Chính sách đối ngoại yếu kém đối với Trung Quốc không mang lại ích lợi gì cho nước Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Siêu cường thế giới tiếp tục cử các nhà ngoại giao đến quỳ gối trước ngai vàng ở Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dẫn đầu đoàn ngoại giao của nước Mỹ ủng hộ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Bất chấp tuyên bố của ông Blinken về “sự tiến bộ” trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, hầu hết các nhà quan sát lâu năm và nghiêm túc về Trung Quốc, bao gồm cả bà June Teufel, Giáo sư khoa Khoa học chính trị tại Đại học Miami, nói với The Epoch Times rằng “chỉ những người đánh đồng đối thoại với thành tích mới tin rằng chuyến thăm của ông Blinken đã gặt hái được thành công”.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ không mang lại tiến bộ thực chất nào đối với các vấn đề gây tranh cãi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối nhượng bộ bất cứ điều gì mà không có sự lùi bước từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như chấm dứt các lệnh trừng phạt và thuế quan cũng như khôi phục quan hệ thương mại Mỹ - Trung về nguyên trạng trước năm 2017.

Phần còn lại của thế giới nghĩ gì? Hãy cùng chúng tôi phân tích điều này.

Đến lượt bà Yellen

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng. Bà nói rằng bà đã có "các cuộc đối thoại trực tiếp, thực chất và hiệu quả" với các đồng nghiệp Trung Quốc sau chuyến đi. Đài CNN đưa tin bà Yellen được phía Trung Quốc "tiếp đón nồng nhiệt hơn" so với ông Blinken, nhưng không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chuyến thăm đã đạt được bất kỳ thỏa thuận có ý nghĩa nào. Hãng tin Reuters thậm chí còn thận trọng hơn khi nói rằng chuyến thăm của bà Yellen "không có gì đột phá”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen (trái) bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong trong cuộc gặp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 8/7/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/Pool/AFP/Getty Images)
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen (trái) bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong trong cuộc gặp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 8/7/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/Pool/AFP/Getty Images)

Trong chuyến công du của mình, bà Yellen đã nêu ra một vấn đề yêu thích, trong đó kêu gọi Trung Quốc "hợp tác với Washington để chống lại 'mối đe dọa hiện hữu' của biến đổi khí hậu", theo đài BBC.

Trong những năm gần đây, bà đã tham gia vào phong trào biến đổi khí hậu, và là một trong những người đầu tiên ký kết Tuyên bố của các nhà kinh tế về tín chỉ carbon vào năm 2019, trong đó ủng hộ mạnh mẽ thuế carbon và "hệ thống điều chỉnh carbon" (tín chỉ cô lập carbon) để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dài hạn sang "các nguồn năng lượng và công nghệ xanh".

Cô lập carbon (carbon sequestration) hay còn gọi là thu giữ carbon là quá trình liên quan tới việc cố định carbon và tích trữ lâu dài carbon dioxide trong khí quyển.

Ông John Clausr, người đoạt giải Nobel mới đây, cho hay ông "[không] tin rằng có một cuộc khủng hoảng khí hậu" và rằng "các quá trình [vật lý] quan trọng đã bị phóng đại và hiểu sai khoảng 200 lần". Ông cũng cáo buộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc "lan truyền thông tin sai lệch".

Tóm lại, sự cần thiết phải đánh thuế carbon, tín chỉ cô lập carbon và các ưu đãi giả mạo khác liên quan đến các chính sách "thỏa thuận mới xanh", cũng như giả định rằng biến đổi khí hậu đặt ra "mối đe dọa hiện hữu" cho nhân loại, là không có cơ sở.

Theo đài Fox News, khi xuất hiện trên máy quay, bà Yellen liên tục cúi đầu trước người đồng cấp của mình, ông Hà Lập Phong. Đây là hành động mà nhiều người coi là dấu hiệu của sự yếu đuối và chính xác là kiểu hành xử mà Bắc Kinh muốn thể hiện: đích thân một chính trị gia cấp cao của Mỹ bày tỏ sự kính trọng to lớn đối với một quan chức Trung Quốc.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm của bà Yellen, thể hiện qua bài báo đăng hôm 14/7 của tờ Nhân dân Nhật báo do nhà nước điều hành: "Tại sao chuyến thăm của bà Yellen tới Trung Quốc lại được cả hai nước công nhận". Xe điện, tấm pin mặt trời, pin, công nghệ xanh và đồng nhân dân tệ chắc chắn đang nhảy nhót trong đầu người Trung Quốc.

‘Sứ giả khí hậu’ nối gót bà Yellen

Theo sau chuyến thăm của bà Yellen, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã gặp người đồng cấp Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) tại Bắc Kinh hôm 17/7/2023. Theo tờ Townhall, vị “sứ giả khí hậu” John Kerry đã chu du khắp thế giới trên chiếc chuyên cơ riêng “do gia đình sở hữu” và “đốt cháy 325 tấn carbon” trong 18 tháng đầu tiên của chính quyền ông Biden.

Ông Kerry rõ ràng đã kêu gọi Trung Quốc cắt giảm khí thải mê-tan siêu ô nhiễm, chứng minh rằng nước này có thể rời bỏ than đá nhanh hơn và hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề phá rừng.

Có lẽ ông Kerry nên để tâm đến lời khuyên của nhà vật lý và Giám đốc điều hành Liên minh khí Carbon William Happer rồi làm ngược lại.

"Khoa học khí hậu sai lầm đã phát triển thành giả khoa học gây sốc trên báo chí. Tương tự như vậy, các đại lý tiếp thị thương mại, các chính trị gia, nhà báo, cơ quan chính phủ và các nhà bảo vệ môi trường đã xác nhận và truyền bá giả khoa học. Theo tôi, không có khủng hoảng khí hậu thực sự”, ông Happer nói.

Biến đổi khí hậu chỉ là mối quan tâm thứ yếu đối với chính quyền Trung Quốc, và hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào về các vấn đề khí hậu trừ khi Washington chịu khuất phục trước yêu cầu của Bắc Kinh. Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước này đã chỉ trích ĐCSTQ rằng “hợp tác khí hậu chỉ có thể được thúc đẩy khi quan hệ Mỹ - Trung nói chung phát triển theo hướng tích cực”.

Ai sẽ là nhân vật tiếp theo?

Cuộc diễu hành khẩn cầu không có dấu hiệu kết thúc sớm. Tờ báo của chính quyền Trung Quốc China Daily hôm 13/7 đưa tin, Bộ Thương mại Trung Quốc “sẵn sàng đón tiếp” Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo.

Và khi nào thì Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tới Bắc Kinh để tham gia các cuộc đàm phán giữa quân đội hai nước - một cuộc hội đàm mà ông rất nóng lòng nối lại?

Các quan chức cấp nội các và phó nội các khác của Washington đang chờ đến lượt mình chăng?

Kết luận

Chính quyền ông Biden dường như đã quên mất mục đích của ngoại giao: gây ảnh hưởng đến các chính sách và hành vi của các chính phủ khác nhằm phục vụ cho chính phủ và an ninh quốc gia của chính mình. Hùng biện thế đủ rồi; giờ là lúc quan tâm đến lợi ích của Mỹ.

Quang cảnh của ba chuyến đi này là một thảm họa đối với Hoa Kỳ: không có thành tựu thực chất nào. Các quan chức Trung Quốc tươi cười đồng ý đối thoại trong khi nhắc nhở các quan chức Mỹ rằng Bắc Kinh có những ưu tiên khác với Washington, và chính sách đối ngoại yếu kém của Mỹ có tác động tâm lý đối với các nhà quan sát trên khắp thế giới.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Stu Cvrk là Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông từng giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do - điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách đối ngoại yếu kém đối với Trung Quốc không mang lại ích lợi gì cho nước Mỹ