Bình luận: Ukraine - Verdun của thế kỷ 21?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine đang chìm trong một cuộc chiến tranh khốc liệt, gợi nhớ đến trận Verdun kinh hoàng cách đây 108 năm trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ I. Trận chiến Verdun năm 1916 đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương khoảng 700.000 binh lính Pháp và Đức.

Sau 10 tháng chiến đấu ác liệt, Verdun kết thúc với chiến thắng thuộc về Pháp khi họ chặn đứng đợt tấn công cuối cùng của quân Đức. Tuy nhiên, cả hai bên đều không đạt được mục tiêu đề ra và vị trí của họ trên chiến trường gần như không thay đổi so với lúc bắt đầu.

Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay cũng đang diễn ra theo một kịch bản tương tự. Sau thất bại trong cuộc tấn công phủ đầu Kyiv vào tháng 2 năm 2022 và nỗ lực phản công "mùa xuân" kéo dài sáu tháng của Ukraine sụp đổ vào mùa xuân năm 2023, chiến tranh đã rơi vào bế tắc.

Nga Nga không thể sáp nhập toàn bộ Ukraine, chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ Crimea và Donbass. Trong khi đó, Ukraine cũng không thể đẩy lùi quân Nga về vị trí trước chiến tranh, chưa nói đến việc giành lại các khu vực bị mất vào năm 2014.

Mặc dù chưa bên nào công bố con số thương vong chính thức và đầy đủ, nhưng tổng thiệt hại của cả hai bên có thể lên đến mức khủng khiếp, tương tự trận Verdun thời Thế chiến I (khoảng 600.000 - 700.000 người).

Ước tính 10 triệu người dân Ukraine đã phải rời khỏi đất nước kể từ khi chiến tranh nổ ra. Do làn sóng di cư ồ ạt này, dân số Ukraine có thể đã giảm xuống dưới 35 triệu người.

Nói cách khác, Nga hiện có quy mô dân số, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và diện tích lần lượt gấp 7, 10 và hơn 30 lần so với Ukraine.

Tuy nhiên, nếu NATO và Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì khả năng Nga thôn tính Ukraine dường như rất thấp, tương tự như việc Ukraine khó có thể lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất trước năm 2014.

Khi tổn thất nhân mạng tăng lên và tình trạng bế tắc kéo dài, các cuộc thảo luận về thỏa thuận hòa bình sẽ nảy sinh mỗi tháng.

Cả Ukraine và các đồng minh đều nhận thức rõ ràng (nhưng không công khai) rằng việc thu hồi Donbass và Crimea là rất khó khăn. Hai khu vực này đã tách khỏi Ukraine cách đây một thập kỷ, dưới thời chính quyền Obama.

Trong suốt nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ như: ông Obama, ông Trump và ông Biden, Ukraine cũng như các đồng minh của họ không hề có nỗ lực nào để giành lại Donbass và Crimea bằng vũ lực. Nga đã kiểm soát hai khu vực này trên thực tế từ năm 2014.

Vậy các thỏa thuận ngừng bắn đang được đề cập trên truyền thông có thể bao gồm những nội dung gì?

Có lẽ nội dung có thể gần giống với những gì Ukraine và Nga đã thảo luận vài tuần sau cuộc xâm lược thất bại của Nga vào năm 2022.

Kế hoạch đó có thể dẫn đến việc chính thức hóa việc Nga kiểm soát Donbass và Crimea trong một thập kỷ qua, đi kèm với các đảm bảo về chủ quyền của Ukraine trong phạm vi lãnh thổ tính đến trước tháng 2/2022.

Một số bên khác còn gợi ý rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, nhưng họ sẽ được trang bị vũ khí tối tân để ngăn chặn hoặc tiêu diệt các cuộc tấn công tiềm ẩn từ phía Nga.

Nếu những kế hoạch hòa bình Nga - Ukraine từng được đề cập trước đó và giờ đây được thảo luận lại thì lợi thế và bất lợi cho cả hai bên là gì?

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải giải thích cho người dân của mình - giống như bất kỳ nhà độc tài nào khác - lý do tại sao ông lại phát động một cuộc chiến tranh khiến khoảng 500.000 người Nga thiệt mạng và bị thương, quân đội bị tàn phá, và không thu được thêm lãnh thổ nào ngoài việc danh tiếng của nước Nga bị tổn hại nghiêm trọng.

Lợi thế được cho là duy nhất của ông ta có thể là việc chính thức hóa việc sáp nhập Donbass và Crimea giàu tài nguyên, và ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.

Ukraine có thể phản bác rằng lòng dũng cảm của họ và sự hỗ trợ từ các đồng minh đã gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho quân đội Nga kể từ Thế chiến II. Hơn nữa, việc đảm bảo tái thiết và tái trang bị cho quân đội Ukraine dày dặn kinh nghiệm lúc này có thể ngăn chặn ông Putin, vị lãnh đạo 71 tuổi, tái xâm lược.

Ukraine sẽ mất đi tuyên bố chính đáng đối với Donbass và Crimea. Nhưng một lần nữa, các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ, NATO và Ukraine dường như không có kế hoạch hoặc khả năng giành lại các khu vực này bằng vũ lực.

Nhưng nếu không có thỏa thuận hòa bình thì sao?

Nếu không có thỏa thuận hòa bình, tình trạng bế tắc hiện tại có thể dẫn đến một triệu người chết và bị thương vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, các quốc gia Châu Âu sẽ vẫn duy trì lập trường cứng rắn, nhưng viện trợ cho Ukraine sẽ dần giảm sút, và Ukraine sẽ dần rơi vào quên lãng.

Cùng lúc đó, liên minh chống phương Tây đang nổi lên gồm Trung Quốc, Iran và Nga có khả năng sẽ mạnh lên. Ngoài ra, các quốc gia cơ hội như Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Trung Đông và các nước ở Nam bán cầu sẽ nghiêng về phe Trục mới này.

Để phá vỡ bế tắc kéo dài nhiều năm, các biện pháp sẽ leo thang. Ukraine sẽ kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều hơn nữa các vũ khí hạng nặng, nguy hiểm hơn, bất chấp tổn thất nhân lực.

Hơn nữa, sẽ có thêm các cuộc tấn công chiến lược và nguy hiểm vào các căn cứ và kho dự trữ của Nga bên trong lãnh thổ nước này, cũng như các cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen.

Đáp lại, Nga sẽ gia tăng các mối đe dọa hạt nhân hàng loạt hiện nay và tiếp tục nhắm mục tiêu vào dân thường. Điều này khiến những điều từng đáng sợ và không thể tưởng tượng được trở thành bình thường và có thể xảy ra.

Thêm vào đó, đã có những tin đồn vô căn cứ về việc NATO đưa quân bộ binh vào cuộc chiến, trong khi Nga đe dọa tấn công các quốc gia phương Tây khác.

Cuối cùng, một thỏa thuận ngừng bắn bất phân thắng bại rõ ràng là điều tồi tệ, nhưng một cuộc chiến tranh bất tận với hơn một triệu người thương vong còn tồi tệ hơn nữa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Victor Davis Hanson là nhà bình luận, người theo chủ nghĩa cổ điển và nhà sử học quân sự bảo thủ. Ông là Giáo sư danh dự tại Đại học Tiểu bang California, thành viên cấp cao về nghiên cứu văn hóa cổ điển và lịch sử quân sự tại Đại học Stanford, thành viên của trường Hillsdale, và cũng là thành viên xuất sắc của Trung tâm vì Sự vĩ đại của nước Mỹ. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, trong đó có cuốn “The Western Way of War”, “Fields Without Dreams” và “The Case for Trump”.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Ukraine - Verdun của thế kỷ 21?