạc quân sự cấp cao giữa quân đội hai nước mà Bắc Kinh đã cắt đứt vào tháng 8/2022 sau chuyến công du Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Ngoài việc đạt được cam kết của Trung Quốc về việc ngừng cung cấp tiền chất fentanyl, Tổng thống Biden còn tuyên bố rằng ông cũng thảo luận về các vấn đề như các cá nhân Mỹ bị cấm rời khỏi Trung Quốc, nhân quyền, "các hoạt động khắc phục" của chế độ này ở Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Họ cũng thảo luận về vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng Gaza.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden một lần nữa gọi ông Tập là “nhà độc tài” trong cuộc họp báo sau cuộc gặp.

“Sau ngày hôm nay, ông vẫn gọi Chủ tịch Tập là kẻ độc tài như hồi đầu năm chứ?”, một phóng viên đã đặt câu hỏi với tổng thống trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Tập.

“Ồ, đúng vậy”, Tổng thống Biden trả lời.

“Ý tôi là ông ấy [ông Tập] là một nhà độc tài theo nghĩa ông ấy là người điều hành một đất nước là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản dựa trên một hình thức chính phủ hoàn toàn khác so với hình thức chính phủ của chúng ta”.

Tổng thống Biden trước đây từng mô tả ông Tập là một “nhà độc tài”. Vào tháng 6, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở về sau chuyến thăm cấp cao tới Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, Tổng thống Biden nhớ lại sự cố khinh khí cầu do thám và nói rằng việc bắn hạ khinh khí cầu khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc rất tức giận vì ông Tập “không biết nó ở đó”.

Ông Biden đưa ra nhận xét này tại một buổi gây quỹ ở tiểu bang California: “Lý do khiến ông Tập Cận Bình cực kỳ khó chịu khi tôi bắn hạ quả khí cầu đó với hai ô tô chở đầy thiết bị gián điệp là vì ông ta không biết nó ở đó”, ông Biden nói trong buổi gây quỹ.

“Đó là một sự hổ thẹn lớn đối với các nhà độc tài khi họ không biết chuyện gì đã xảy ra. Chuyện đó đáng lẽ không nên có”, ông Biden nói thêm.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden nói với các doanh nghiệp rằng Mỹ vẫn 'đóng vai trò quan trọng’ trong khu vực