Tổng thống Mỹ tìm cách 'hòa giải với Trung Quốc', muốn nói chuyện với ông Tập sau sự cố khí cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ ý định muốn trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về những diễn biến liên quan đến việc Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc hồi đầu tháng, cũng như duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc.

Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc khi nó đi vào không phận trên lục địa Hoa Kỳ gần biên giới Idaho - Montana vào ngày 31/1. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã chọn cách thu thập thông tin tình báo từ khinh khí cầu này trước khi bắn hạ nó ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2.

Trong cuộc họp báo hôm 16/2, ông Biden nói rằng ông sẽ không xin lỗi ông Tập vì đã bắn hạ khinh khí cầu.

"Tôi mong được nói chuyện với Chủ tịch Tập và tôi hy vọng chúng tôi sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Nhưng tôi không xin lỗi vì đã bắn hạ quả khinh khí cầu đó”.

Đáp lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt đứt đường dây liên lạc quân sự cấp cao nhất với Hoa Kỳ và từ chối nhận các cuộc điện đàm từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Bất chấp rào cản trên từ phía Trung Quốc, chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ duy trì mọi đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc và không ngừng tìm cách tái hợp tác với ĐCSTQ để ngăn chặn mối quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng xấu đi.

“Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa các nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự của hai nước”, ông Biden nói.

"Các nhà ngoại giao của hai nước sẽ tiếp tục đối thoại và tôi sẽ duy trì liên lạc với Chủ tịch Tập”.

Cuối cùng, ông Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc và nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Cho đến nay, chính quyền ông Biden đã có lập trường rất khiêm tốn trước các hành vi vi phạm không phận của Hoa Kỳ, khi chỉ trừng phạt sáu thực thể có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám quân sự của Trung Quốc.

Tương tự, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chủ yếu mang tính chất tượng trưng đối với hai nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon.

Hồi đầu tháng, Hoa Kỳ thừa nhận rằng chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã tồn tại trong nhiều năm và nhắm mục tiêu vào 40 quốc gia trên 5 châu lục, bao gồm cả "các đồng minh và đối tác thân cận nhất" của nước này.

Mặc dù vậy, ông Biden vẫn nhấn mạnh rằng chính quyền của ông không cho rằng họ đang tham gia vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh với ĐCSTQ và sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ bình thường với Trung Quốc.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, như chúng tôi đã làm trong suốt hai tuần qua”, ông Biden khẳng định.

“Chúng tôi tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột với Trung Quốc. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới".

Chính quyền ông Biden mong muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc

Những bình luận của ông Biden dường như nhất quán với lập trường chính sách lớn hơn của chính phủ (mặc dù không chính thức) là ủng hộ việc cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc bất chấp sự thù địch ngày càng tăng của chế độ này.

Hơn nữa, nhiều quan chức chính quyền của ông Biden đã tuyên bố trong tuần này rằng việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ sẽ không để lại hậu quả chính trị nào.

Trao đổi với tờ Politico hôm 14/2, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói rằng bà không cho rằng việc Mỹ quyết định bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Khi được hỏi trực tiếp liệu vụ việc có gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung hay không, bà Harris chỉ trả lời đơn giản là: "Tôi không cho là như vậy, không".

“Chúng tôi tin rằng mọi thứ đã diễn ra trong một tuần rưỡi qua là rất phù hợp với cách đã nêu của chúng tôi [với Trung Quốc]”, bà Harris nói.

Bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng đang bóp nghẹt quan hệ Mỹ - Trung, trong một động thái tự, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Wendy Sherman hôm 15/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cố gắng tránh Chiến Tranh Lạnh với Trung Quốc. Đồng thời, Washington sẽ tìm cách để cử Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh trong một chuyến thăm ngoại giao, mặc dù chuyến đi đã bị hoãn lại do sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ.

Phát biểu tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, vào hôm 15/2, bà Sherman nói rằng: "Thông tin liên lạc của Mỹ và Trung Quốc vẫn được duy trì. Chúng tôi hy vọng sẽ gặp lại nhau trực tiếp khi hoàn cảnh cho phép”.

Quốc hội Mỹ lên án Trung Quốc, yêu cầu ông Biden minh bạch

Chưa kể tới việc những đảm bảo của chính quyền ông Biden đang cho thấy điều ngược lại, Quốc hội Mỹ dường như đang tin rằng ĐCSTQ đang leo thang một cuộc Chiến Tranh Lạnh vốn đã tồn tại từ lâu. Do đó, Quốc hội Mỹ cho rằng trong những trường hợp như thế này thì chia rẽ về mặt chính trị là điều cần thiết.

Cả Hạ viện và Thượng viện đã thông qua các nghị quyết chính thức lên án ĐCSTQ vi phạm chủ quyền của Mỹ và do thám công dân Mỹ cũng như do thám các căn cứ quân sự của nước này.

Một nghị quyết của Hạ viện được thông qua hôm 9/2 khẳng định rằng: “Việc ĐCSTQ sử dụng khinh khí cầu do thám tầm cao trên lãnh thổ Hoa Kỳ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Hoa Kỳ”.

Nghị quyết nêu rõ: "Việc ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo nhằm vào Hoa Kỳ đặt ra mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ”.

Luận điệu thể hiện trong nghị quyết của Hạ viện, được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu đồng thuận với kết quả 419 - 0, tiếp tục được lặp lại trong hai nghị quyết của Thượng viện được ban hành vào ngày 15/2.

Nghị quyết của Thượng viện không chỉ lên án hành vi vi phạm chủ quyền bất hợp pháp của ĐCSTQ, mà còn yêu cầu Tổng thống Joe Biden phải “minh bạch với người dân và Quốc hội Hoa Kỳ về vụ gián điệp mới nhất này và tất cả các nỗ lực khác của ĐCSTQ nhằm tiến hành do thám công dân, lãnh thổ, và tài sản của Hoa Kỳ”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mỹ tìm cách 'hòa giải với Trung Quốc', muốn nói chuyện với ông Tập sau sự cố khí cầu