Chiến tranh Hamas - Israel: Trung Quốc cam kết hỗ trợ 'vững chắc' cho Iran

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 26/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) cho biết Trung Quốc sẽ "ủng hộ vững chắc" cho Iran trong việc bảo vệ "chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá quốc gia" trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến Hamas - Israel.

Ngày 26/10, ông Lý Cường đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc gặp với ông Mohammad Mokhber, Phó Tổng thống thứ Nhất nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan.

Thủ tướng Trung Quốc đã ca ngợi “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa Trung Quốc và Iran, đồng thời cho biết hai nước đã duy trì quan hệ song phương trong hơn 50 năm, bất chấp "tình hình quốc tế có nhiều biến động".

Theo một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Lý đã tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Iran và nói rằng đất nước ông "kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào công việc nội bộ của Iran".

Dưới chính phủ đương nhiệm, tình trạng bất ổn dân sự và các cuộc biểu tình rầm rộ là một đặc điểm đáng chú ý trong xã hội của người dân Iran trong những năm gần đây. Ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, điều hành đất nước là một bộ máy Hồi giáo thần quyền (lấy giáo lý đạo Hồi làm cơ sở), cai trị đất nước theo luật pháp và quy định dựa trên đạo Hồi dòng Ja'fari Shia.

"Hai bên nên thực hiện kế hoạch hợp tác toàn diện song phương, thúc đẩy hợp tác ‘Vành đai và Con đường’, tăng cường hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực, giao lưu nhân dân và văn hóa bao gồm giáo dục, văn hóa, du lịch và các tổ chức tư vấn, đồng thời nỗ lực đạt được những thành tựu mới và bền vững trong hợp tác Trung Quốc - Iran”, theo tuyên bố từ Đại sứ quán Trung Quốc.

Ông Lý cũng cam kết tăng cường phối hợp với Iran trong các tổ chức quốc tế, nhưng ông không đề cập đến căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, vốn được thúc đẩy bởi cuộc chiến Hamas - Israel đang diễn ra.

Vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas

Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran có liên hệ trực tiếp đến các cuộc tấn công khủng bố chưa từng có của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10, nhưng chế độ Hồi giáo này vẫn luôn là nước ủng hộ Hamas nhiệt thành nhất.

Một ngày sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, ông Abu Obaidah, phát ngôn viên của Lữ đoàn Al-Qassem, cánh quân sự của Hamas, ghi nhận Iran đã tạo ra vụ thảm sát.

Ông nói trong một video: “Chúng tôi xin cảm ơn Cộng hòa Hồi giáo Iran, quốc gia đã cung cấp cho chúng tôi vũ khí, tiền bạc và nhiều thiết bị khác. Họ đã cung cấp cho chúng tôi tên lửa để phá hủy các pháo đài của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và giúp chúng tôi có được tên lửa chống tăng tiêu chuẩn”.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2020, Hamas và các nhóm khủng bố Palestine khác đã nhận được tổng cộng lên tới 100 triệu USD mỗi năm từ Iran.

Năm ngoái, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh nói với hãng tin Al-Jazeera rằng Iran đã đóng góp 70 triệu USD để hỗ trợ nhóm này phát triển tên lửa và hệ thống phòng thủ. Ông xác định Iran là nhà tài trợ chính, mặc dù ông cho biết các chính phủ khác cũng viện trợ cho nhóm này.

Trung Quốc đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Iran

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ chối lên án cuộc tấn công chết người của Hamas nhằm vào Israel. Ngày 24/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi cuộc xung đột là “sự lựa chọn quan trọng giữa chiến tranh và hòa bình”.

Theo ông Gabriel Noronha, một thành viên tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ, ĐCSTQ “đã cung cấp huyết mạch kinh tế” cho Iran bằng cách mua lượng dầu thô ước tính trị giá 30 tỷ USD từ Iran vào năm ngoái và “dự kiến ​​sẽ mua nhiều hơn nữa vào năm 2023”.

Ông cho rằng nỗ lực này rất quan trọng đối với những nỗ lực của Iran nhằm tự vệ trước những tác động của các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

“Chính phủ Iran đang tìm cách cô lập mình khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc,” ông Noronha cho biết trong văn bản điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 26/10.

Theo ông Noronha, Iran đã cung cấp hơn 20 tỷ USD để hỗ trợ các nhóm khủng bố nước ngoài ở Trung Đông và cung cấp cho Hamas khoảng 93% ngân sách quân sự.

Phần lớn số tiền đó đến từ việc bán dầu cho Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2022, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu lượng dầu kỷ lục của Iran sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt.

Chế độ này đã ngừng công bố dữ liệu về việc nhập khẩu dầu của Iran vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, ước tính tình báo chỉ ra rằng Trung Quốc đã nhập khẩu dầu ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh Hamas - Israel: Trung Quốc cam kết hỗ trợ 'vững chắc' cho Iran